Mẹ chồng không biết chăm cháu nên tôi không thể đi làm lại

05/08/2018 - 09:00

PNO - Thỉnh thoảng, bạn thân lại gọi điện giục: “Ở nhà lâu quá rồi. Đi làm đi. Không thì bị đần độn có ngày thật đấy”. Nhưng không có người giúp việc, bố mẹ chồng lại chẳng biết chăm cháu, tôi phải làm thế nào?

Tốt nghiệp đại học, tôi có đi làm cho một công ty kiểm toán, công việc rất áp lực. Vì thế, sau khi lấy chồng rồi mang bầu, được gia đình nhà chồng gợi ý, chồng kiếm ra tiền, đi làm làm gì cho khổ, rồi suốt ngày bị người ta mắng mỏ, chửi bới, tôi cũng gật gù, mừng ra mặt và quyết định nghỉ việc một cách không cần phải nghĩ dù lúc đó mới bầu bí được 2 tháng. 

Me chong khong biet cham chau nen toi khong the di lam lai
Hình minh họa.

Tưởng tượng tới cảnh, sáng ra được ngủ nướng, rồi hẹn bạn bè cà phê tám chuyện, đọc sách, xem phim thỏa thích, tôi sướng rơn trong lòng.

Thế nhưng, cái sự sung sướng ấy còn không có cơ hội trở thành hiện thực. Ngay buổi sáng sau khi tôi chính thức nghỉ việc một ngày, 6 giờ sáng, mẹ chồng tôi đã lên gõ cửa ầm ầm, gọi dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Sau bữa sáng nào thì rửa chén, nào thì dọn dẹp, lau dọn nhà cửa… 

Toàn mấy việc nhỏ nhỏ, lặt vặt nhưng quanh đi quẩn lại cũng hết ngày. Tới chiều, lại chuẩn bị bữa tối. Cứ thế, ngày này qua ngày khác.

Trước đây, những việc này thường được giao cho giúp việc. Nhưng hết người này tới người khác, ai cũng chỉ làm được một tuần rồi xin nghỉ, lâu nhất là nửa tháng. Bố mẹ chồng khó tính, không tin tưởng, lại còn hay xét nét người khác. Thành ra, làm được mấy ngày, chủ nhà và giúp việc cứ cãi nhau om sòm, loạn xì ngầu. Cuối cùng, mẹ tôi tuyên bố, từ nay sẽ không thuê giúp việc nữa.

Khi tôi chưa nghỉ việc thì những việc đó mẹ chồng thường làm, cuối tuần ở nhà tôi mới phụ cùng bà. Nhưng kể từ ngày tôi không đi làm, bà chỉ đi chợ mua đồ ăn vào sáng sớm, mọi việc lớn nhỏ còn lại trong nhà đều đến tay tôi.

Bà lúc nào cũng nói, ngày xưa nuôi chồng tôi, mẹ vất vả ra sao. Bụng mang dạ chửa vượt mặt vẫn phải nai lưng đi làm kiếm tiền. Giờ tới lúc, mẹ an nhàn, hưởng phúc được rồi.  

Me chong khong biet cham chau nen toi khong the di lam lai
Hình minh họa.

Mà mẹ chồng tôi thoải mái như mẹ chồng nhà người ta thì nói làm gì. Làm cái gì bà cũng "súp-pơ-soi". Góc này quét sạch chưa. Góc kia lau bóng loáng chưa. Cái chăn xếp vậy đã thẳng chưa. Bó rau muống tôi ngắt có quá tay không. Thịt thái như vậy được chưa.

Bình thường người ta khuyên phơi quần áo phải lộn mặt trái ra nhưng mẹ tôi lại khăng khăng con cứ phơi mặt phải. Bà nói, phơi mặt trái, khi mình mặc vào bên trong người, bụi bặm lơ lửng ngoài không khí bám vào, bẩn thỉu, mất vệ sinh, sinh bệnh.

Còn bố chồng tôi thì cả ngày ra đầu phố ngồi “thiền”… cờ tướng với mấy ông bạn cùng tổ dân phố. Ông bảo, ở nhà, ai thích làm gì thì làm. Đến giờ cơm chín, nháy máy điện thoại kêu ông về ăn cơm là được. Ông vốn là đại tá quân đội, nói cái gì cũng như chắc nịch.

Tới khi sinh xong, tôi bắt đầu bước vào thân phận của một bà mẹ bỉm sữa, “căng” như sợi dây đàn. Mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn 180 độ. Đêm và ngày chẳng còn phân biệt được.

Mặc dù lúc đó, mẹ chồng có san sẻ bớt công việc nhà nhưng tôi bắt đầu stress trầm trọng. Chồng tôi dân công trình nên quanh năm suốt tháng không ở nhà nhiều. Lâu dần, những tin nhắn động viên hỏi thăm của anh cũng trở nên sáo rỗng, vô nghĩa đối với tôi. Trong khi đó, mẹ chồng tôi vẫn kiên quyết không tìm người giúp việc. Bà bảo cố thêm một chút, tôi thì nhủ thầm trong bụng, cố quá thành... quá cố.

Có một điều mà bố mẹ chồng tôi chẳng giống những ông bà khác, thấy cháu là quấn, muốn bồng, muốn đút cho cháu ăn, chơi với nháu. Nói chi đâu xa, bố mẹ tôi ở quê, đội cháu lên trời. Cưng chúng lắm. Chơi với chúng cả ngày cũng không thấy mệt.

Nhưng bố mẹ chồng tôi dường như không kiên nhẫn được với cháu nội của mình. Nó cười thì thôi, hễ khóc là bà trao tay mẹ ngay. Tôi đi tắm, là y như rằng ở ngoài kia, con đang khóc gào lên rất tội. Bà cũng không đút nổi cháu bát cháo.

Lâu dần, bà không muốn đến gần nó nữa. Tôi có việc phải ra ngoài một lúc, khi về đã thấy mặt mũi con mình khóc sưng cả mắt. Thấy mẹ về là nó bò lấy bò để tới mẹ.

Thỉnh thoảng tôi vẫn thắc mắc với chồng tôi rằng tại sao mẹ không biết dỗ cháu, ngày xưa mẹ dỗ anh thế nào. Anh chỉ cười. Làm sao có thể nhớ được chuyện đó?  

Trước đây, có nhiều khi đọc trên báo thông tin nói về những bà bầu hoặc mẹ bỉm sữa bị trầm cảm tử tự hoặc giết người thì không tin lắm, nghĩ chuyện hoang đường. Thế nhưng, khi mình trải qua rồi mới thấy mọi thứ đều có thể. Đã hơn một lần, tôi cảm thấy cuộc sống ngột ngạt quá, kí sẵn đơn ly dị. Nhưng chồng nỉ non, tôi lại mềm lòng.

Me chong khong biet cham chau nen toi khong the di lam lai
Hình minh họa.

Có một lần mới đây, trong lúc con ngủ, tôi vô tình đi qua chiếc gương lớn trong phòng hai vợ chồng. Hình như hai năm rồi tôi không còn soi gương. Bộ dạng hiện tại như giễu cợt, đay nghiến tôi.

Từ một người vui vẻ, hoạt bát, nhanh nhẹn, tôi trở nên khép kín, phản ứng chậm và không biết nhiều về cuộc sống ngoài kia. Đứa bạn thân lâu lâu vẫn gọi điện hỏi thăm. Thấy con cứng rồi mà tôi không chịu đi làm, nó sốt cả ruột. Bạn bảo, gửi con ở nhà trẻ đi, đi làm đi, ở nhà lâu là đận độn ra đấy.

Tôi thèm viễn cảnh thức dậy buổi sáng, ăn mặc thật đẹp rồi đi làm. Nhưng bắt con đi nhà trẻ sớm, tôi lại xót con. Ở nhà ông bà lại không biết chăm cháu. Tôi biết làm sao bây giờ?

Tháng Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI