Mẹ chồng "khóc ra nước mắt" vì con dâu thành phố về quê ăn Tết

11/02/2016 - 09:24

PNO - Giá như con dâu tôi như gái quê hiền hậu, kín đáo, ứng xử lễ phép... thì có phải năm nay tôi mát mặt với họ hàng lối xóm hơn không.

Tôi là phụ nữ đã ngoài 50, được tiếng dâu ngoan hiền, tử tế, không mất lòng bất cứ ai, kể từ khi mới về nhà chồng! Tôi cũng không có nhiều nhặn con cái! Chỉ có 2 cậu con trai, một đứa mới lấy vợ năm ngoái, một đứa đang là sinh viên đại học.

Ngay từ lúc con trai đầu có ý định lấy vợ Hà Nội tôi đã có chút không vừa lòng. Vì công chức quèn nhà quê như chúng tôi vốn không mấy khá giả. Không những thế, gái phố về quê, tôi e không thể đủ sức cáng đáng được vai trò dâu trưởng mà bao năm tôi vất vả gồng gánh. Nhưng vì thương chúng yêu nhau nên tôi không ngăn cấm. Thế là chúng quyết tâm cưới nhau vào tháng 8 vừa qua trong sự hứa hẹn ngập tràn không để cha mẹ thất vọng.

Me chong
Con dâu không như mong đợi khiến tôi buồn phiền.

Làm việc suốt 4 tháng trời ở Hà Nôi, thỉnh thoảng về quê được 1, 2 ngày rồi lại đi ngay nên những điểm xấu của con dâu, tôi chưa có dịp diện kiến!

Tết đến, năm nay là năm đầu tiên "dâu phố" chính thức về quê nhà tôi ăn Tết. Dù đã dự đoán trước và chuẩn bị mọi tình huống có thể xảy ra nhưng phải lên tiếng ngao ngán.

Dẫn con dâu ra chợ mua đồ Tết, nó nhìn hàng quần áo nào cũng bảo đồ rởm với lại loại này mặc ngứa người, thế này thế nọ rồi lại chẳng mua, bà bán hàng lườm nguýt, tôi đến ái ngại.

Con dâu thích thú mua bán rau quả thật nhiều nhưng lại hồn nhiên để mẹ chồng xách hết! Mấy bà bán hàng nhìn tôi chỉ chỏ cười! Tôi đành phải nhắc khéo "Cầm hộ để mẹ mua thêm con gà", con dâu mới "Chết, con quên".

Làm cỗ Tết, có mơ tôi cũng không tưởng tượng được nó lại không biết nhặt đến từng cọng rau! Tôi phải chỉ bảo từng chút một. Nhưng giời ơi, đất hỡi, mỗi loại rau khác nhau là mỗi lần dâu hỏi tôi vặt như thế nào. Đã thế làm được chút thì kêu mỏi lưng, ngoe nguẩy đứng dậy chạy đi đâu mất. Tôi có thể thông cảm, vì nó còn chưa quen, nhưng sức chịu đựng của tôi có giới hạn.

Giữa ngày mùng 1 Tết, vẫn như mọi ngày con dâu nằm chềnh ềnh đến đúng 9h mới chịu dậy. Mặc cho khách khứa vào chơi, nàng dâu vẫn ỉ ôi "thèm ngủ", ngáp ngắn, ngáp dài. Nó xuề xòa với bộ quần áo ngủ luộm thuộm ra chào mọi người vài câu không cảm xúc khiến tôi ngượng chín mặt. Đồ cỗ ăn uống xong, người dọn vẫn là bà mẹ chồng hơn 50 tuổi như tôi.

Đã thế cũng chẳng ý tứ gì, thỉnh thoảng đứng trước mặt bố mẹ chồng vẫn cười hô hố, hôn chồng vào má, khiến chúng tôi phát ngượng.

Quá bực, tôi vào nhà nhắc nhở nó một vài câu, nó im lặng, tối đó dỗi không chịu ra ăn cơm. Mùng 2 Tết, nó xách vali lên nói "Mẹ, con xin phép về thành phố ăn Tết một vài hôm". Tôi nói nó được câu nào quá đáng chưa mà nó hành xử như thế! Đã thế chồng nó lại bênh vực, ton hót đi theo!

Me chong

Đấy, có cái ngữ dâu mới nào, dỗi mẹ chồng rồi đòi về quê giữa Tết như nó không. Tôi không nói nhiều, đồng ý luôn, trong lòng có chút trách móc vì nó thiếu suy nghĩ, không hiểu cho người mẹ chồng muốn góp ý như tôi. Thở phào nhẹ nhõm khi dâu xin về nhà mẹ đẻ ăn Tết.

Gói cho nó ít bánh mang biếu ông bà thông gia, thì nó bảo "Bố mẹ con không ăn mấy loại bánh đấy đâu, Hà Nội thiếu gì, năm nào mẹ con cũng mua tượng trưng rồi lại vứt bỏ ấy mà". Rồi nó vô tư leo lên xe vi vút cùng chồng trong khi chưa đi thăm, chúc Tết, ra mắt bà con họ hàng chút nào,... Mới có năm đầu tiên về nhà chồng thôi đấy, hóa ra làm mẹ chồng mà gặp nàng dâu như này cũng khổ thật.

"Con dâu phố" không phải cô nào cũng thế, tôi biết. Nhưng xin các nàng dù có xuất thân ở đâu, dù có lấy chồng về đâu thì xin hãy biết một vài kỹ năng chứ. Đằng này cứ vụng về, ẻo lả thế này thì sao bền được.

Tôi nghĩ về những cái Tết tiếp theo trong hoang hoải và buồn phiền!

K.G (kimgiang...@yahoo.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI