Hai mươi ba tuổi tôi lấy chồng. Vừa ra khỏi thế giới sinh viên đi làm, dù không còn quá vô tư, dù có sự kết nối bởi tình yêu chân thành của chồng, nhưng thực sự có lúc tôi đã không thể nào hình dung nổi những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân mà mình sẽ trải qua.
Hai vợ chồng tôi có thời gian dài tìm hiểu và cũng tương đối hợp nhau nên gần như không có khúc mắc gì. Khúc mắc chỉ đến từ phía mẹ chồng. Bà khó tính đã đành nhưng bà lại vô cùng khéo mồm, đặc biệt là luôn để ý lời ăn tiếng nói của tôi. Có đôi khi vô tình tôi nói trống không một tiếng với chồng, lập tức bà nhăn mặt: Nhà này không có kiểu vợ ăn nói với chồng như vậy!
Những ngày đầu tôi sợ, cố sửa mình theo ý bà cho trong ấm ngoài êm. Nhưng riết thì không thể nào theo được, bé hàng xóm sang chơi, tôi hỏi: “Mẹ ở nhà không bé?”, bà ngay lập tức góp ý: “Con không được hỏi vậy, nói vậy thì biết là hỏi mẹ bé hay hỏi mẹ ai?”. Có việc gọi điện về nhà, tôi trao đổi với bà xong, cuối đoạn hay nói: “Vậy thôi mẹ nhé” rồi cúp máy. Nghĩ cũng bình thường vì tôi có bụng dạ nào đâu. Nhưng rồi một ngày bà gom cả chuyện đó nói tôi một tua. Rằng: “nói điện thoại xong không chào được mẹ chồng một tiếng ra hồn, lại vậy thôi. Tôi có bằng vai cùng lứa với chị đâu mà vậy thôi?”.
Tôi không quá bất ngờ, nhưng thực sự cảm thấy bực bội. Làm sao tôi có thể suốt ngày ăn nói đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ như bà muốn? Làm sao những lúc đi làm về mệt mỏi, nhà cửa con cái đủ thứ việc đến tay, tôi vẫn có thể ngọt ngào nịnh bà rồi cười nói giả lả? Tính tôi vốn dĩ thẳng thắn và đặc biệt ghét nịnh nọt thì làm sao tôi làm được?
|
Phải nói những tháng năm đầu làm dâu tôi đã sốc vô cùng. Ảnh minh họa |
Phải nói những tháng năm đầu làm dâu tôi đã sốc vô cùng. Tôi đã trao đổi lại rõ ràng về quan điểm sống của mình, nhưng bà một mực rằng tôi láo. Bà nói với chồng, bố chồng rằng ở nhà tôi cãi nhau tay đôi với bà. Rút kinh nghiệm những lần sau, bà nói gì tôi lặng im, bà lại nói tôi coi thường bà, mẹ chồng nói gì cái mặt cũng lì lì ra…
Tôi đem những uất ức trong lòng để nói với chồng. Chồng nói: Từ xưa rồi, mẹ vẫn khó vậy, nên em vì anh thì kệ đi, đừng chấp người già. Anh không thể thay đổi được người già đâu, em xác định chỉ có vậy và càng ngày mẹ càng khó hơn nữa… Anh nói với tôi bằng cái giọng nghèn ngẹt khiến tôi cũng thương anh vô cùng. Bởi tôi biết, là người ở giữa anh cũng vô cùng khổ tâm, những ngày đi làm về thấy mẹ kéo anh lại một chỗ thì thào nọ kia tôi biết mẹ lại kể xấu tôi đủ điều. Rồi quay lại với vợ, anh cũng thấy vợ cằn nhằn.
Chưa bao giờ anh bênh dám bênh tôi lấy một tiếng, bởi dù anh hiểu chuyện nhưng luôn sợ mẹ buồn. Tôi cũng không thể đề cập đến chuyện ra ngoài ở, bởi bố mẹ chồng đã suýt soát tám mươi tuổi, chồng tôi lại là con một, trách nhiệm chăm sóc ông bà, tôi luôn hiểu nó thuộc về chúng tôi.
Trước mặt mọi người, bà luôn mẹ mẹ con con thật ngọt ngào như thể yêu thương con dâu nhiều lắm. Nhưng khi không có ai, giọng bà đanh lại, nói tôi này nọ như thể tôi là nơi để bà trút mọi bực dọc trong người. Bà nói tôi không bằng con gái bà, không kiếm ra tiền, không nhờ công sức của con trai bà thì mẹ con tôi đã không có cuộc sống như thế này…
Tôi càng ngày càng trở nên lặng lẽ trong nhà chồng, bởi người già cũng càng ngày càng trở nên trái nết hơn. Cách chấp nhận ấy khiến đôi khi tôi rơi vào trạng thái stress nặng nề. Phải cố gắng lắm để tôi và các con tự tạo ra những niềm vui nho nhỏ cho nhau.
|
Dần dần, tôi nghiệm ra mình nên mặc kệ, trong thâm tâm tôi cho rằng hẳn kiếp trước mình đã làm điều gì đó không tốt… Ảnh minh họa |
Nhưng đến những ngày gần đây, tôi tổn thương vô cùng khi bà liên tục kêu mất đồ. Toàn những vật dụng nhỏ nhoi trong nhà, có khi lại kêu ai đó lục tủ đồ của mình, câu cuối trong trường ca ấy bà ngân dài: kì, nhà này xưa nay có vậy đâu, mà giờ lại nảy ra cái người tắt mắt. Đương nhiên cái giọng rin rít ấy chỉ đủ cho một mình tôi nghe. Tôi tổn thương vô cùng, lựa một thời điểm thích hợp tôi nói với ba chồng. Ông thở dài: Cố gắng đi con, cả nhà hiểu con là được. Vì gia đình này mà kệ bà ấy đi. Tôi biết ba chồng cả đời đã mệt mỏi vì những điều như thế và hơn thế, nhưng còn tôi…?
Mệt mỏi, strees, tôi sắp xếp lại toàn bộ thời gian săn sóc con cái gia đình để đăng kí lớp học về thiền. Thực lòng tôi chỉ muốn những tổn thương lắng xuống và nguôi ngoai. Ban đầu, bà nói tôi mải đàn đúm chơi bời mà không tin những điều con dâu trình bày. Tôi im lặng trước những phản ứng thái quá của mẹ. Hai thế hệ, lại con dâu - mẹ chồng hiểu và thông cảm đâu phải là điều ai cũng dễ dàng làm được?
Dần dần, tôi nghiệm ra mình nên mặc kệ, trong thâm tâm, tôi cho rằng hẳn kiếp trước mình đã làm điều gì đó không tốt… Vậy mà dần dần, tôi thấy mình tĩnh tâm hơn, không bận tâm đến những nhỏ nhặt của bà nữa. Những bực dọc nhận từ bà, tôi nhắm mắt hít thở thật sâu rồi đẩy ra, gắng tìm việc gì đó để vùi đầu vào, lãng quên đi câu chuyện trước mắt…
Và tôi hiểu bài học chấp nhận, tĩnh tâm để yêu thương, tôi còn phải cố gắng từng ngày. Cố gắng, đơn giản chỉ là tôi muốn các con nhìn vào ứng xử của mẹ chúng mà lớn lên trong một gia đình nhiều thế hệ yên bình…
Phương Mai