|
Hà thấy mình luôn bị mẹ chồng và chồng gạt ra khỏi guồng vận hành của gia đình (Ảnh minh họa) |
Nếu người phụ nữ phải lo mọi chuyện trong nhà, từ cây kim sợi chỉ tới đối nhân xử thế thì sẽ rất áp lực, mệt mỏi. Thế nhưng, khi bị đẩy ra ngoài guồng vận hành của gia đình như một người thừa, tâm trạng người ta còn chán nản hơn. Chị Thu Hà (31 tuổi, ngụ TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang trong tình cảnh chán nản như thế.
Hà và chồng kết hôn đã được 6 năm, có với nhau hai mặt con. Hà mang bầu trước nhưng không thể làm đám cưới vì ba chồng tương lai đang bị bệnh nặng. Sau đó, ông qua đời, vì thế, Hà tự sinh cơn, mang tiếng không chồng mà chửa, đợi tới sau giỗ đầu của ba chồng mới được làm đám cưới. Khi đó, con đầu lòng của cô đã hơn 1 tuổi.
Trong cuộc sống hôn nhân, Hà luôn cố gắng để giữ gia đình hạnh phúc. Thời gian đầu, chồng Hà thương yêu vợ. Anh luôn kể với bạn bè về thiệt thòi của vợ, một mình xoay xở suốt thời gian sinh nở vất vả không có chồng bên cạnh. Khi đã về một nhà, anh muốn bù đắp cho vợ. Tiếc rằng, từ đó bao rắc rối gia đình ập đến.
Hà cảm nhận rõ là mẹ chồng không hài lòng về cô. Trong bữa ăn, nếu chồng gắp thức ăn cho vợ, bà sẽ không ăn nữa hoặc quay lưng lại mâm cơm. Bà còn than thở với người thân: "Con trai nuôi gần 30 năm nhưng khi lấy vợ thì quên luôn mẹ”.
Tháng đầu tiên sau kết hôn, đồng lương chồng đưa Hà cầm chưa “nóng tay" thì chồng cô đã lấy lại để mẹ giữ. Theo lý giải của anh, mẹ muốn cất cho hai vợ chồng, sợ tuổi trẻ tiêu pha phung phí. Vậy nhưng hai ba tháng sau, không thấy con dâu góp lương, mẹ chồng Hà lại gặng hỏi con dâu chuyện đóng sinh hoạt phí.
Trước sự ngạc nhiên của vợ, chồng Hà bảo vợ giữ lại 2, 3 triệu đồng chi tiêu riêng còn đưa hết cho mẹ để lo chi phí sinh hoạt chung, tiền nào cũng là "vì cái nhà này". Từ đó, mỗi tháng cô giữ lại 3 triệu còn đưa cho mẹ chồng 6 triệu đồng.
Khi sinh con thứ 2, tiền mừng khách khứa cho bé, bà nội giữ hết. Hà nghỉ thai sản chỉ có chút tiền bảo hiểm sinh đẻ, mẹ chồng cũng giữ. Vậy nên Hà cần mua gì, từ những thứ đồ vệ sinh cá nhân nhỏ nhặt cho cô tới đồ dùng cho em bé đều phải xin mẹ chồng. Nhiều lần ngại cảnh xin tiền, cô đành nhờ ông bà ngoại mua giúp bỉm, sữa cho con.
Mỗi lần Hà than thở, chồng cô đều gạt đi và nói: “Mẹ làm vậy cũng là vì con cháu”.
Chồng Hà rất siêng năng làm việc, công việc cũng thuận lợi. Anh là nhân viên kinh doanh thiết bị vệ sinh ở các tỉnh Nam Trung bộ, vậy nhưng từ khi kết hôn Hà không rõ mức lương của chồng. Thời gian đầu anh quan tâm tới Hà, nhưng sau đó, có lẽ sợ thương vợ nhiều thì mẹ buồn, nên tình cảm với vợ cũng nhạt dần.
Hà từng có nhiều cuộc nói chuyện với chồng về việc độc lập kinh tế. Cô phân tích rõ, khoản tiền 2 đến 3 triệu đồng cô được giữ không đủ tiêu cho bản thân và con cái. Chồng Hà không thông cảm, thậm chí, anh nói do vợ nghiện mua sắm, càng đưa nhiều tiền cô sẽ càng mua sắm nhiều hơn.
Anh nói: “Sướng mà không biết hưởng. Em chỉ mỗi việc sáng đi làm, tối về nhà không phải lo việc to, việc nhỏ gì. Về nhà thì đã có cơm ăn, áo mặc…”
Hà không biết có ai hài lòng với cảnh sống ấy không, chứ cô luôn thấy mệt mỏi, chán chường. Cô muốn mua gì cho con cũng khó. Con thích học vẽ, đàn Hà cũng đành gác lại “chờ ngày mẹ có tiền”. Nhiều hôm tan sở, Hà không muốn về nơi được gọi là nhà.
Một hôm, Hà nghe con trai lớn mách: “Ba sắp mua ô tô đấy mẹ”. Cô tưởng con nói đùa, nhưng khi hỏi chồng thì anh bảo “dự tính vậy”. Cổ họng Hà nghẹn đắng. Chồng và mẹ chồng luôn gạt Hà ra khỏi mọi việc. Thậm chí, việc sửa nhà, mua thêm đất ở quê, Hà cũng không hay biết.
Trước đây, Hà từng nghĩ rằng, chỉ cần chồng yêu vợ, thương con là đủ, nhưng hoá ra, hôn nhân phức tạp hơn nhiều. Cô lo mẹ chồng giữ tài sản, nếu cuộc hôn nhân thất bại, cô sẽ ra đi tay trắng, không đủ năng lực tài chính để được quyền nuôi con.
Những bất ưng về các vấn đề nhỏ nhặt ngày càng lớn hơn, rồi trở thành bóng đen bao phủ lấy cô. Hà bắt đầu không đưa lương của cô cho mẹ chồng và xin phép ăn riêng. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân và chia sẻ với vợ, chồng lại tát Hà vì dám hỗn láo với mẹ.
Hà thấy tủi thân vì chồng luôn đứng về phía mẹ. Cô khao khát cuộc sống như những phụ nữ khác: được cầm lương, được tự mua những món ăn cho gia đình nhỏ của mình, nhưng điều đó quá xa vời.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà - nguyên giảng viên trường ĐH Văn hoá, Hà Nội cho biết, muốn gia đình êm ấm thì ngoài tình yêu, cần cả kinh tế. Các nghiên cứu người ta thấy rằng có tới 2/3 các xung đột, mâu thuẫn, căng thẳng vợ chồng bắt nguồn từ vấn đề tiền bạc. Vì vậy, trước khi kết hôn, hai người nên thống nhất các quy tắc tài chính chung và công khai khoản thu nhập cũng như chi tiêu cá nhân.
Theo ông Hoà, việc mẹ chồng nắm kinh tế của con trai sau khi kết hôn không hiếm. Nhưng nếu người chồng biết cân bằng thì vẫn có cách làm mẹ vui cũng như đảm bảo sự độc lập tài chính của gia đình riêng. Chẳng hạn, người chồng có thể biếu tiền mẹ dưỡng già hoặc gửi mẹ giữ một phần nhỏ thu nhập để làm tiết kiệm, để người mẹ luôn thấy vui vẻ, không cần phải hỏi tiền con trai khi cần.
An Nhiên