Mẹ chồng giỏi giang nên tôi chẳng biết áp lực tết là gì

23/01/2021 - 12:49

PNO - Ai nói đại gia đình nhà tôi không có tết? Tết nhà tôi nhẹ nhàng và vui vẻ. Bởi chúng tôi đang ăn tết, chơi tết, chứ không phải bị... tết hành.

Đến tết, nghe thiên hạ người than người thích người thở dài rồi rục rịch mua này sắm kia, tôi chỉ ngồi nhe răng cười. Và tất nhiên là tôi bị mấy cái "đánh yêu" vào vai vào lưng kèm lời ghen tị: "Như mày là sướng nhất!"

Thật tình, tôi không hiểu sao người ta cứ treo từ "tết" lên rồi tự mình lo toan, tự mình vất vả, tự mình đau đầu đau lưng. Cứ như thể tết là hung thần đến đòi nợ.

Hồi chưa lấy chồng, tôi vùng vằng với mẹ: "Ngày nào chẳng ăn, ngày thường bánh mứt hạt dưa thiếu gì mà tết mẹ cứ phải ôm đồm, có hiếm lạ nữa đâu?".

Tất nhiên là mẹ tôi "ca" cho một bài vọng cổ, rằng chẳng nhẽ tết nhất bếp núc lại lạnh tanh? Bàn thờ tổ tiên ông bà phải lau dọn, bày biện để mời ông bà về. Biết là món này món kia không hiếm lạ nhưng người ta đến chơi chúc tết lại không có gì coi sao được. Với lại không làm thì "tụi bây quên hết nền nếp".

Không hiếm lạ nhưng má muốn giữ hồn giữ nếp nhà. Ảnh minh họa
Không hiếm lạ nhưng má muốn giữ hồn giữ nếp nhà. Ảnh minh họa

Tôi đi lấy chồng, chồng tôi là con thứ, nhà chồng lại có chút "khác người" nên dù làm dâu, tôi vẫn khỏe re.

Ba má chồng có bốn người con, hai trai hai gái. Trước tết, ba má lên thăm mộ ông bà, đám con thì tùy công việc của trai gái dâu rể. Ai không rảnh đi cùng ba má thì tự sắp xếp mà đi. Sau đó là cùng nhau chợ búa, mua sắm.

Má sẽ lên danh sách các món má sẽ làm, nhà ai ưng "đụng" món gì thì giơ tay. Thay vì làm một thì má mua nguyên liệu cho 5 nhà. Ai biết làm gì thì làm món đó, không làm hay kẹt việc thì lo chuyện khác như cắm hoa, đi chợ hoặc trông trẻ. 

Những ngày cận tết, nhà ba má đông vui như có hội. Đám con đi làm là về thẳng nhà ba má, cùng má cắt rễ kiệu, lột vỏ hành, bào đu đủ... Má nói mấy món này mua cũng được, nhưng nhà đông người, xúm vào làm vui hơn, cho đám trẻ thấy không khí tết.

Đám cháu họp lại một chỗ, có chơi có đánh lộn khóc lóc um xùm, hay rách quần rách áo thì cũng... vô tư đi, vì còn đang năm cũ.

Bốn gia đình nhỏ, mỗi ngày ghé ba má, lại mang về món gì đó. Nay hũ kiệu, hũ dưa, mai con gà ủ muối hay mấy bịch mứt má làm. So với đi mua thì cách rách hơn, nhưng thấy vui hơn.

Ba má chồng tôi dễ tính mà nguyên tắc. Con gái lấy chồng, ba má không giữ, tự biết cách cư xử cho trọn việc nhà chồng, gọn việc nhà mình. Nhưng con trai thì phải ở nhà với ba má đón giao thừa, thắp nhang cho ông bà tổ tiên, rồi sau đó vợ chồng con cái đi đâu làm gì tùy.

Năm đầu tiên tôi đi lấy chồng, vừa qua giao thừa, chúng tôi đã có mặt ở nhà ngoại. Bố mẹ tôi không tin vào mắt mình vì "anh chị sui nhìn khó mà thoáng ghê!". Bố tôi đã gọi điện cho “anh sui”, hai ông bố hỉ hả cảm ơn qua lại sao đó mà cuộc gọi dài đến hơn 30 phút.

Từ Mùng một, bốn đứa con ưng về nhà nào thì về, nhà nào đi du lịch cứ đi. Ba má khuyến khích đám con tranh thủ mấy ngày nghỉ đưa đám trẻ đi thăm thú. Thành gia lập thất rồi nên tự lo, ba má không can thiệp. Ba má cũng có những mối quan hệ riêng, đâu thể ở nhà hóng đợi đám con cháu chẳng biết có về hay không.

Và Mùng năm, bốn gia đình có mặt ăn cơm với ba má chồng để mai mốt quay lại với công việc, trường lớp. Ngày này, người lớn thì tổng kết đi những đâu, làm những gì, mấy bà vợ mách chồng ngày nào xỉn, ngày nào say. Đám trẻ thì khoe tiền mừng tuổi.

Tết của đại gia đình tôi trôi qua thảnh thơi như thế. Cũng có chút bận bịu vài đôi ngày trước tết, nhưng má chồng tôi giành ôm cả những bận bịu ấy trong niềm thích thú. Má nói cả năm không tụ họp, được nghe rộn rã tiếng cười con cháu, chỉ vui chứ thấy cực gì.

Tết của đại gia đình tôi trôi qua như thế, cũng bận bịu, cũng lo lắng, nhưng nhiều hơn cả là màu sắc và những tiếng cười. Ảnh minh họa
Tết của đại gia đình tôi trôi qua như thế, cũng bận bịu, cũng lo lắng, nhưng nhiều hơn cả là màu sắc và những tiếng cười. Ảnh minh họa

Mỗi tết về, tôi và đám con dâu, con gái lại háo hức không biết năm nay má chồng bày ra làm món gì mới lạ, má có cho mình phụ giúp gì không? Nghe chị này than “mười mấy năm chưa một lần được ăn Tết quê ngoại”, cô kia thở “mẹ chồng giao em phải lo tết”... tôi thấy mình may mắn.

Tết nhà ai cũng có, nhưng mỗi nhà mỗi khác, do nếp nghĩ và khả năng tổ chức khác nhau. Mấy ngày "mùng mền" là mỗi gia đình nhỏ mỗi hướng, nhưng ai nói đại gia đình nhà tôi không có tết? Tết nhà tôi nhẹ nhàng và vui vẻ. Bởi chúng tôi đang ăn tết và chơi tết, chứ không phải bị... tết hành, tết đè.

Thu Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI