Mẹ chồng chỉ muốn biến tôi thành người giúp việc

21/02/2022 - 17:00

PNO - Dù đã có người chuyên nghiệp chăm sóc, nhưng khi về nhà, con cháu vẫn nên gần gũi, thăm hỏi má, không nên khoán hết cho người giúp việc

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em lấy chồng được bốn năm, do điều kiện kinh tế chưa đủ để mua nhà nên vẫn sống chung với má chồng. Cuộc sống chung nhiều bất đồng nhưng em cố gắng hết sức để giữ gia đình yên ổn, đồng thời tiết kiệm mọi khoản chi để dành tiền mua nhà. 

Mới đây em đã phải bớt tiết kiệm lại để thuê người giúp việc phục vụ cho má chồng em bị tiểu đường biến chứng, thêm bệnh tuổi già.

Khi con cái đi làm, phần lớn thời gian má chồng em nằm một chỗ. Khi phát hiện ra, nhiều chỗ trên người đã bị lở da, chữa chạy chăm sóc rất cực. Em thuê người có nghề chăm sóc, nên phải trả tiền công cao.

Người ta ở nhà với má suốt ngày, nhắc nhở, giúp đỡ má vận động, ăn uống thuốc men. Nhưng thuê ai về cũng chỉ được mấy ngày là má kiếm chuyện đuổi người ta, hoặc khiến người ta chịu không nổi phải nghỉ. Má nói người làm đủ thứ chuyện này chuyện khác, không chịu ai cả. 

Chồng em thương má, nói em khi thuê người mới thì xin nghỉ phép để kèm người ta chăm má mấy bữa, đến khi người ta quen việc, má chịu người mới rồi thì em đi làm. Em nghỉ làm cả tuần theo ý chồng, má đã có vẻ hơi chịu, nhưng em đi làm lại được hai ngày là má kiếm chuyện đuổi người ta rồi.

Chị giúp việc gặp em để lãnh phần lương mấy ngày, nói mẹ chồng cô chỉ muốn cô ở nhà làm việc nhà, chăm bà thôi, không muốn bất kỳ người giúp việc nào, cô đừng mướn người mà mất công. 

Lúc đó em mới hiểu ra. Em biết má chồng em trước nay vốn đã không muốn em đi làm, em phải cố gắng lắm mới giữ được công việc hiện tại. Giờ em phải làm sao đây cho yên nhà yên cửa mà vẫn giữ được công việc của mình? 

Ngọc Liên (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Ngọc Liên thân mến, 

Bốn năm qua em đã thu xếp việc nhà yên ổn mà vẫn đi làm được, nay chỉ cần cố gắng thêm một chút thôi. Người già hay có những cơn trái tính trái nết, nhưng người già cũng thương con cháu, cũng ở “thế yếu” trong cuộc thu xếp với cuộc sống hiện tại, nên em không cần phải căng thẳng lo lắng quá đâu. 

Có thể thời gian qua chỉ một mình em lo thu xếp. Nay em phải lôi kéo thêm đồng minh vào cuộc, đó là chồng con em, là các anh chị bên chồng, nếu cần, cả bác sĩ chuyên trị bệnh cho má nữa.

Em bàn với chồng, anh ấy sẽ nói chuyện với má, chỉ cho má những tác hại của vết thương không được chăm sóc đúng cách, sẽ lở da lâu ngày. Chồng em cũng sẽ nói chuyện với các anh chị, để các anh chị về thăm má, trò chuyện với má cách chữa lành những vết thương của má.

Khi má bắt đầu hợp tác, em đưa má đến bác sĩ khám bệnh, hoặc mời bác sĩ đến nhà thăm khám, bác sĩ sẽ dặn thêm bà về chuyện đi lại, không nằm ngồi lâu gây tì đè, làm lở loét da.

Đối với người già phải vừa chữa trị, chăm sóc vừa trò chuyện dỗ dành. Khi thuê người làm chăm sóc cho bà, em nhớ nhấn mạnh thêm “dịch vụ dỗ dành” này. Dù đã có người chuyên nghiệp chăm sóc, nhưng khi về nhà, con cháu vẫn nên gần gũi, thăm hỏi má, không nên khoán hết cho người giúp việc kẻo má vừa đau ốm vừa lớn tuổi, sẽ có cảm giác bị bỏ rơi.

Một số gia đình chọn thêm giải pháp kỹ thuật: gắn camera để khi mình đi làm vẫn có thể theo dõi thêm phần chăm sóc người già ở nhà.

Dù là chuyên nghiệp, dù là trả lương cao, nhưng vẫn cần mình để tâm trí vào đó em ạ. Một mình em thôi không đủ, cần thêm chồng con, những người thân yêu trong gia đình đều nên chia sẻ trách nhiệm chăm sóc bà. Đó cũng là cách để má chồng em thấy mình được cả gia đình quan tâm.

Người già cần sự quan tâm chăm sóc hơn tất cả. Có thể, những cơn trái tính trái nết của bà cũng chỉ là để mong con cháu quan tâm đến mình nhiều hơn. Em thử thu xếp theo hướng này nhé. Chúc em thành công! 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI