Được hàng xóm và con cái kiêng nể cũng bởi bà Dung vốn là người phụ nữ có uy quyền. Chủ một công ty tư nhân buôn bán gỗ, lại là người khéo ăn khéo nói nhưng lời nói của bà là "lời nói đọi máu", vì thế ai cũng dè chừng khi tiếp xúc với bà. Thế nhưng, từ khi Mai về làm dâu rồi sinh con, người ta thấy bà Dung hay đi chùa và tính tình điềm đạm hẳn. Nguyên nhân cũng từ thằng con út của bà.
|
Ảnh minh họa |
Long - con trai bà, học hành lông bông, ỉ lại nhà giàu, vì thế chẳng có nghề nghỗng nào nên hồn. Anh ta chỉ biết sáng lang thang cà phê, chiều ngủ, tối đi sàn. Vì thường lui tới mấy chỗ ấy, Long gặp Mai, khi cô đang làm tiếp thị bia ở đây. Chẳng bao lâu sau thì họ cưới vì Mai báo có thai. Bà Dung cũng vui ra mặt khi quý tử đã yên bề gia thất, bởi "có vợ rồi, nó bớt ăn chơi".
Đúng như mong đợi của mẹ, Long ngoan hẳn, thường xuyên ở nhà và đặc biệt rất thương vợ. Thấy Long lo lắng cho Mai từ miếng ăn sáng tới ăn khuya, bà Dung thấy nhẹ cả người. Nhưng điều mà bản thân bà và gia đình nhà chồng không mong đợi cũng tới: đứa cháu đích tôn ra đời nhưng chẳng có nét nào giống ba nó. Long - Mai rồi hai họ nữa có ai tóc xoăn và mắt ti hí đâu, nhưng lại rõ mười mươi trên khuôn mặt đứa trẻ mà Long đang cưng nựng. Bà nội chưa kịp mừng đã chuyển sang lo. "Liệu đó có phải là con thằng Long, tức là cháu bà?", câu hỏi này cứ chi phối tâm trí của bà Dung.
Ngày đầy tháng cũng tới, dù trong bụng không muốn tổ chức, nhưng thấy Long cứ thấp thỏm, điện tới điện lui cho bạn bè, nên bà đành chiều con. Chủ yếu là bạn bè của hai đứa, thêm gia đình sui gia, còn khách bà Dung không có mấy. Bạn của Long, bà vốn chẳng lạ gì, nhưng bà chết sững khi thấy Hải - bạn Mai. Hải có nét y chang thằng cháu bà, từ mái tóc, khuôn mặt đến đôi mắt! Họ chỉ có thể là một chứ thông thể là hai.
|
Ảnh minh họa |
Điều mà bà còn bất ngờ nữa là thái độ bối rối của con dâu và vị khách ấy. Người thanh niên nhìn đứa bé Long bế trên tay với ánh mắt khác thường, rồi nhìn sang Mai,còn Mai thì nhìn sang hướng khác. Chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì lúc này, nhưng sự nghi ngờ của bà Dung lâu nay là có căn cứ.
Mai vốn ưa nhìn, cao ráo, mảnh mai, lại là tiếp viên ở vũ trường nên việc quen với ai trước Long cũng không phải lạ. Thực lòng, ngày đầu thấy con trai mình đưa bạn gái về ra mắt, bà cũng ngại vì nghề nghiệp của Mai vốn "nhạy cảm". Nhưng thấy Long thực lòng có tình cảm với cô gái ấy, lại thêm "con trai mình vốn cũng chẳng tài cán hay ho gì", cộng thêm cái thai trong bụng Mai nên bà Dung cũng thuận lòng.
Sự trùng lặp đến ngỡ ngàng này, cùng với tiếng xì xầm của bà con lối xóm, bà Dung bí mật lấy mẫu tóc của Long và thằng bé đi xét nghiệm ADN. Sau những ngày chờ đợi, điều băn khoăn của bà đã thành hiện thực. Dòng chữ "không cùng huyết thống" như lưỡi dao cứa và da thịt người phụ nữ trung niên. Không thể nào lại thế, không đời nào thế được, thằng con bà chẳng lẽ lại mọc sừng? Bà Dung như điên dại, mọi sự uất ức biểu hiện bằng khuôn mặt đầy sát khí. Bà phải làm rõ trắng đen với nàng dâu và thằng con ngu ngốc của mình. Nhưng không để cho bà được trút giận, Long đã kéo mạnh tay bà đi ra hướng khác mà không về nhà.
|
Ảnh minh họa |
Ngồi trong quán cà phê, Long nhìn bà Dung với vẻ mặt bình thản, nghiêm túc, điều mà chưa bao giờ bà thấy ở con trai mình. "Con biết mẹ đi đâu về, sắp nói điều gì với con", chỉ nghe chừng ấy bà Dung như chết lặng. Thế nhưng bà còn muốn chết ngất khi chính miệng con trai nói rằng mình bị "vô sinh".
Trời đất ơi, bà đẻ nó ra mà bà không biết con trai mình mắc phải oan nghiệt đó! Thì ra, khi còn nhỏ, Long bị mắc quai bị, nhưng vì ở nhà với bố và người giúp việc, nên mọi người chủ quan cho Long chạy nhảy, uống thuốc mấy ngày và thấy hết đau nên thôi. Thời điểm ấy, bà Dung đang qua Lào thu mua gỗ.
Cả thế giới như sụp đổ dưới chân bà, thương con 10, hận mình trăm. Vì tiền mà bà đánh đổi quá nhiều, tương lai của con và dòng giống nhà bà là một dấu chấm hết. Buông lõng đôi bàn tay, bà bước đi từng bước thật nặng nề.
Long biết đó không phải con mình, nhưng vẫn vui vẻ vì nó yêu Mai - một cô gái miền biển mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà đang là mẹ của nó mà lâu nay nó bảo "nó là đứa mồ côi". Thì ra, khoảng cách giữa bà và các con, kể cả chồng mình lâu nay đã quá xa xôi.
Bà bỗng nhớ lại những ngày cơ hàn, không muốn con cái nghèo khó, không cam chịu thấy chồng lương ba cọc ba đồng, bà đã lao vào kiếm tiền như một con thiêu thân. Giờ đây, nhà cửa, tiền tài, cái gì bà cũng có, nhưng hạnh phúc của con, bà đánh mất của chúng lâu rồi...
Lần theo những chùm tràng hạt, tiếng gõ mõ, tụng kinh của bà Dung như xa xăm khắc khoải về một miền tĩnh lặng vô thường. Niềm vui của bà không có thật, con trai bà cũng vậy, nhưng thấy chúng nó vui, quây quần bên nhau, bà Dung nén một tiếng thở dài: đời là cõi tạm, bon chen cho nhiều rồi cũng được gì đâu.
Minh Đức