Chỉ còn hai tuần nữa là thôi nôi bé Cát. Bà kiên quyết dọn đồ đạc, chồng chị có năn nỉ mấy bà cũng không ở lại. Chị ôm con, im lặng. Biết mẹ chồng một mực bỏ về là có phần lỗi của mình. Nhưng chị cũng bướng, không xuống nước với mẹ chồng.
Gần một năm qua, mẹ vào chăm lo cháu nội, chị không phải lo tìm người giúp việc. Nhưng những mâu thuẫn mệt mỏi cũng từ đó mà nảy sinh.
|
Tôi cũng biết, nhờ mẹ mà một năm qua tôi có người giữ con, nhưng... Hình minh họa |
Mẹ chồng người quê. Vào phố sống cùng vợ chồng con trai, bà đi hết nhà này đến nhà kia làm quen, trò chuyện. Chị sống năm năm, vẫn không biết hết ai ở nhà nào. Vậy mà mẹ chồng vào một tháng đã quen gần hết. Thậm chí còn biết gia cảnh nhà người ta.
Chị góp ý, nói người phố không thích bị soi mói chuyện đời tư. Nhưng mẹ chồng bảo bà chỉ quan tâm cho xóm giềng vui vẻ, tối lửa tắt đèn còn có nhau. Chị lắc đầu, nhà phố chứ đâu phải ở quê, bà có vẻ giận. Chiều đó, bà bưng tô cơm ra ngồi hàng hiên ăn một mình.
Chồng chị hay đi công tác xa. Chị khổ sở nhận ra mỗi lần chồng vắng nhà là chị hết sức mệt mỏi. Không có anh, chị chẳng còn ai để "thay lời muốn nói" với mẹ chồng.
Sáng bà dậy sớm đi chợ, mua thức ăn sáng cho chị. Rồi nấu cơm trưa bà sẽ nấu luôn cho cả buổi chiều. Nhưng khổ nỗi có những món chị ăn không nổi. Thức ăn nguội chị nuốt không trôi.
Lúc có chồng còn nói nhỏ anh đi mua cho món khác. Còn với mẹ chồng, đồ ăn mà chị chê không ăn, bà sẽ tặc lưỡi: "Có đồ ăn ngon vậy mà còn chê. Ngày xưa mẹ đẻ thằng Thái cũng chẳng có ai cơm bưng nước rót đâu con ạ. Cực khổ trăm bề".
Thái là tên chồng chị. Nhưng ngày xưa là ngày xưa. Ngày xưa của chị cũng có lúc phải uống nước cơm thay sữa, chứ đâu phải được uống loại sữa ngon, đắt tiền như bé Cát bây giờ.
Mẹ chồng cứ hay mang ngày xưa ra so sánh. Ví như chuyện chị không nhận chiếc xe nôi cũ của người bạn đồng nghiệp ngỏ ý cho, mới có đứa con gái đầu, chị muốn dành cho con mọi thứ tốt nhất, mới nhất, không xài đồ cũ.
Mẹ chồng cằn nhằn hai vợ chồng chị không biết tiết kiệm. "Con nít thì lớn nhanh lắm, mai mốt có đồ con ai cho thì cứ dùng cho đỡ phí con ạ" - bà hay nói thế.
Những mâu thuẫn quan điểm nhỏ với mẹ chồng cũng không quan trọng bằng cách bà chăm cháu. Bà có một tấm đệm mỏng mang theo từ quê vào, cứ thích đặt cháu nằm trên đệm trước nhà. Lúc chị còn ở cữ, chị luôn nhắc chồng đừng để bà nội cho cháu nằm đệm, xót người.
Nhưng bà theo thói quen, tắm xong là đặt cháu lên đệm. Lần nào thấy chị cũng lật đật bế cháu lên. Chị nói thì bà giận. Rồi bà đi nói với hàng xóm dâu bà khó tính, muốn cho cháu nó mát mẻ một chút mà con dâu cũng trách. Chị không biết "ngày xưa thằng Thái cũng nằm đệm" thì có bị ngứa xót rôm sảy gì không, nhưng con chị thì không thể.
Nhiều khi nhận con về từ tay bà, chị phát hiện trên chân bé có mẩn đỏ do muỗi cắn. Chị hỏi, bà nói "muỗi hiền mà, không có sao đâu". Chị chỉ biết kêu trời. Muỗi nào mà hiền!
|
Chồng tôi rất buồn, vì anh năn nỉ đến mấy, mẹ cũng không ở lại. Hình minh họa |
Có lần thấy con trai đọc mấy cuốn sách về nuôi dạy con cái, bà bảo ngày xưa có sách vở gì đâu mà con cái đứa nào cũng lớn phổng phao. Khổ nỗi, người đọc sách là chồng, nhưng người chăm cháu là bà nội. Hai vợ chồng nói gì cũng khó lay chuyển được thói quen của bà.
Chị nói với anh, có mẹ chăm cháu chỉ yên tâm được ở tình thương, còn không đỡ lo hơn phần nào cả. Đó là chưa kể mẹ chồng hay giận, chị nhiều khi phải lựa lời. Riết rồi chị cũng thấy mệt mỏi, không muốn nói gì nữa. Không có anh ở nhà, thế nào mẹ chồng - nàng dâu cũng có chuyện.
Ngày mẹ ruột chị lên thăm, hai bà mẹ - với những cách nuôi con "ngày xưa" ở hai miền Nam - Bắc lại va đập nhau chan chát. Những cuộc tranh cãi giữa hai bà mẹ càng khiến chị thêm đau đầu, mệt mỏi. Nhiều khi đi làm mà lòng cứ cồn cào không biết ở nhà nội, ngoại thế nào.
Rồi mọi chuyện lớn dần khi chị nghe hàng xóm bảo, mẹ chồng chị than phiền là con dâu không biết điều, chẳng bao giờ cho tiền bà, muốn mua gì cũng khó. Chị mới vỡ lẽ, hóa ra lâu nay mẹ chồng hay cáu kỉnh với mình là có lý do này.
Tiền chợ chồng đã đưa bà mỗi tuần. Anh cũng rất thường mua đồ ăn ngon cho mẹ, đồ dùng trong nhà không thiếu thứ gì. Chị đã không nghĩ đến việc mình phải gửi thêm.
Ở cùng nhà, cùng chăm bé Cát nhưng có lúc mẹ chồng không nói chuyện gì với con dâu. Mọi phiền muộn bà lại đi kể với hàng xóm. Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường.
Chị biết, mẹ chồng thì chẳng bao giờ có thể thương con dâu như mẹ ruột. Lúc bà về lo giỗ ngoài quê, mẹ ruột lên chăm chị ăn uống ngon và vui vẻ hơn nhiều. Cách chăm cháu của bà ngoại cũng khác con gái, nhưng có chị góp ý cũng không tạo mâu thuẫn, ít giận hờn.
Hôm cả nhà ngồi bàn tổ chức tiệc thôi nôi cho bé Cát, chồng chị lắng nghe ý kiến của mẹ, nhưng chị thì có tranh luận. Mẹ chồng không vui. Bà nói trong nhà bà thành người thừa, khi ấy bà đã đòi về quê.
Chị biết bà cũng vì con vì cháu mà vào thành phố. Hình minh họa
|
Suốt gần một năm, chị biết bà cũng vì con vì cháu mà vào thành phố. Nhưng nhiều lúc chị nghĩ, trong khoảng thời gian đó nếu thuê người giúp việc, có khi là chị còn dễ thở hơn. Ở với mẹ chồng, chị thấy mình là một người phụ nữ thật tệ hại. Cái gì mẹ chồng cũng trách cũng chê, lại còn đi bêu rếu với xung quanh. Nhiều lúc chị ức chế đến mức nói với anh đề nghị mẹ về quê, chị sẽ thuê người giúp việc.
Lần gần nhất, mẹ chồng bế cháu đi chơi đâu đó đến tối mịt không thấy về. Bé Cát còn nhỏ, chị lo con cảm lạnh. Chị trách thì bà cả giận, bảo ngày xưa mấy đứa con của bà lăn lóc khắp nơi, có đứa nào đau ốm gì. Chị tức, nói: "Con mẹ có mấy đứa, còn con chỉ có một đứa này thôi".
Bà bỏ cơm, sáng hôm sau đùng đùng đòi con trai mua vé máy bay về quê. Anh bảo chị nói khéo, năn nỉ mẹ đi. Nhưng chị im lặng. Nếu với mẹ chồng chị làm gì cũng sai cũng trách, thì thêm lần này nữa cũng chẳng còn gì tệ hại hơn.
Diệp Nguyễn