Kính gửi chị Hạnh Dung,
Mẹ chồng em năm nay 61 tuổi, còn khỏe, sáng sáng vẫn đi tập thể dục với bạn bè ngoài công viên. Nhờ vậy nên mẹ em luôn nắm bắt nhanh thông tin thời sự. Mẹ biết từ chuyện giá cả thị trường đến chủ trương chính sách; chuyện nhà này dính COVID-19, nhà kia có người vừa khỏi.
Ba chồng em hay nhắc mẹ cẩn thận, ra đường, kể cả đi công viên buổi sáng, cũng phải phòng hộ. Mẹ bảo cứ yên tâm, mẹ đã thuộc tất cả quy tắc. Vậy mà cuối cùng mẹ vẫn nhiễm bệnh. Lúc thấy mẹ hơi mệt, khàn giọng, chồng em mua bộ test nhanh về. Nhìn kết quả dương tính, mẹ em như bị sốc.
Từ hôm đó, mẹ cách ly trong phòng, mọi việc trong nhà em phải cáng đáng. Cả nhà đều căng thẳng nhưng căng thẳng nhất là mẹ. Mỗi ngày mẹ gửi cho em mấy chục tin nhắn, dặn mua thuốc này thuốc kia, mua lá mua củ nấu nước xông, món ăn nào dễ tiêu hóa…
Chồng em có nhờ một bác sĩ đến khám và theo dõi cho mẹ tại nhà. Bác sĩ bảo không cần uống thuốc quá nhiều, chỉ cần theo chỉ định nhưng mẹ vẫn nhắn em mua thêm thuốc vì các bạn mẹ nói vậy, chỉ vậy.
Nhiều khi đột ngột mẹ nhắn mệt quá, hơi sốt, bảo em kêu bác sĩ đến gấp. Bác sĩ mà chưa tới kịp là mẹ rất khó chịu.
|
Ảnh minh họa |
Không phải riêng em mà cả ba chồng và chồng em đều chung cảnh bị mẹ trách móc, theo kiểu “Tôi sắp chết rồi mà các người cứ dửng dưng”, “Cả đời lo chăm chồng nuôi con, giờ lúc ốm đau nằm một mình thế này”…
Bệnh hơn một tuần thì mẹ khỏi, nhưng vẫn ở yên trên phòng, nói cảm thấy trong người vẫn mệt. Cả nhà động viên mẹ ra ngoài, nhưng mẹ nói chắc cả nhà muốn mẹ bệnh chết cho khuất mắt.
Tính tình mẹ hoàn toàn thay đổi: bị ám ảnh bởi bệnh, lúc nào cũng than mệt, nói là “hậu COVID”. Em mệt quá, không biết phải làm sao.
Bảo Nhi (TP.HCM)
Em Bảo Nhi thân mến,
Người ta vẫn chưa tính hết được tác hại của COVID-19, cả về thể chất lẫn tinh thần. Một trong những tác hại nặng nề của bệnh không đến từ căn bệnh mà từ… truyền thông. Người bệnh bị ảnh hưởng tâm lý từ những điều nghe được, đọc được, tự so sánh triệu chứng của mình với triệu chứng của người khác, thậm chí tự kê đơn bốc thuốc cho mình…
Mẹ em có thể đang cần điều trị cả bệnh về thể chất lẫn bệnh về tâm lý. Gia đình không thể làm được điều đó, hãy nhờ đến các nhà chuyên môn. Em có thể bàn với chồng đưa mẹ đi khám. Tiếng nói của các bác sĩ sẽ có tác động nhiều hơn. Những triệu chứng lo âu, căng thẳng, sợ hãi… cần được điều trị sớm.
Điều quan trọng là bà nghĩ bà đang bị bệnh, vậy mình tập trung chữa bệnh cho bà. Đừng gạt đi những lời kể lể, than vãn của bà. Khi chia sẻ được mình đau ốm thế nào, bà cũng sẽ cảm thấy nhẹ hơn một chút, bớt mệt đi một chút.
Em hãy coi đây là lúc mẹ bệnh. Đâu phải chỉ bị COVID-19 mới vậy, mà người già bình thường cũng hay bệnh vặt, thích được kể về sức khỏe của mình, thích được người khác quan tâm…
Con người, nhất là khi có tuổi, thường có những thay đổi rất lớn sau một trận ốm nặng. Người ta trải nghiệm sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người. Đối với phụ nữ, đau ốm mà phải một mình dễ tủi thân, nghĩ quẩn, từ đó có thể dẫn tới hờn dỗi, nói xa nói gần.
Em cứ coi như mẹ đang còn bệnh, cần nương nhẹ một chút. Em nên nhắc chồng, ba chồng hỏi han, trò chuyện với mẹ nhiều hơn, đừng ôm trong lòng những câu nói bóng gió của mẹ.
Một trong những cách hữu hiệu là… cứ đổ lỗi cho COVID-19, đồng ý với mẹ về tất cả những gì mẹ nói, động viên mẹ uống thuốc theo lời bác sĩ. Mai này khi khỏe hơn, bà sẽ thay đổi, lại tìm hội bạn để đi bộ và tám chuyện về việc mình đã được chữa lành như thế nào.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Trà Giang (Q.1, TP.HCM): Cứ nhẹ nhàng
COVID-19 là câu chuyện rất dài và rất khác nhau ở mỗi nhà, mỗi người. Nếu ai nhiễm cũng bình thản đón nhận, điều trị và trở lại cuộc sống bình thường thì cả thế giới đã không bấn loạn, không có vô số trung tâm trị liệu, tổng đài tư vấn ra đời.
Đọc thư của bạn, tôi thấy thiếu sự cảm thông. Có vẻ bạn chỉ thấy mình bận rộn và “bị hành” mà không thấy mẹ chồng bạn đang căng thẳng và lo sợ. Đó là một bệnh lý.
Bây giờ, điều cần nhất là sự đồng thuận với bà. Để mẹ “nghe” mình, bạn phải nói những lời mẹ muốn nghe. Lúc bà đang tìm kiếm một sự chấp nhận, cảm thông, mọi người lại nói ngược lại nên bà quy chụp cả nhà muốn bà chết cũng phải thôi.
Bạn hãy tìm một trung tâm tư vấn tâm lý, khuyên mẹ nhắn tin hoặc gọi điện nhờ tư vấn. Những vấn đề tâm lý ấy không thể nhanh chóng vượt qua được mà phải đúng cách và cần có thời gian.
Linh Tạ (TP.Thủ Đức, TP.HCM): Nên khéo léo để đồng hành với mẹ
Nhà có người lớn tuổi mắc COVID-19 thì không khí căng thẳng và mệt mỏi lắm, tôi hiểu. Mẹ tôi có bệnh nền, lại khá trái tính trái nết nên khi mẹ mắc COVID-19, tôi đã phải khéo léo lắm mới có thể đồng hành với mẹ.
Còn nhớ khi đó, tôi vừa năn nỉ, vừa dọa dẫm đủ thứ bởi mẹ tôi không chịu uống thuốc, lại đọc quá nhiều thông tin tiêu cực trên mạng nên lo lắng và làm rối tung mọi thứ.
Tôi đã phải vừa đấm vừa xoa các kiểu, tâm lý mẹ tôi mới dần ổn định và trở lại bình thường. Người già là thế đó bạn.
Tôi nghĩ có lẽ mẹ chồng bạn bị căng thẳng do lo lắng quá mức, bạn nên chịu khó xoa dịu mới mong bác sớm hiểu ra vấn đề.
Ở nhà tôi, mọi người đều cho rằng ý kiến mẹ tôi là quan trọng nhất, rằng bà có quyền quyết định mọi việc. Ai cũng thể hiện cuộc sống không có mẹ thì rối tinh lên. Thế nên bà cảm thấy mình vô cùng quan trọng, phải nhanh chóng khỏe để giúp mọi người.
Bạn cũng có thể tìm vài người bạn của mẹ nhờ họ nói chuyện, than vãn rằng vắng mẹ bạn thì họ buồn, để mẹ có thêm động lực mau chóng vượt qua bệnh tật. Hãy luôn thể hiện cho mẹ bạn thấy rằng mẹ rất quan trọng đối với cuộc sống cả nhà.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn