Mẹ chồng

27/04/2023 - 19:03

PNO - Mẹ và nỗi đau của mẹ cho tôi bài học ứng xử giữa người thân trước những gút mắc bất ngờ.

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cách đây 6 năm, vợ chồng tôi dành dụm được 400 triệu đồng mà căn hộ chung cư có giá 1 tỉ đồng. 

Chúng tôi định vay ngân hàng, mỗi tháng trả gần 9 triệu đồng, góp trong 10 năm. Cô nhân viên ngân hàng tư vấn rằng chúng tôi chỉ nặng gánh trong khoảng 4 năm đầu, khoảng thời gian tiếp theo sẽ nhẹ hơn bởi đã trả bớt gần nửa khoản nợ gốc nên tiền góp lãi giảm dần. Tôi tính toán thu nhập của vợ chồng thì thấy cũng gồng được, chưa kể căn nhà riêng là niềm vui lớn để chúng tôi cố gắng làm thêm cuối tuần và tiết kiệm những khoản chi không cần thiết.

Ừ, thì khi đi dự tiệc tùng tôi sẽ mặc lại đầm cũ và tự gội sấy tóc chứ không đi tiệm nữa; chồng tôi sẽ uống cà phê tự pha tại nhà chứ không cần sáng nào cũng ra quán; cu Tý và bé Bi cũng góp phần nhỏ bé của mình bằng cách hằng tuần sẽ chịu ăn vài bữa sáng là mì gói hoặc cơm nguội chiên và cuối tuần thì ngồi nhà xem phim trên ti vi để khỏi tốn tiền mua vé…

Mẹ chồng tới chơi gặp lúc cu Tý chìa chiếc giày cũ bị há miệng, nói: “Ba dán keo lại cho con mang khỏi tốn tiền mua giày mới”. Mẹ chồng xoa đầu cu Tý khen cháu còn nhỏ mà chịu nghe lời người lớn tiết kiệm vậy là giỏi quá. Nhưng sao phải vay ngân hàng trong khi nhà mình ai cũng có sổ tiết kiệm? 

***

Như vậy, thay vì vay ngân hàng, tôi vay mẹ chồng, chị Hai và chú Út, mỗi người 200 triệu đồng. 

Thôi thì vay nơi nào mình cũng phải dành dụm để trả nợ, chỉ khác chút là vay người nhà thì không bị áp lực thời gian. Vậy nhưng khi dọn nhà, chồng tôi vung tay sắm sửa toàn bộ nội thất mới. Tôi sốt ruột kêu lên đồ cũ còn xài tốt thì anh phẩy tay và nói: “Nợ người nhà nên em không phải lo quá đâu”.

Sao mà không lo cho được. Thậm chí tôi còn lo lắng hơn vì nếu nợ ngân hàng tháng nào cũng phải trả đúng ngày thì tôi còn có cớ để siết chặt chi tiêu, còn nay, kế hoạch tiết kiệm cả nhà cùng nhau bàn bạc coi như tan tành. Chồng tôi vẫn như trước, vẫn rộng tay quán xá và giải trí thư giãn cuối tuần. Có vẻ như vì chủ nợ là ruột thịt của anh nên anh còn tỏ ra “lên mặt” với tôi. Cu Tý và bé Bi bắt chước ba, ghẹo tôi: “Mẹ đừng keo kiệt quá, đã có bà nội với cô chú giúp nhà mình rồi mà!”. 

Chẳng lẽ nói với con nít là nợ ai thì mình cũng phải có trách nhiệm trả. Chồng còn trách tôi không chịu nhìn theo hướng tích cực là 2 đứa con nhỏ của mình được vui vì có nhà nội sẵn sàng giúp đỡ khi cần. 

Nói gì thì nói, cứ như trong nhà chia thành 2 phe mà chỉ mình tôi 1 phe. Khai giảng năm học mới, tôi nói đồng phục năm ngoái con mặc còn vừa thì chồng đi họp phụ huynh nộp luôn tiền mua đồ mới với lý do việc học hành là quan trọng nhất, đừng để con mình chạnh lòng với bạn bè chỉ vì bộ áo quần.

Cuối tuần, chồng vui vẻ nói anh vừa nhận được dự án, “mấy mẹ con diện đẹp cùng ba đi nhà hàng ăn mừng nào”. Trong khi 2 đứa con hớn hở, lẽ nào tôi cứ khăng khăng càu nhàu trách chồng không chịu tiết kiệm?

Vậy nên tôi thầm lặng tìm cách. Khoản nào chồng không để ý thì tôi giữ lấy, nhiều khi tôi còn bịa ra những món phụ nữ cần mua cho bản thân… Hội chị em công ty nói như đùa mà rất thật rằng đàn bà mà cố tình gom góp thì thế nào cũng thành tấm thành món. Điều này rất đúng với tôi.

***

Ai cũng nói tôi quá may mắn vì vừa mua được căn hộ thì giá nhà bỗng tăng lên một cách chóng mặt, ngày nào mở trang báo về địa ốc ra cũng thấy nóng rực giá cả phi mã và giấc mơ an cư càng trở nên xa vời. 

Sau 2 năm, tôi gom góp được một khoản, thêm 2 tờ vé số đứa bạn tặng trúng giải Nhất, cộng tất cả lại được hơn 200 triệu đồng. Vừa lúc chị Hai than thở đang cần tiền để hùn vốn với người bạn làm ăn mà kẹt quá, tôi nói: “Em có tiền rồi, để em chuyển khoản chị liền nè”. Chị Hai cười cười nhìn tôi, hỏi: “Em định trả chị bao nhiêu?”.

Ra là chị Hai tính toán số tiền chị cho mượn là 1/5 căn hộ. Hiện nay, căn hộ lên giá gấp đôi, tức là vợ chồng tôi phải trả chị 400 triệu đồng. Chú Út cũng nói vậy.

***

Nếu ban đầu mà nói toạc ra rõ ràng thì tôi đã có sự chọn lựa khác. Cứ tưởng là người nhà thân tình giúp đỡ nhau… Thực ra tôi đã bàn tính với chồng là khi nào trả, vợ chồng tôi sẽ gửi thêm chút tiền lời theo lãi suất tiết kiệm, coi như mình được vay giá rẻ mà mọi người cũng không bị thiệt thòi, cả hai bên cùng vui.

Đâu ngờ…

Trước mặt chị Hai và chú Út, tôi cắn răng không biết nói sao. Về tới nhà, tôi nổi trận cuồng phong với chồng. Tôi la làng về sự tiêu pha của anh. Nếu anh chịu tiết kiệm thì hẳn đã trả trước được một khoản, đâu đến nỗi giờ này giá nhà lên quá cao mà cục nợ vẫn còn nguyên. Rồi tôi chì chiết nhắc lại những lần anh dạy cu Tý và bé Bi nói với tôi “Mẹ đừng keo kiệt quá, đã có bà nội với cô chú giúp nhà mình rồi mà”. Giúp đó! Người nhà đó! Anh lo nổi không? Tiền đâu mà trả với mức lời lãi kinh khủng vậy?…

Chẳng những là tiền mà còn là sự sụp đổ của cái gọi là tình thân bên gia đình chồng. Thật tình, trong đầu tôi đã nảy ý bỏ đi. Tôi sẽ dắt các con ra khỏi căn hộ này, mặc kệ chồng và người nhà của anh muốn chia chác theo tỉ lệ gì tùy ý.

***

Mẹ chồng đến nhà, thấy không khí nặng như đeo đá, thở dài kéo tôi vào phòng mà thủ thỉ rằng khi rút sổ tiết kiệm về cho vợ chồng tôi mượn thì có lẽ chị Hai và chú Út cũng thật lòng muốn giúp đỡ nhưng giá nhà tăng cao quá… tiền lời nhiều khiến người ta không cưỡng được lòng tham…

Rồi mẹ chồng nói thêm, bà cũng có lỗi vì khi gợi ý cho các con giúp đỡ nhau, chính bà cũng không ngờ có ngày ra cớ sự vậy. Làm mẹ, chứng kiến các con mình toan tính kiểu này, bà đau lòng lắm.

Nỗi đau lòng của bà đã thức tỉnh tôi. Hẳn là chồng tôi cũng đang đau như vậy. Cũng như mẹ, anh đâu ngờ có ngày xảy ra cớ sự này. Từng lấy chính sự thân ái của chị em nhà mình làm tấm gương quan tâm yêu thương để dạy cu Tý và bé Bi, hẳn anh chua xót lắm…

***

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Giờ đây, khi kể lại câu chuyện này, vợ chồng tôi đã trả xong nợ cho chị Hai và chú Út với sự giúp đỡ thầm lặng của mẹ chồng. Bà nói ngoài cuốn sổ tiết kiệm đã cho vợ chồng tôi mượn, thời gian qua, bà có dành dụm thêm một ít nữa, già rồi có cần gì đâu nên tất cả là quà tặng cho cu Tý và bé Bi. Tôi hiểu đó là một cách cho để tôi nhận mà không phải ngại ngùng, để tôi bớt áp lực nợ nần mà không rơi vào căng thẳng, cáu kỉnh và có lẽ còn là để bù đắp… 

Chẳng khách khí gì, tôi nhận ngay vì thực sự tôi cần tiền để trả nợ cho nhanh vì sợ lỡ giá nhà lại tăng cao hơn nữa… Tôi thầm nghĩ mai này sẽ hoàn cho mẹ chồng một cách xứng đáng để cảm ơn mẹ đã kịp thời có mặt bên cạnh tôi giữa bão giông.

Mẹ và nỗi đau của mẹ cho tôi bài học ứng xử giữa người thân trước những gút mắc bất ngờ. Nếu không, có thể tôi đã làm gì đó thật vụng dại và khiến sự tình đã dở càng thêm dở…

Người ta nói trong cái rủi có cái may, giờ đây chồng tôi rất chăm chỉ làm thêm. Đến nay, dù nợ đã trả xong, mỗi khi muốn mua sắm hoặc tính chuyện đi chơi, anh đều hỏi ý kiến tôi trước khi thông báo cho Tý và Bi bởi anh muốn các con hiểu rằng cha mẹ 2 đứa luôn là 1 phe. 

Nguyên Hương

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hà Ly 28-04-2023 14:56:47

    Y chang tui, lúc làm nhà anh trai tôi cho mượn 150 triệu tiền mặt không lấy lãi, khi nào trả cũng được. Sau đó còn thiếu 50 triệu mà anh tôi kêu cho mượn thêm nhưng chồng tôi sĩ diện không mượn, tui kêu vậy thì vay ngân hàng chồng một hai mượn vàng của em gái, em gái anh cho mượn 2 cây vàng bán được 45 triệu hai năm sau vàng lên tôi phải trả gần 90 triệu.
    Điều đáng nói là cả nhà chồng cứ tưởng vợ chồng tôi nhờ 2 cây vàng kia mới có nhà nên em chồng lên mặt chửi chị dâu ngay trước mặt ba mẹ chồng, còn ba mẹ chồng thì làm thinh kiểu đồng ý cho phép em chồng được quyền chửi chị dâu.
    Hãi hai từ "nhà chồng"

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI