Mẹ chịu nhọc nhằn để đời con nhung lụa

10/06/2024 - 19:13

PNO - Phải tận mắt chứng kiến sự vất vả của mẹ, tôi mới hiểu vì sao các cô, các bác hay nửa đùa nửa thật nói rằng tôi may mắn được sống trong “lụa là gấm vóc”.

Mẹ của tác giả và tiệm vải sau 3 lần thay đổi địa chỉ, phát triển quy mô
Mẹ của tác giả và tiệm vải sau 3 lần thay đổi địa chỉ, phát triển quy mô

Tiệm vải không to chẳng nhỏ, nằm khiêm tốn giữa rất nhiều cửa hàng rực rỡ trên phố chợ Phùng Khắc Khoan (Hà Nội). Đó là nơi vất vả sinh ra và là nơi ấm no chào đời, là nơi thanh xuân mẹ tôi nán lại, cũng là nơi tôi được chắp cánh bay xa.

Mẹ tôi sớm bén duyên với nghề vải, từ thuở đôi mươi tới nay đã ngoài ngũ tuần. Ngày còn bé, tôi vẫn thường tha thẩn chơi đùa quanh cửa hàng của mẹ. Khi thì tôi quấn vải quanh mình giả làm tiên nữ, lúc lại xin mẹ ít mảnh vụn đủ màu làm quần áo cho búp bê; nhưng phần lớn thời gian, tôi hay núp giữa 2 hàng cũi, lặng lẽ thu vào đáy mắt nỗi khó khăn, nhọc nhằn của mẹ.

Mang tiếng bà chủ, nhưng để tiết kiệm chi phí, tiệm chỉ có mình mẹ tôi quán xuyến. Buôn bán nhỏ lẻ, hơn nhau ở thái độ với khách nên việc phải đon đả đón tiếp kể cả những khách hàng khó tính nhất hay nhiều khi phải dọn hàng từ sớm tinh mơ, chờ khách hẹn tới tận cuối chiều cũng là chuyện thường gặp.

Tôi nhớ có một trưa hè nắng như đổ lửa, lưng áo sũng mồ hôi, mẹ vẫn kiên nhẫn chào đón hết lượt khách này đến lượt khách khác, lúc thì khéo léo giới thiệu mẫu vải mới, lúc lại quay sang thoăn thoắt đo đạc, cắt xé. Tiếng chuyện trò rôm rả, tiếng mặc cả qua lại, tiếng kéo sắt lướt thật ngọt trên những thước vải lấn át cả tiếng ve râm ran trong tán bàng trước cửa.

Mãi tới 2, 3g chiều, khách vãn, mẹ mới được ngồi xuống nghỉ ngơi. Tôi bưng lên âu vối đá, mẹ nhận lấy uống liền mấy ngụm thay bữa trưa đã nguội ngắt, vừa cười vừa nói với tôi hôm nay đắt hàng, sẽ cho tôi đi nhà sách mua truyện tranh mới. Nắm bàn tay chai sần vì thường xuyên cầm thước, cầm kéo, nhìn vẻ mặt mẹ hoan hỉ nhưng bơ phờ, ngả đầu vào tấm lưng vương mùi chua nhẹ của vải vóc và mằn mặn mùi mồ hôi của mẹ, tôi thấy mắt cay xè.

Phải tận mắt chứng kiến sự vất vả của mẹ, tôi mới hiểu vì sao các cô, các bác hay nửa đùa nửa thật nói rằng tôi may mắn được sống trong “lụa là gấm vóc”. Tôi đúng là đã lớn lên trong nhung lụa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ ngày còn bé cho tới ròng rã 6, 7 năm du học nước ngoài, tôi vẫn luôn được mẹ chăm lo, chu cấp đủ đầy bằng từng đồng chắt chiu từ tiệm vải. Nhà tôi có mẹ là lao động chính nên trừ mấy ngày tết, mẹ chẳng dám nghỉ ngơi hôm nào, dù nắng nóng hay mưa rơi, chợ đông hay chợ ế, thậm chí là ốm đau bệnh tật. Thi thoảng trời trở gió, đài báo có giông mà mẹ vẫn cứ khăng khăng dậy sớm dọn hàng rồi ngồi vò võ tới tận chiều tối khi nhiều cửa hàng khác đã nghỉ.

Tôi trách mẹ tham công tiếc việc khiến người nhà phải lo lắng mà nào có hay, nghỉ chợ 1 hôm là mất không tiền thuê 1 ngày, mẹ cố chấp kiên trì vì biết đâu ngồi mãi lại có khách vãng lai, may mắn có khi đỡ được tiền ăn 1 bữa.

Năm nay tôi ngót nghét 30 tuổi, mẹ cũng đã ngoài ngũ tuần, nhưng tiệm vải vẫn đều đặn buôn bán, một phần vì tôi chưa đủ bản lĩnh để mẹ yên lòng về hưu, phần vì mẹ không quen nhàn rỗi. Cả đời mẹ gần như gắn liền với tiệm vải, tuy mệt nhọc nhưng mẹ vẫn vui. Mẹ vui vì có thể lo cho gia đình cuộc sống ấm no, lo cho đứa con gái một tương lai rộng mở, không phải vì miếng cơm manh áo mà phơi mặt ngoài đường chỉ để bỏ túi một hai đồng lời lãi.

Năm tháng lướt qua khe cửa, những cũi, những giá trong cửa hàng mẹ tôi vẫn chồng chất đủ loại vải vóc. Có loại bay bổng như voan, như lụa, cũng có loại dày nặng như dạ, như len. Chúng cuộn thành từng cuốn, xếp thành từng chồng, đè trĩu gánh nặng mưu sinh lên vai mẹ tôi nhưng lại dịu dàng ôm ấp, bao bọc tôi trong một tuổi thơ rực rỡ, vô lo. Cửa tiệm ấy là cội nguồn sức mạnh, giúp tôi dang cánh bay thật cao, thật xa.

Thuỳ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI