|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Sao con lại giấu mẹ?
Người mẹ tên Hà Minh ở quận 11, TPHCM đọc báo về tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ), sợ quá, liền về hỏi đứa con trai lớp Mười: “Con có đang bị bắt nạt không?”. “Không mẹ, làm gì có chuyện đó” - con chị liền trả lời.
Vậy mà một ngày đẹp trời, chị Minh lục máy tính của con, phát hiện những dòng nhắn gào thét giữa đêm của con với cô bạn thân về việc “tao muốn lên cầu Sài Gòn”.
Hóa ra con chị bị một nhóm bạn con nhà giàu thường xuyên cười cợt trêu chọc mỗi khi đi qua bọn chúng. Con chị bế tắc, ức chế như muốn nổ tung. Khi chị truy hỏi, trách con sao lại giấu mẹ thì cậu con thủng thẳng: “Con có nói thì mẹ cũng bảo chuyện chẳng có gì”.
Chị Minh buồn rầu nhớ lại, trong quá khứ, có lần cậu nhóc lớp Năm khóc và bất ngờ ôm mẹ: “Mẹ ơi, cứu con”. Khi hỏi ra, chỉ là chuyện bị chọc ghẹo, ghép đôi với cô bé lớp trưởng mà cậu không thích, chị bật cười: “Tưởng gì, thì cứ cho chúng nó gán ghép, có sao đâu!”.
Một lần khác, lúc con học lớp Chín, chị Minh sồn sồn vào nhóm phụ huynh thông báo một vụ chia rẽ bè phái. Sau đó, con chị bị bạn bè tẩy chay vì “tội” mách lẻo. Cậu bé chuyển sang cảnh giác với mẹ, không chịu kể chuyện trường lớp nữa.
Vậy đó, vấn đề với người lớn có thể nhỏ nhưng với trẻ nhỏ có khi là rất lớn. Nếu chúng phát tín hiệu cấp cứu mà ta lơ là, bỏ qua, đánh giá không đúng tình hình thì sau đó trẻ sẽ bỏ qua ta luôn. Chúng không tin cha mẹ có thể là điểm tựa, nên cùng bạn bè hoặc một mình loay hoay tự xử lý. Tới khi xảy ra chuyện, ta lại trách trẻ sao không nói gì.
Tin con nhưng chưa đủ
Năm học trước, ở một trường THCS quận 3, TPHCM có vụ va chạm giữa phụ huynh và giáo viên liên quan BLHĐ. Đỉnh điểm của chuỗi hành động bắt nạt, bé gái tên V. đi vệ sinh thì bị bé X. dẫn nhóm bạn quây kín cửa nhà vệ sinh. Khi có tiếng trống vào tiết, tưởng nhóm bạn bỏ đi, bé mở cửa thoát ra, liền bị chụp ảnh. Những tấm hình này sau đó xuất hiện trong tin nhắn gửi cho bé và trên các trang Facebook.
Bé V. liên tục bị “chị đại” dọa nạt bằng các tin nhắn “mày chết đi” nên sợ hãi, không dám đi học. Mẹ bé thông báo với giáo viên chủ nhiệm và tìm cách liên lạc với phụ huynh bé X. nhưng cả giáo viên lẫn mẹ bé X. đều tỏ ra khó chịu. Họ nói X. là con ngoan trò giỏi còn V. học kém mà kênh kiệu, phụ huynh cần xem lại con mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Bất lực, mẹ bé V. thu gom các bằng chứng đến gặp hiệu trưởng. Hiệu trưởng hứa sẽ xử lý “mạnh tay”. Tuy vậy, cách xử lý thiếu khéo léo của bà khiến mẹ bé V. bỗng dưng phải đối đầu với cả giáo viên chủ nhiệm lẫn phụ huynh của bé X. vì họ vẫn tin cô bé “con ngoan trò giỏi” chứ không tin cô bé “mặt kênh”.
Câu chuyện trên rất phổ biến trong thế giới học đường. Khi 2 đứa trẻ va chạm, liền sau đó sẽ là cuộc chiến dữ dội của phụ huynh với phụ huynh, có khi của phụ huynh và giáo viên. Trong nhóm Zalo phụ huynh một trường tiểu học ở quận Phú Nhuận, TPHCM còn lưu đoạn cãi cọ giữa 2 bà mẹ. Sau khi tranh cãi quyết liệt việc bé nào là nạn nhân - bé nào là thủ phạm, họ đã hẹn nhau hôm sau ra trước cổng trường để… “tác động vật lý” vào mặt nhau.
Chứng kiến những màn đôi co “con tôi không biết nói dối”, “con tôi hiền đến con muỗi không dám đập”…, nhiều người không khỏi hoang mang. Vậy, bản chất của một vụ BLHĐ là gì? Có phải luôn có những học sinh ác độc, hung hãn? Phía còn lại luôn là đứa trẻ ngây thơ, dại khờ chịu đựng áp bức? Và phụ huynh có biết con mình thuộc phía nào hay cứ nghe thông tin con va chạm với bạn là lập tức có tâm lý nạn nhân?
Trường hợp bé V. và bé X., may sao nhờ có các hình chụp và tin nhắn uy hiếp, dọa nạt làm bằng chứng, giáo viên chủ nhiệm và mẹ bé X. mới chấp nhận trong lớp có tình trạng BLHĐ và đứa trẻ “con ngoan trò giỏi” thực sự đang cầm đầu nhóm bắt nạt.
"Đại bàng" hay nạn nhân đều cần được giúp
Cách xử lý “truyền thống” nhất chúng ta hay gặp, là đứa trẻ bắt nạt bạn phải viết kiểm điểm, xin lỗi bạn, bị trừ hạnh kiểm… Thế nhưng cách này có thể khiến nạn nhân dễ gặp nguy hiểm hơn khi đối diện với sự trả thù tinh vi hơn, bí mật hơn, mức độ cao hơn.
Trong các diễn đàn giáo viên, nhiều thầy cô nhận xét bọn trẻ ngày nay ma mãnh hơn hẳn thế hệ “nhất quỷ nhì ma” trước đây do tầm hiểu biết của các em rộng mở, lại sẵn có các thiết bị công nghệ phụ trợ. Nhịp sống nhanh cũng khiến trẻ học mọi thứ nhanh hơn, bao gồm cả kỹ năng nói dối, bao biện, xóa dấu vết…
Phân biệt đúng - sai, trắng - đen trong mỗi vụ BLHĐ là rất phức tạp. Luôn có các can cớ khác nhau, từ kỳ thị giàu nghèo; miệt thị ngoại hình; ganh nhau chuyện cái quần, cái áo, đôi giày, chiếc bình nước… hay điểm số, tới “ghét cái thái độ”… Mỗi tình huống, mỗi đối tượng lại cần một cách giải quyết “vững tay” vì sai một li là đi một dặm. Đứa trẻ nghĩ mình bị oan sẽ mang hận thù, ẩn ức, mất lòng tin vào cuộc đời.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Ngay việc chuyển lớp, chuyển trường - giải pháp được xem là hiệu quả và nhiều phụ huynh đã chọn - đôi khi cũng không giúp giải quyết triệt để BLHĐ. Đứa trẻ bị bắt nạt ở trường này, khi qua trường khác thường tiếp tục bị bắt nạt. Điều đó đặt ra các câu hỏi: Nơi nào các con an toàn? Nơi nào các con được bảo vệ? Hay các con buộc phải học các bài học tự bảo vệ mình, như học võ, để ra đòn khi cần hoặc học cách né tránh, nhịn nhục?
Các chuyên gia tâm lý giáo dục phân tích rằng, bắt nạt học đường là một tiến trình, hiếm khi bộc phát. Đứa trẻ có thể nhòm ngó đồ đạc, áo quần, thái độ nhau… đã lâu; tới thời điểm tranh nhau một chiếc ghế thì bùng lên thành cuộc cãi cọ, xô xát. Việc kỷ luật, viết kiểm điểm, bắt xin lỗi bạn… chỉ giải quyết được phần ngọn. Song song với bảo vệ đứa trẻ nạn nhân, cần tìm hiểu trong sâu xa đứa trẻ “đại bàng” có nỗi ẩn ức nào không. Ví dụ gia đình nghèo khó, cha mẹ không hạnh phúc, học kém, thiếu thốn vật chất hay tình cảm… Trẻ có thể từng bị cảm giác tổn thương trong quá khứ vì bị bắt nạt hoặc đang bị cha mẹ anh chị bạo lực tại nhà hay không?
Chị Nguyễn Phương ở quận Tân Bình, TPHCM kể rằng hồi nhỏ chị từng bị bạn đánh dai dẳng suốt nửa năm học lớp Chín vì một câu đùa liên quan… Câu lạc bộ Juventus (bị bạn cho rằng muốn ám chỉ áo sọc của tù nhân). “Nếu biết mẹ bạn ấy vướng lao lý và lời đùa của mình gây thương tổn, tôi sẽ xin lỗi ngay. Song, do không biết nguyên nhân, tôi bị rượt đánh mỗi ngày đến ám ảnh” - chị Phương nói.
Sau này, khi con bị bạn đánh, chị Phương đã xử lý bằng kinh nghiệm bản thân. Khi ấy, con chị liên tục ngăn mẹ: “Mẹ kệ con đi, việc này mẹ không giúp gì được đâu”, “Mẹ đừng gọi cho thầy, mẹ chỉ làm tình hình rối hơn thôi”.
“Tôi cũng nghĩ nát nước, nếu thầy cô không vững về tâm lý trẻ, tình hình sẽ rất tệ vì mình không thể ở trường kè kè bảo vệ con. Thế nên tôi chọn đơn độc hành động” - chị Phương kể.
Chị Phương tìm hiểu kỹ gia cảnh cậu bé “đại bàng”. Hóa ra nhà bé có 5 anh em trai, cha mẹ vừa bận kinh doanh quán cà phê vừa bận chăm em bé nên gần như bỏ quên cậu. Chị tìm hiểu sở thích của cậu bé và chuẩn bị một món quà “xịn”.
Chị tới trường, canh giờ ra chơi, xin vào sân tìm gặp cậu bé. Ban đầu, cậu bé thấy chị thì bỏ chạy. Chị kiên nhẫn đi theo làm quen. Chị nói con chị đang buồn bã, không muốn đi học, chị cần cậu bé giúp tìm hiểu việc này. Chị còn tặng cậu món quà “cảm ơn trước”, mong bé làm người bảo vệ con trai chị.
Thật may, sau một hồi bối rối, cậu bé đồng ý giúp. Kết quả, cậu “đại bàng” không chỉ ngừng đánh con chị mà còn như người bảo vệ, thỉnh thoảng báo cáo tình hình với chị. Sau đó, 2 đứa trẻ rất thân nhau.
“Không phải mọi việc luôn diễn tiến thuận lợi như ý nhưng tôi nghĩ sẽ thật tốt đẹp nếu xử lý mâu thuẫn trên tinh thần yêu thương và thấu hiểu. Chúng chỉ là những đứa trẻ thôi mà” - chị Phương kết luận.
L.H.P