Mẹ chẳng khác gì Osin

16/02/2020 - 21:37

PNO - Mỗi lần Trang cầu cứu lên trông cháu, mẹ cô luôn sẵn lòng nhưng bước chân tới cổng nhà con, bà nhích từng bước một.

Giữ mẹ ở lại ngày nào là thương mẹ ngày đó, nhưng Trang biết làm sao khi cô vừa sinh con thứ 3, hai đứa chị lại được nghỉ học thêm 2 tuần nữa. Biết bà thương con thương cháu, nhưng thấy mẹ đi lại khúm núm với nhà chồng, lòng cô xót xa.

Có mẹ đây con (Ảnh minh họa)
Có              Có  mẹ đây con (Ảnh minh họa)

Nhìn mẹ chẳng khác gì Ô sin,Trang nằm ngồi không yên. Sáng sớm, bà đã xách ca mèn đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà trong đó có chồng cô, mẹ chồng và cả đứa em gái bên chồng. Hai đứa cháu thì đích thân bà ngoại đút mới chịu ăn, áo quần cả nhà chất một đống cao trong phòng tắm, bữa trưa bữa tối trong nhà lại có nhiều chế độ.

Mang tiếng lấy chồng thành phố nhưng trong bữa ăn của gia đình Trang đều mang dáng dấp làng quê. Vẫn gạo, rau, gà vịt nhà mình mà hàng tuần mẹ cô gửi lên. Nghĩ đến cảnh cha mẹ gần 80 tuổi chở từng bao thóc đi xay rồi lại nhờ người gửi lên bến xe, Trang thấy mình bất hiếu. Nhưng ở vào hoàn cảnh thực tại, cô chỉ biết từ chối miệng mà tay vẫn nhận tiền, quà của mẹ đều đều. Vì không lấy, mẹ  cô đâu có vui.

Có người mẹ nào vui được khi thấy con gái, cháu gái của mình sống trong sự ghẻ lạnh, thờ ơ. Có người mẹ nào có thể làm ngơ khi thấy chàng rể đưa lương tháng cho vợ mà không kèm theo thái độ cằn nhằn. Nếu được quay lại thời gian, bà ước gì mình có thể vượt qua được cái định kiến “ăn cơm trước kẻng” chấp nhận đứa cháu không có bố, cho "con Trang nó được tự do". Phần vì bà tôn trọng quyền yêu đương tự do của con cái, phần vì cái danh dự nề nếp vốn có của gia đình, ngày Trang lên xe hoa cũng là ngày lòng bà khắc khoải “vừa làm mẹ, làm dâu, vừa dở dang việc học, tương lai nào sẽ mở ra với nó”.

Có ngoại đây rồi, cháu ăn đi (Ảnh minh họa)  
Có ngoại đây rồi, cháu ăn đi (Ảnh minh họa)  

Thỉnh thoảng mẹ con Trang mới ghé về quê nhưng lần nào cũng vội. Chồng Trang ít khi đi cùng, khi thì “anh ấy bận họp” lúc thì “nhà nội có giỗ”… Giả vờ ậm ừ cho qua chuyện, nhưng bà biết thằng rể quý chẳng thích gì về ngoại, có về thì nó ngồi thù lù một chỗ. Ấy là chẳng bù cho thời mới tán con bà, nó lăn xả làm việc nhà, phụ cha vợ ra đồng gánh lúa phơi rơm, ăn uống thì suồng sã chẳng nề hà kén chọn gì. Bà nghiệm ông bà mình nói đúng “dâu là rễ, rể là người dưng”.

Con bà cứ cắm rễ hết đứa này đến đứa khác, đưa cháu về ngoại thì bà nội không vui. Mỗi lần Trang cầu cứu lên trông cháu, mẹ cô luôn sẵn lòng, nhưng bước chân tới cổng nhà con, bà nhích từng bước một. Sự tủi nhục cùng với nỗi xót xa cho thân phận của con và các cháu mình làm cho bà thấy đau tức ở ngực. Con người ta cũng lấy chồng mà chồng yêu thương hết mực. Người ta cũng làm xui gia nhưng quan hệ thông gia nhà người ta vui vẻ cởi mở như người một nhà. Còn phần mình, bà biết “con dại cái mang”, âu cũng là cái số nó thế.

Nằm khẽ xuống để lắng nghe từng tiếng thở đều đều thỉnh thoảng xen tiếng ngáy mệt mỏi của mẹ, lòng Trang tê tái. Cô là niềm tự hào của gia đình vì thông minh, xinh đẹp nhưng thanh xuân đã vụt qua vì sự bồng bột, hiếu thắng của bản thân cô. Cái giá mà Trang đang đánh đổi là sự mất kiểm soát. Cô đã tự đưa tay mình vào cuộc sống hôn nhân quá sớm để những lời hứa “chỉ cần em sinh con và ở nhà chăm con, mọi thứ anh sẽ chu toàn” trở thành phù phiếm. Sự lệ thuộc vào kinh tế khiến người vợ mất hết vai trò tiếng nói trong gia đình, kể cả quyền quyết định có bao nhiêu đứa con.

Trang không thể thành cá chậu chim lồng mãi được, cô sẽ đi làm, các con cô rồi sẽ cũng sẽ lớn, sẽ qua gia đoạn nheo nhóc khó khăn. Cách trả hiếu đạo với mẹ cha là khi cô được sống là chính mình. Như đọc được suy nghĩ từ trong đôi mắt bừng sáng của Trang, mẹ cô ân cần nói “hết dịch corona, nộp đơn xin việc đi con. Vì con, mẹ ráng ở lại”.

 Minh Huyền

                                                                     

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • lan 18-02-2020 16:24:02

    Một đứa con gái bất hiếu và vô trách nhiệm với chính mình với cả 3 đứa con. Không lo được sao đẻ lắm thế? Mà xem cả VN mình, nhà giàu thì đẻ ít mà nghèo lại đẻ lắm!

  • Thu 18-02-2020 15:43:58

    Các cô gái cứ yêu hết mình để có thai rồi có kết quả tốt đẹp thế đấy nhỉ. Hoặc làm mẹ đơn thân hoặc làm người vợ bị coi thường, làm khổ cha mẹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI