Mẹ càng ép tập luyện, con càng béo phì

02/04/2023 - 14:16

PNO - Nhiều người mẹ sắp xếp lịch tập thể thao cho con dày đặc kèm theo chế độ dinh dưỡng vô cùng chặt chẽ nhằm giúp trẻ giảm cân. Thế nhưng, trẻ thường không đủ sức thực hiện hết thời gian biểu tập luyện đó nên phải bỏ dở giữa chừng khiến việc giảm cân không thành công và gây nhiều hệ lụy.

 

Rau xanh rất tốt cho quá trình giảm cân của trẻ - ẢNH: INTERNET
Rau xanh rất tốt cho quá trình giảm cân của trẻ - Ảnh: Internet

Càng luyện tập càng suy kiệt 

Theo số liệu của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam vào năm 2021, tình trạng béo phì tăng rất nhanh ở lứa tuổi học đường (5-19 tuổi). Năm 2010, tỉ lệ này là 8,5% và đã tăng thành 19% vào năm 2020. Đặc biệt, 26,8% trẻ ở thành thị bị béo phì (cao hơn ở nông thôn 8,5%). Béo phì là bệnh mạn tính, gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, đòi hỏi người bệnh phải được quản lý và điều trị lâu dài.

Khi thấy con mình được chẩn đoán bị béo phì, nhiều bà mẹ tìm mọi cách giảm cân cho trẻ. Tuy nhiên, không ít phụ huynh tỏ ra bất lực, mỏi mệt bởi bỏ ra bao công sức, thời gian và tiền bạc mà hiệu quả không như mong đợi. Con cái của họ càng luyện tập càng suy kiệt. Mặt khác, vì phải theo chế độ kiêng khem nên lúc nào trẻ cũng thèm ăn. Khi có cơ hội, trẻ lại ăn dồn dập dẫn tới tình trạng tăng cân trở lại. Thậm chí, có những bé phải bỏ dở kế hoạch luyện tập bởi không đủ sức theo tiếp. 

Điển hình là trường hợp bé P.V.Đ. (11 tuổi, ngụ tại quận 7, TPHCM). Đ. cao 1,4m nhưng lại nặng tới 55kg. Sau lần khám sức khỏe tổng quát ở trường, Đ. được chẩn đoán béo phì. Lo lắng trước những biến chứng của béo phì đối với sức khỏe, chị T.T.K. - mẹ bé - vội vã tìm kiếm các thông tin về chế độ ăn uống đồng thời lên kế hoạch luyện tập, giảm cân cho con.

Được bạn bè giới thiệu, chị K. thuê huấn luyện viên từ phòng tập gym tới nhà mỗi ngày để hướng dẫn riêng cho con các bài tập. Mỗi buổi chiều, huấn luyện viên cùng Đ. chạy 1 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, cậu bé còn tập thêm các bài xen kẽ với máy. Tổng thời gian tập luyện mỗi ngày của Đ. là 2 tiếng. Theo chị K., chi phí thuê huấn luyện viên riêng cho con trai chị là 15 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, thực đơn ăn uống của bé Đ. lập tức bị siết chặt. Bé không được ăn thức ăn có chứa tinh bột, thay vào đó là các món thịt trắng (ức gà, ức vịt…), cá, rau củ. Cậu bé cũng chỉ được ăn đúng 3 bữa mỗi ngày, cắt bỏ hết thói quen ăn vặt. Sau vài ngày luyện tập, Đ. tỏ ra rất uể oải, nhất là khi vừa tập xong, mặt cậu bé thường tái nhợt. Đ. trở nên sợ hãi việc tập thể dục và luôn tìm lý do để trốn tránh. Lúc nào bé cũng trong tình trạng bị đói nên thường lén mẹ đặt thêm đồ ăn.

Từ ngày chị K. bắt con giảm cân, không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Mẹ con chị luôn xảy ra xung đột, kết quả học hành của Đ. giảm sút nghiêm trọng. Cô giáo gọi điện phản ánh rằng Đ. tỏ ra rất mệt mỏi, hay ngủ gục trong giờ học. Đến giờ thể dục, bé cũng không thể tham gia. Chị K. đành tạm dừng lộ trình luyện tập và ăn kiêng của con trai, bởi lợi đâu chưa thấy, chỉ toàn… hại.

Không riêng mẹ con chị K., chị N.K.V. (ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng mắc sai lầm tương tự. Khi thấy con gái (14 tuổi) thừa cân, chị không đưa bé đi khám dinh dưỡng, tham khảo ý kiến bác sĩ mà hỏi kinh nghiệm từ bạn bè. Chị V. bị thu hút bởi quảng cáo trên mạng xã hội về chế độ luyện tập phối hợp ăn kiêng giảm cân của một trung tâm gym. Trung tâm này cam kết sau 3 tháng, con gái chị sẽ giảm được 5 - 6kg, đưa chỉ số BMI về mức chuẩn. Chi phí giảm cân trọn gói (bao gồm tập luyện và thực đơn được thiết kế riêng) có giá 30 triệu đồng.

Sau 3 tháng, con gái chị V. giảm cân được như mong muốn. Thế nhưng, kể từ khi kết thúc gói tập, bé không thể tự duy trì chế độ ăn uống, luyện tập như cũ, dẫn tới bị tăng cân trở lại. Lần này, bé tăng tới 10kg, bao công sức luyện tập và tiền bạc đầu tư đều đổ sông đổ biển.

Một trường hợp trẻ béo phì đang được đo nhịp tim trong quá trình thực hiện bài tập để điều chỉnh cường độ luyện tập phù hợp với thể trạng - ẢNH: THANH HUYỀN
Một trường hợp trẻ béo phì đang được đo nhịp tim trong quá trình thực hiện bài tập để điều chỉnh cường độ luyện tập phù hợp với thể trạng - Ảnh: Thanh Huyền

Đo nhịp tim để thiết kế bài tập phù hợp thể trạng từng bé 

Thạc sĩ Lê Tường Giao - Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết: “Muốn kiểm soát được cân nặng bền vững, hiệu quả, trẻ thừa cân - béo phì cần được phối hợp điều trị dài hơi bởi chuyên khoa dinh dưỡng và chuyên khoa vật lý trị liệu.

Hiện nay, Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang thử nghiệm chương trình giảm cân cho trẻ thừa cân - béo phì. Chương trình đã diễn ra được 4 tuần tính tới ngày 24/3. Có 100 bé đang được áp dụng liệu trình giảm cân này. Tất cả bệnh nhi nói trên do bác sĩ từ Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện chuyển tới. Quá trình giảm cân của các bệnh nhi được giám sát chặt chẽ, điều chỉnh kịp thời (mang tính cá thể hóa) sau mỗi lần tái khám. 

Chẳng hạn trường hợp bé N.V.K. (8 tuổi, ngụ tại quận 10, TPHCM). Mẹ bé K. chia sẻ rằng con mình bị béo phì độ 2 (bé cao 1,3m, nặng 44kg). Bác sĩ dinh dưỡng yêu cầu bé phải giảm được 2kg/tháng. Chế độ ăn của bé K. phải giảm tinh bột (giảm chứ không loại bỏ hoàn toàn). Theo chế độ dinh dưỡng do bác sĩ đề ra, trong khẩu phần ăn của bé, 50% là gạo thường và 50% là gạo lứt. Bên cạnh đó, bé được bổ sung hạt macca, không uống nước ép (vì nước ép chứa nhiều đường), ăn nhiều rau xanh. K. được thiết kế bài tập thể dục ở nhà 30 phút/ngày. Sau 4 tuần, bé sẽ tới Khoa Vật lý trị liệu để đánh giá và điều chỉnh bài tập cho phù hợp với thể trạng. 

Cụ thể, trong lần tái khám ngày 24/3, K. thực hiện lại bài tập dưới sự giám sát của cử nhân vật lý trị liệu trong 30 phút. Suốt quá trình này, bệnh nhi được đo nhịp tim 4 lần. Căn cứ trên kết quả đo nhịp tim sẽ biết được cường độ tập luyện hiện tại có quá sức bé hay không. Vào ngày tái khám, sau 4 tuần, K. đã giảm được 2kg. Bài tập và chế độ dinh dưỡng đều phù hợp với bé nên bệnh nhi không phải quá vất vả để duy trì. Mẹ của K. chia sẻ, mỗi lần tái khám và tập tại Khoa Vật lý trị liệu của bệnh viện chỉ hết 150.000 đồng nên chị không bị áp lực về kinh tế. Chị dự tính dù khi con đã đạt được cân nặng như ý, gia đình vẫn duy trì mỗi tháng tới bệnh viện theo dõi để kết quả giảm cân của con được 
bền vững.

Theo thạc sĩ Lê Tường Giao, việc đo nhịp tim rất quan trọng. Nhờ đó, các bài tập của khoa đều mang tính cá thể hóa với những bé thừa cân - béo phì. Do trẻ đang trong quá trình trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên mọi tác động, thay đổi đột ngột với trẻ đều có thể gây hại. Đó còn chưa kể, trẻ béo phì dễ mắc các bệnh lý đi kèm như tim mạch, huyết áp, chuyển hóa. Phụ huynh không nên tự ý áp dụng các bài tập giảm cân trên mạng khi chưa được bác sĩ tư vấn.

Chương trình tập luyện thể chất tại nhà dành cho trẻ thừa cân - béo phì do Khoa Dinh dưỡng phối hợp với Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 1 thiết kế có thời lượng tối thiểu 30 phút/buổi, duy trì ít nhất 3 buổi/tuần. Cấu trúc của buổi tập được chia thành 3 phần. Thứ nhất là khởi động làm nóng toàn thân (5-10 phút). Tiếp theo là thực hiện các bài tập mạnh cơ toàn thân (20 phút). Cuối cùng là thư giãn thả lỏng toàn thân và kéo dãn cơ (5-10 phút). 

Khi được chẩn đoán thừa cân - béo phì, trẻ cần được can thiệp kịp thời bằng chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, duy trì hiệu quả lâu dài. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI