Mẹ “cân” hết mọi việc trong bếp

23/12/2023 - 06:19

PNO - Chiều mưa, không dưng những hình ảnh từ chương trình Nấu ăn nhà người lạ do một bạn trẻ ở tỉnh Quảng Nam thực hiện lại khiến mắt chị cay xè.

Chủ đề chương trình thật mới, nhưng những cảnh quay lại tái hiện khung cảnh thật quen. Đó là gian bếp nền đất, mái nhà ám khói, những rá rổ, sàng nia, chiếc sóng chén và ang nước gá vào bên thềm nhà. Ngay lối cửa hông, có bà cụ đi ra đi vào. Bà kể, chồng mất, gia đình có đến vài người con đã dựng vợ gả chồng, nhưng vì điều kiện phương xa, mưu sinh cơ cực nên mấy năm con cháu mới sắp xếp về quê thăm được 1 lần. 

Chương trình tiếp tục khi khách mời là một chàng trai trẻ ghé thăm nhà rồi xin phép bà đi chợ, nấu cho bà một bữa cơm. Lòng chị nôn nao khi nghe cậu trai trẻ nói: “Răng bà đã yếu nên hôm nay cháu sẽ nấu món cháo thịt bằm. Bà thích thịt bò hơn hay thịt heo?”. Chị nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà ở quê. Gian bếp nhà chị cũng ám khói bếp củi, cũng chất đầy những vật dụng truyền đời như căn bếp của bà cụ. Mẹ chị không đơn chiếc nhưng nhiều lần thông qua chiếc màn hình nhỏ, chị vẫn thấy dáng mẹ lủi thủi trong chiều nhạt.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Ba chị đọc sách, uống trà ở gian trên, rồi ra vườn bắt sâu, gom lá. Em trai và em dâu cùng đi làm công ty ở thị trấn cách nhà tầm chục cây số, tối về đến nhà đã được mẹ dọn sẵn cơm. Cả ngày dài, gian bếp là không gian riêng của mẹ.

Những lần chị về thăm, mẹ chị luôn hỏi con cháu thích ăn gì rồi tất bật vào bếp. Mẹ cho rằng, con gái với 2 cháu lâu ngày mới về, chỉ ở lại thăm nhà 2, 3 hôm nên mẹ chẳng bao giờ nhờ cậy chuyện nấu nướng. Lúc mẹ đứng bếp, chị quanh quẩn quét nhà, múc nước, phụ mẹ thái thịt, lặt rau. Cũng có hôm, trong lúc đợi cơm, chị dắt con ra bờ sông thả diều, đạp xe ra cánh đồng gần nhà rồi kể cho các con nghe về đàn cò mùa đông. Cuộc sống ngày thường ở phố quá bận rộn nên chị tranh thủ những phút về quê để được thư giãn.

Có những hôm cuối tuần, các em nghỉ làm, mọi người rủ nhau đi chợ huyện cùng “thiết kế” một bữa liên hoan. Nào cá, nào thịt, nào tôm, rau trái… lần lượt được chất đầy giỏ, chở về nhà. Những lúc này, mẹ sẽ nhường sân lại cho 2 chị em dâu làm bếp chính. Thứ tự chế biến luôn là những món không cay, xắt nhỏ, hợp khẩu vị dành cho mấy đứa trẻ con. Sau đó là món nướng, món gỏi, món lẩu phù hợp để thanh niên nhấm nháp cùng bia… Còn ba mẹ lần nào cũng mặc nhiên ăn chung theo mâm tiệc gia đình, chẳng cầu kỳ món này món kia, khẩu vị chua cay, mặn, nhạt.

Mẹ chị luôn ưu tiên khẩu vị của chồng, con rể, con dâu, con trai, con gái. Em dâu thích ăn nhạt, nồi cá, xoong canh mẹ đều nấu nhạt. Nếu mẹ thích ăn cơm dẻo, em dâu thích ăn cơm khô, mẹ sẽ canh chừng nước non sao cho chén cơm xới ra sẽ thật ráo. Mẹ thích bánh canh bột gạo, em dâu thích bột mì thì chắc chắn mẹ sẽ nấu bánh canh bột mì.

Mẹ thấm mệt khi tóc trên đầu bạc thêm. Thế mà với chị, cách yêu thương, trở về bên mẹ thế nào cho đúng, chị lại phải nhờ một chàng trai xa lạ gợi nhắc mới nhớ. Từ nhỏ đến lớn, mẹ đã nấu cho chị hàng ngàn bữa ăn, chị có khi khen ngon, nhiều lúc chê dở. Mẹ cũng có lúc hờn, nhưng lát sau lại lui cui vào bếp nấu nướng.

Mẹ chị hẳn cũng như bà cụ trong chương trình, bà nói: “Bây giờ, bà chỉ mong con cái đứa nào cũng thật an ổn, 1 năm đôi lần về ngồi cùng mẹ; còn mọi việc nấu canh, kho cá, cứ để hết đó cho bà”. 

Diệu Thông
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI