Học bằng ánh sáng của mẹ và bà ngoại
Ngày 31/7, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo Quỹ Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm, biểu dương em Đỗ Nam Khánh (18 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh) vì tinh thần vượt khó trong học tập. Để động viên, hỗ trợ nam sinh này tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình, Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học” của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ Khánh 2,5 triệu đồng/tháng trong suốt những năm học đại học.
|
Khánh chia sẻ về quãng thời gian vượt qua khó khăn của mình - Ảnh: Phan Ngọc |
Khánh mỉm cười bảo rằng, đó là động lực rất lớn để cậu tiếp tục theo đuổi giấc mơ đã ấp ủ từ lâu của mình. Khánh trúng tuyển 6 trường đại học bằng hình thức xét học bạ và tuyển thẳng. Sau khi bàn bạc với mẹ, nam sinh này quyết định theo học chuyên ngành Công tác xã hội ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chậm rãi lướt điện thoại trả lời những lời chúc của bạn bè trên mạng xã hội, một hành động chẳng có gì đáng nói, song đó là cả một quá trình nỗ lực tập luyện của Khánh. Bị khiếm thị từ nhỏ, lại thiếu vắng bóng hình người cha, nên cuộc sông của Khánh phụ thuộc khá nhiều vào ánh sáng yếu ớt từ đôi mắt của mẹ cũng bị khiếm thị.
“2 mẹ con đều bị khiếm thị do di chứng của chất độc da cam từ ông ngoại. Từ nhỏ, mắt Khánh đã kém, nhìn không rõ. Người thân đã đưa con đi nhiều bệnh viện để chạy chữa, song vẫn không có kết quả” - chị Nguyễn Thị Thanh Tình (39 tuổi, mẹ của Khánh) nói và cho hay, đến năm lớp 6, Khánh mất hẳn thị lực. Từ đó, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào đôi mắt yếu ớt của chị Tình và bà ngoại.
Những ngày đầu mất sống trong bóng tối, nam sinh này luôn giam mình trong phòng. Phải mất một thời gian dài, Khánh này mới định hình lại được cuộc sống, rồi bắt đầu học chữ nổi, đọc sách. “Muốn đi đâu cũng phải nhờ mẹ và bà ngoại dắt đi nên em suy sụp lắm. Những lúc đó, bà và mẹ đều động viên, nói con không nhìn thấy thì còn có mẹ đây. Rồi nhiều lần thấy mẹ khóc, em quyết tâm phải tự mình đứng lên” - Khánh kể.
Khánh trở lại trường học, song khác với trước, giờ cậu luôn có mẹ đồng hành bên cạnh. Mẹ em là người phụ nữ khiếm thị, chỉ nhìn được các vật ở khoảng cách gần, song không kể nắng hay mưa, chị luôn đạp xe chở con trai đến lớn đúng giờ. Khi tiếng trống tan trường vừa dứt, chị Tình đã chờ sẵn ở ngoài cổng trường. Hình ảnh đó đã in đậm trong tâm trí biết bao giáo viên, học sinh cùng trang lứa nơi Khánh theo học.
|
Cả 2 mẹ con chị Tình đều bị khiếm thị bẩm sinh do di chứng của chất độc da cam từ ông ngoại - Ảnh: Phan Ngọc |
Chăm chỉ và cần cù, Khánh nhanh chóng thuần thục với chữ nổi và tiếp cận thành thạo các thiết bị như máy tính, điện thoại nhờ phần mềm dành cho người khiếm thị. “Mất đi đôi mắt thì mình phải nỗ lực hơn nữa, tận dụng tối đa đôi tai, khối óc để theo kịp các bạn. Dù đã dùng được điện thoại, máy tính nhờ phần mềm đọc màn hình, nhưng có nhiều kiến thức trong sách em không tiếp cận được nên mỗi đêm vẫn phải nhờ mẹ, hoặc bà ngoại đọc sách cho” - Khánh nói.
Rồi quả ngọt cũng đến với Khánh khi cậu “ẵm” hàng loạt giải thưởng như: Giải Ba cuộc thi Ươm hạt giống tâm hồn; giải Nhì cuộc thi Go with you do mạng lưới khiếm thị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Năm 2023, Khánh là 1 trong 10 học sinh được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tuyên dương học sinh vượt khó…
Chỉ mong có sức khỏe để sát cánh cùng con
Khi đã thoát ra được cảm giác tự ti, Khánh tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn nghệ của trường. Với vai trò là Phó chủ nhiệm CLB “Sách và hành động” của Trường THPT Phan Đình Phùng, cậu cùng các thành viên trong CLB thường tổ chức các hoạt động giới thiệu sách, truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa tinh thần tích cực đến các bạn cùng trang lứa. Nhiều năm qua, Khánh cũng là hội viên tích cực trong tham gia hoạt động hội người mù, cộng tác viên viết tin bài của Hội Người mù Hà Tĩnh.
|
Khánh chọn học ngành Công tác xã hội để theo đuổi giấc mơ trở thành MC trong tương lai - Ảnh: Nam Khánh |
Khánh nói rằng, chặng đường đại học phía trước sẽ khó khăn hơn nhiều, song cậu muốn thử thách, bước qua ranh giới an toàn của bản thân. Chỉ khi vượt qua được những chông gai đó, cậu mới có thể tiến gần hơn với giấc mơ trở thành MC, đứng trên sân khấu để truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những người cùng cảnh ngộ.
“Chắc chắn vào đại học sẽ khó khăn hơn nhiều, nên chắc chắn em phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thật may là em luôn được mọi người quan tâm, hỗ trợ. Bà ngoại và mẹ ai cũng muốn ra Hà Nội để đưa đón em đi học, nhưng bà ngoại đã già rồi nên không đi được” - Khánh tâm sự.
Nắm chặt tay cậu con trai, đôi mắt chị Tình ngấn lệ vì xúc động. Chị bảo rằng “con đậu đại học, tui vừa mừng vừa lo”. Mừng vì con trai đã gặt hái được thành quả sau những tháng ngày nỗ lực học tập, nhưng chị cũng lo lắng rồi chưa biết sẽ phải xoay xở ra sao để lo cho cuộc sống của 2 mẹ con khi ra thành phố lớn học tập.
Để đồng hành với con trai trên con đường tìm chữ, chị Tình phải gác hết mọi công việc để đưa đón Khánh đi học mỗi ngày. Kinh tế của cả gia đình chỉ còn trông chờ vào quầy xôi ăn sáng của bà ngoại. Hàng ngày, chị Tình thường phải dậy sớm giúp mẹ nấu xôi, chuẩn bị sẵn sàng trước khi chở Khánh đến trường. Xong việc, chị lại quay về phụ mẹ bán hàng chờ con tan học.
Dường như đã nếm trải đủ vất vả, chỉ Tình bảo rằng, hành trình này sẽ còn dài, gánh nặng chắc chắn sẽ gấp bội. Song chỉ cần vẫn còn sức khỏe, chị sẽ gắng để lo cho con trai học. “Giờ tôi cũng không mong gì nhiều hơn, chỉ mong sao có đủ sức khỏe để ra Hà Nội vừa làm thêm vừa chăm sóc cho con. Chỉ có thế thì sau này con tự lập cho cuộc sống mình mới yên tâm được” - chị Tình nói.
Phan Ngọc