Mẹ bỏ con - đáng thương hay đáng trách?

13/04/2015 - 12:00

PNO - PN - Những ngày gần đây, báo chí liên tục đưa tin về những em bé sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi, khiến những cuộc trà dư tửu hậu xôn xao bàn tán: sao xã hội lắm người kì lạ vậy, ăn ở thất đức, có phải Việt Nam là nơi người ta bỏ rơi con mình nhiều nhất thế giới không?

edf40wrjww2tblPage:Content

Dù cảm xúc mỗi người khác nhau nhưng chung quy lại đều thương xót cho những đứa trẻ bất hạnh, lên án các bậc cha mẹ không khác gì cầm thú. Điều đó thật dễ hiểu, bởi “hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con” sao là người mà sinh con rồi bỏ bờ bụi.

Nhưng nghĩ cho cùng, ai cũng có nỗi khổ riêng của mình. Những người mẹ bỏ con cũng có nhiều uẩn khúc, đắng cay, bất hạnh chứ chẳng sung sướng gì khi phải dứt bỏ núm ruột của mình. Dù sao họ cũng đủ can đảm để cho con một hình hài, một sự sống còn hơn những người nhẫn tâm giết con từ trong trứng nước.

Me bo con - dang thuong hay dang trach?
 

Điều đáng trách là tình mẫu tử trong họ không đủ mạnh mẽ để chiến thắng những nghịch cảnh của cuộc sống. Họ có dũng khí vượt qua chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau nhưng khi đứa bé chào đời lại sẵn sàng dứt bỏ. Cách họ bỏ rơi con thật tội nghiệp, nếu không gặp được người tốt thì những đứa bé non nớt ấy không thể sống nổi. Dù sao tôi thấy những bà mẹ bỏ con vào chùa hay để lại bệnh viện còn có chút tính người. Bởi trong hoàn cảnh quá túng quẫn, họ phải bỏ con nhưng có lẽ, trong thâm tâm vẫn mong con có chốn nương náu an toàn, gặp được người tốt.

Còn những bà mẹ cho con vào thùng giấy, túi nilon bỏ vất vưởng thì điều duy nhất họ nghĩ đến lúc ấy chỉ có thể là sự biến mất của đứa trẻ. Hành động này khác gì họ đã gián tiếp giết chết con mình.

Tôi nghĩ, những người bỏ rơi con phần lớn là những cô gái trẻ lầm lỡ, bị phụ tình, mang thai ngoài ý muốn, chưa chuẩn bị đầy đủ để làm mẹ. Họ còn quá trẻ để nhận ra hậu quả của việc làm của mình và chưa thấu hiểu làm mẹ là một thiên chức cao quý, con cái là lộc trời cho. Ở cái tuổi còn bồng bột, ăn chưa no lo chưa tới đã phạm phải sai lầm đáng tiếc. Để rồi quãng đời về sau là một chuỗi ngày dài hối hận, day dứt khi họ đủ chín chắn để biết luật nhân quả ở đời. Bản án lương tâm mà họ sẽ phải chịu đựng đến suốt đời.

Cầu mong cho những đứa trẻ bị bỏ rơi gặp được ba mẹ nuôi tốt, cuộc đời các em sẽ được bù đắp thiệt thòi. Dù sao, công sinh không bằng công dưỡng, có cơ hội để sống đã là một may mắn bởi các em không có tội. Còn những người mẹ lầm lỡ kia, dù đáng thương hay đáng trách thì những điều họ làm cũng không thể chấp nhận được, nỗi ám ảnh sẽ đeo đẳng mãi về sau.

Phải chăng đã đến lúc, chúng ta nên đưa những chuyên đề về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vào nhà trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục chứ không phải qua loa, chiếu lệ để đạt kết quả tích cực.


HÒA AN
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI