Mẹ bỉm sữa hồ hởi ''nhồi'' ăn bằng xi lanh: Học bác sĩ?

01/04/2016 - 09:40

PNO - Nên cho con ăn bằng xi lanh hay không vẫn là vấn đề gây tranh luận giữa các bậc phụ huynh và các bác sĩ dinh dưỡng.

Dễ thở nhờ xi lanh

Khi sử dụng đủ chiêu trò để dụ dỗ bé ăn nhưng đều vô tác dụng, sau đó các mẹ lại rỉ tai nhau chiêu thức dùng xi lanh giúp bé ăn hiệu quả hơn.

Chị Thảo M. (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Bé nhà mình không chịu bú bình, dùng thìa cho bé ăn thì rất lâu, đấy là chưa kể toàn đổ ra ngoài, dinh dưỡng vào bé chẳng được bao nhiêu. Mình thấy đút bằng xi lanh vừa nhanh vừa gọn. Các mẹ chỉ cần bơm từ từ vào khóe miệng của bé là bé nuốt, nhớ là không được phun thẳng vào họng của bé, vì nó sẽ khiến bé bị sặc và sợ''.

Đồng quan điểm, chị Thu M. (Hoàng Mai, Hà Nội) nói: "Bé nhà em cũng lười ăn lắm, 16 tháng rồi mà không thích ăn bột, cháo. Bé mà nhìn thấy mấy đồ đó là khóc ngay lập tức, không chịu ăn. Mà nếu cứ để bé nhịn cháo, cơ thể không có tí tinh bột nào thì bé sẽ mệt. Đang lúc bất lực, thế là ông nội bảo, lấy cái xi lanh mà cho nó ăn. Ban đầu em chẳng ưa gì cách làm này, thấy như thế thì khổ quá nhưng đành chịu. Em bơm từng ít một cho bé, thế mà tuy hơi mất công tí nhưng lại hay".

Me bim sua ho hoi ''nhoi'' an bang xi lanh: Hoc bac si?
Đối với nhiều bà mẹ, việc cho bé ăn như một cực hình. (Ảnh minh họa)

Chị N. tỏ ra vô cùng hạnh phúc: "Không biết các mẹ khác nghĩ sao chứ mình đang cảm thấy rất happy với cái xi lanh. Nhờ nó mà con mình uống nước cam, sữa, thuốc bổ rất vô tư. Bé còn thích và đòi "bơm" nữa. Các mẹ nên sử dụng xi lanh nhỏ thôi, như thế sẽ tạo một áp lực rất nhỏ trong miệng bé và bé sẽ không bị sặc nữa. Trước đây bé nhà mình uống sữa rất ít chỉ được 80 - 90 ml thôi, nhưng từ ngày mình dùng xi lanh, bé đã uống được 120 ml mà bé không phản đối gì đâu".

"Bé nhà em chẳng chịu uống sữa, nước ép, thuốc bổ... Mỗi lần cho uống phải xúc thìa thì em đến khổ sở, vật vã vì cứ tung tóe khắp nơi, có khi ra ngoài hết 1 nửa. Em cũng dỗ dành, bật ti vi quảng cáo, mở nhạc Xuân Mai, hát hò đủ kiểu, cho con chơi đồ chơi để dụ con ăn nhưng cũng không ăn thua. Sau đó, em dùng cái xi lanh rồi bảo: "Mẹ bơm nước nào", thế là con uống nhiệt tình bằng xi lanh luôn", chị Tường V. (Từ Liêm, Hà Nội) hào hứng chia sẻ.

Chị C. vui vẻ kể: "Con nhà mình được gần 1 tuổi thì mình tập cho con uống sữa tươi không đường, cho ăn bằng thìa thì mãi mới được vài thìa, bé lại không chịu bú bình. Sau đó, mình nảy ra ý tưởng dùng xi lanh loại 5ml, bơm cho con thì con rất thích. Đến bữa sữa là gật đầu lia lịa, rất vui vẻ, lại sạch sẽ, hầu như không mất 1 giọt. Mình cho con ăn, uống bằng xi lanh cũng được 1 tháng rồi, bây giờ cả con lẫn mẹ đều vẫn rất happy. Mình hút đầy xi lanh, đặt vào cạnh khóe miệng con, bơm vào bên trong má, như thế con sẽ không bao giờ bị sặc, con sẽ nuốt luôn rất nhanh".

Mẹ học theo bác sĩ cho con uống bằng xi lanh

Theo nhiều bà mẹ, mẹo vặt này là các mẹ học theo cách làm một số bác sĩ. Một bác sĩ dinh dưỡng cũng không phản đối cách làm này nếu trẻ quá biếng ăn.

Me bim sua ho hoi ''nhoi'' an bang xi lanh: Hoc bac si?
Nhiều bà mẹ phát minh cách cho con ăn bằng xi lanh khi trẻ biếng ăn. (Ảnh minh họa)

Chị Trang H. (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Nếu khó cho bé ăn quá, các mẹ có thể cho con ăn bằng xi lanh. Như bé Sóc nhà mình, cũng biếng ăn lắm, bình ti không chịu bú, cho bé uống các thứ bằng thìa thì bé cứ ngậm mãi trong mồm, sau đó đợi lúc mẹ sơ hở là phun ra hết. Đến bữa ăn là nhà như một bãi chiến trường. Mình thấy bác sĩ cho Sóc uống vắc xin bằng cái xi lanh, bé không phun ra mà nuốt hết. Thế nên, sau đó mình cũng về áp dụng thử, mình đặt ống bơm vào cạnh miệng của bé, bé lại thích".

TS. BS Tạ Thị Tuyết Mai - Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho rằng: "Việc nhiều bà mẹ cho con ăn, uống bằng xi lanh là do các bé khó cho ăn nên họ mới đành phải chấp nhận làm. Bởi phụ huynh cũng không biết nên làm gì khi đút cho trẻ ăn mà không chịu há miệng, và khi uống thuốc lại càng không chịu uống. Thậm chí có khi tôi phải chỉ cho phụ huynh bơm xi lanh, lấy tay giữ cằm cho nó đừng há miệng ra để thuốc xuống. Cho nên chuyện đó giải quyết tình huống là hợp lý chứ không bất hợp lý".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI