Mẹ biết nuôi con bằng gì?

06/08/2013 - 23:40

PNO - PN - Con gái. Những ngày này, mẹ thực sự hoảng loạn. Cảm giác ấy mẹ đã trải qua không biết bao nhiêu lần, nhưng chẳng thể quen được. Mẹ thấy mình bất lực, mình thua cuộc, vì không bảo vệ được con- khi con phải lớn lên giữa...

Con bé bỏng quá, con chưa tự quyết định được việc gì cho mình. Từ bữa ăn, ly nước, giấc ngủ, quần áo con mặc, cái bô con ngồi, con đường đi đến lớp mầm non mỗi ngày… mẹ đều lựa chọn giùm con. Xã hội ngoài kia náo loạn, người ta đánh đập, chém giết, lừa gạt nhau dễ như không, có khi chẳng cần đến bất kỳ lý do nào. Rồi chắc gì trường tiểu học đợi con đã là môi trường thuần khiết, con vừa học chữ i-tờ, đã phải nháo nhác đua tranh, học trước tiên vì điểm số và những giá trị bên ngoài chứ không phải vì Làm Người.

Me biet nuoi con bang gi?

Ảnh minh họa: Internet

Ơn trời là con đã xong những mũi tiêm vắc-xin cuối cùng của tuổi nhũ nhi (mẹ đã lao về nhà, ôm chặt con khi đọc xong bài báo đó. Mẹ khóc khi nghĩ đến những bà mẹ không kịp một lần ôm đứa con sơ sinh còn ấm nóng trên tay, chỉ vì bệnh viện đã cẩn thận tiêm ngừa cho con họ). Nhưng, chúng ta sẽ còn phải ốm, mẹ sẽ thuận theo “văn hóa phong bì” để đổi lấy cho con mũi tiêm nhẹ nhàng hơn của cô y tá, cử chỉ ân cần hơn của bác sĩ. Chỉ vậy thôi chứ làm sao mẹ đủ tiền để mua nổi y đức xa xỉ (thứ mà chỉ có nó, thầy thuốc mới thực sự là mẹ hiền) - để chúng ta được yên tâm giao phó tính mạng của mình… Những chuyện đó dù gì cũng còn xa xôi, mẹ cứ nghĩ giữ con dưới mái nhà của cha mẹ, trong vòng ôm yêu thương của gia đình - thì con còn được an toàn.

Nhưng mẹ nhầm con gái ạ.

Tuổi của con - búp trên cành, ăn uống là việc quan trọng nhất. Con thèm nước ngọt và đồ chiên, nhưng 100% nước uống ngoài đường bị nhiễm khuẩn, dầu chiên đi chiên lại hoặc mỡ thối, kẹo chíp chíp tẩm phẩm màu công nghiệp và xúc xích Trung Quốc có hạn sử dụng 10 năm bán ở cổng trường mầm non. Bát phở ngoài đường nước dùng chế từ nước cốt hầm thịt heo chết bệnh, thớ bún trắng muốt do trộn huỳnh quang, ngay cả cốc thìa để ăn một ly chè cũng có thể được tái chế từ nhựa rác thải bệnh viện. Mẹ không dám cho con ăn đồ gì nếu không phải tay mẹ nấu, nhưng mẹ cũng không tin cả chính mình vì ngay cơm mẹ nấu cũng có thể không an toàn cho con. Một hạt cơm chúng ta ăn cũng phải cõng ba loại hóa chất: chống mốc, tạo mùi thơm và làm nở gạo. Những ngọn rau xanh non mẹ có ngâm rửa kỹ đến mấy, cũng không thể tẩy hết được thuốc trừ sâu và thuốc tăng trưởng. Con gà, con cá, con heo được nuôi bằng thuốc “thúc lớn” - mà nào hết, người ta còn bơm thêm nước, ngâm thêm hóa chất khi chúng đã được hóa kiếp thành thực phẩm, để nặng hơn, giữ được vẻ tươi ngon hơn. Hoa quả con ăn mỗi ngày, dù ở chợ hay siêu thị, dù gắn nhãn nhập khẩu hay từ vườn trại - cũng đều đã được “tắm” thuốc bảo quản. Mẹ chịu rồi, chúng ta vẫn phải ăn để sống và để ốm bệnh, trong một điều kiện không được lựa chọn, vì có gì khác đâu để lựa chọn?

Me biet nuoi con bang gi?

Ảnh minh họa: Internet

Từ một-ba tuổi, sữa công thức là thức ăn thiết yếu của trẻ thì nay đến sữa nhập ngoại (nghĩa là đắt nhất rồi, an toàn nhất rồi - trong quan niệm của các bà mẹ) cũng bị nhiễm độc và không đủ dinh dưỡng. Sữa nội thì nguyên liệu không đủ an toàn (bò và cỏ không sạch lấy đâu ra sữa sạch; chưa kể bột sữa nhập khẩu chỉ được kiểm soát duy nhất bằng... lương tâm - nếu có, của doanh nghiệp). Uống sữa là quyền cơ bản của trẻ em (như quyền con người vậy), nhưng quyền tối thiểu đó cũng bị xâm phạm - thì chúng ta tuyệt vọng mất rồi!

Facebook của mẹ hoang mang câu hỏi từ bạn bè: “Tôi biết lấy gì nuôi con mình đây?”. Quả thật, mẹ cũng không biết lấy gì nuôi con, để đủ an toàn như trái tim mẹ mong muốn. Chúng ta không thể dò được hết sự tham lam và độc ác của đồng loại, đó mới là điều đau lòng và đáng sợ nhất con gái ạ. Mẹ không thể nói với con, trong thế giới của mình - người lớn đang giết dần nhau, sự vô cảm như vết dầu loang trên mặt nước, không ai thấy mình có tội. Những người lớn cho mẹ cảm giác khiếp hãi, họ chỉ nhìn thấy cơ hội kiếm lời là bất chấp những giá trị cơ bản của việc Làm Người. Mẹ lo lắng đọc báo, thấy họ nói nhiều về trách nhiệm của cơ quan chức năng. Đó là một thứ trách nhiệm “cả làng Vũ Đại”, ai cũng thấy trừ mình ra.

Me biet nuoi con bang gi?

“Tôi biết lấy gì nuôi con mình đây?”. Cô bạn của mẹ trên Facebook nói: “Em sẽ cho con bú mẹ đến tám tháng tuổi, hoàn toàn và tuyệt đối, sau đó thì tính tiếp”. Mẹ lại nghĩ đến Thái Nguyên, quê ngoại của con. Mấy năm trước có một tổ chức phi chính phủ đi khảo sát mẫu đất để làm vùng chè nguyên liệu sạch, họ kết luận dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất phải sau 50 năm nữa mới được rửa trôi hết. Và trong sữa của những người mẹ trẻ ở đất chè, có cả thuốc trừ sâu.

Sữa mẹ cũng chẳng còn an toàn! Một điều vô cùng đau đớn, con biết không…

QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI