Mẹ bị tạm giam, con hơn một tháng tuổi nhập viện vì suy kiệt

09/11/2015 - 07:58

PNO - Sau 10 ngày mẹ bị Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP. HCM bắt tạm giam, bé TH. đã phải nằm viện đến bảy ngày vì thiếu sữa mẹ.

Ngày 8/11, bé T.TH., sinh ngày 20/9/2015, con trai chị Trần Thị Thư Trang, tạm trú P.13, Q. Gò Vấp, TP. HCM vẫn nằm điều trị tại khoa nội tổng hợp  Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 vì chứng viêm tiểu phế quản. Như vậy, sau 10 ngày mẹ bị Cơ quan cảnh sát điều tra công an (CQ CSĐT CA) TP. HCM bắt tạm giam, bé TH. đã phải nằm viện đến bảy ngày vì thiếu sữa và hơi ấm của mẹ.

Chúng tôi vào BV thăm Th. vừa lúc bé được đưa đi hút đàm trở về phòng. Gương mặt cậu bé thiếu hơi mẹ xanh xao, trắng bệt. Bà Thi, bà ngoại của Th., cho biết: “Từ bữa nhập viện đến nay, mỗi ngày thằ ng bé đều phải đi hút đàm để thông đường hô hấp”.

Chị Trang bị bắt giam ngày 30/10, sau khi sinh con được một tháng rưỡi. Đây là đứa con thứ ba của vợ chồng chị. Bé đầu tên N.M., sinh 2011, bé kế, T.N.Q. chưa đầy 24 tháng tuổi. Ông Trần Văn Hay, cha ruột chị Trang, người tìm đến báo Phụ Nữ ngày 6/11 xin can thiệp giúp Trang được tại ngoại, rơi nước mắt, kể: “Từ ngày mẹ bị bắt, hễ đi học thì thôi, về tới nhà, cháu nào cũng khóc đòi mẹ. Hai đứa giành nhau cái gối của mẹ ôm riết, khóc tới lúc thiếp đi mới nín. Sáng tỉnh giấc, mở miệng lại gọi mẹ, lại khóc…”.

Me bi tam giam, con hon mot thang tuoi nhap vien vi suy kiet
Bé T.Th. đang phải nằm viện và bị cắt nguồn sữa mẹ suốt 10 ngày qua - Ảnh: Phùng Huy

Vợ chồng ông Hay đều trên 60 tuổi, gia cảnh khó khăn, lại thường xuyên đau bệnh, đang ở trọ gần nhà của vợ chồng Trang. Ngày 30/10, do dính líu đến một đường dây ghi đề, vợ chồng Trang bị bắt giam.

Ông Hay nói: “Con tôi vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhưng việc bắt giam cả hai vợ chồng Trang như vậy, bỏ tụi nhỏ nheo nhóc ở nhà. Đã vậy do thiếu sữa mẹ, ngày 3/11, cháu Th. suy kiệt cơ thể, phải nhập viện tới nay, bệnh chuyển biến nặng. Hiện tại, vợ chồng tôi không còn đường nào xoay trở”.

Suốt cả tuần vừa qua, hai vợ chồng ông Hay vừa thay nhau chăm sóc hai cháu nhỏ ở nhà, vừa tất tả ra vào BV Nhi Đồng 1 nuôi cháu Th. và thăm nuôi vợ chồng Trang tại trại giam Chí Hòa. Hai vợ chồng ông hoàn toàn không biết theo quy định pháp luật, Trang có thể được tại ngoại.

Ngày 5/11, một người quen chỉ dẫn, ông tìm đến CQ CSĐT CA TP.HCM xin bảo lãnh cho con về. Tuy nhiên, dù đầy đủ đơn, bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu, khai sinh của Trang và con trai nhưng cơ quan này không nhận đơn của ông Hay vì cho rằng đơn ghi quá chung chung, không có lệnh tạm giam, hay biên bản bắt người để tạm giam nên không thể giải quyết, yêu cầu ông Hay về địa phương bổ sung các giấy tờ này.

Ông Hay lại trở về phường để xin lệnh bắt tạm giam và biên bản bắt người. Thế nhưng CA phường và cảnh sát khu vực (KP.6, tổ 46, P.13, Q.Gò Vấp) trả lời không có biên bản này.

Ông Hay phản đối: “Thật vô lý, tại sao CA phường không giữ lệnh tạm giam hay biên bản gì trong khi việc bắt người xảy ra ngay trên địa bàn phường, có sự chứng kiến của CA, có lập biên bản yêu cầu tôi ký vào đó và con gái tôi hiện đang bị giam giữ ở trại giam Chí Hòa?”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chị Trang không có tiền án, tiền sự, không phải là người đang bỏ trốn hay đang bị truy nã. Dù đã bán nhà đi khỏi nơi thường trú (P.7, Q.Gò Vấp), nhưng gia đình ông Hay, trong đó có vợ chồng chị Trang đều đăng ký tạm trú tại P.13, Q.Gò Vấp từ ngày 25/4/2014 đến nay (hơn sáu tháng)…

Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Công ty luật Duy Khương cho biết: “Việc ra lệnh bắt tạm giam đối với trường hợp chị Trang đã vi phạm khoản 2, điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo điều luật này, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi… mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Đồng thời, điều 84, Luật Tố tụng hình sự cũng ghi rõ, người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp phải lập biên bản, biên bản này phải đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe; người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI