Mẹ bị lừa tình

16/12/2020 - 15:50

PNO - Cháu có chứng cứ để cảnh báo mẹ về một vụ lừa tình, lừa tiền, nhưng mẹ cháu không tin, cho rằng chị em cháu dựng chuyện để nói xấu ông ta.

Kính gửi chú Ti Vi

Bố mẹ cháu ly hôn đã mười năm nay. Bố cháu lấy vợ khác và có vẻ hạnh phúc. Nhưng mẹ cháu thì vẫn ở vậy nuôi chị em cháu lớn khôn. Thấy mẹ lủi thủi một mình, bọn cháu rất muốn mẹ có một ai đó bầu bạn để tuổi già đỡ cô đơn. 

Vừa rồi, mẹ cháu có quen một bác kia qua Facebook, hai người khá hợp tính, đã gặp nhau ngoài đời và mẹ cháu muốn gắn bó với bác ấy đến trọn đời. Biết chuyện, chị em cháu rất mừng và ra sức vun đắp để mối quan hệ này nhanh chóng đi đến kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc với bác ấy, chị em cháu đều có một cảm giác vô cùng bất an. Bác nói với mẹ cháu là bác mồ côi nên được một gia đình mang về nuôi từ bé. Nay gia đình đó người mất, người đi nước ngoài, chỉ còn lại một bà cô già yếu. Bác hiện đang sống cùng bà cô, chăm sóc bà cô suốt cả thanh xuân nên không màng đến chuyện lập gia đình. Giờ bác tìm được tình yêu đích thực là mẹ cháu, nhưng bác chỉ muốn là bạn tri kỷ, có người tâm sự, an ủi lúc tuổi già, chứ cũng không thể đi đến hôn nhân với mẹ, vì còn vướng… bà cô.

Chị em cháu thấy câu chuyện của bác có nhiều mâu thuẫn, nên âm thầm điều tra và biết được bác và bà cô ấy chính là vợ chồng có hôn thú hẳn hoi. Điều cháu rất ngạc nhiên là trong những lần video call với mẹ cháu, cả bác ấy và “bà cô” đều giáp mặt với mẹ cháu qua màn hình điện thoại, với cách xưng hô “cô cháu” y như thật (dù rõ ràng họ là vợ chồng). Cháu đồ rằng đó có thể là một màn kịch mà họ cố tình dựng nên, vì mục đích gì thì cháu cũng chưa rõ.

Cháu có đưa những chứng cứ thu thập được để chứng minh họ là vợ chồng, và cảnh báo mẹ cháu về một vụ lừa tình, lừa tiền, thì mẹ cháu vẫn kiên quyết không tin, và còn cho rằng chị em cháu dựng chuyện để nói xấu người tốt. 

Làm sao để cứu mẹ cháu hả chú? Cháu thực sự lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì chuyện này.

Cháu Bất An

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bất An thân mến,

Câu chuyện cháu kể trong thư nghe cũng lạ kỳ. Có thể “bà cô” ấy là một người vợ ốm yếu quá, chủ động muốn chồng mình tìm hạnh phúc khác, rồi cuối cùng người chồng lại không đành lòng chăng? Hay đây là một cặp chuyên đóng vai khổ não, đánh trúng lòng nhân hậu của các phụ nữ lỡ làng, khiến họ rất có thể sẽ lao vào nào mua sữa, mua cam, mua thuốc bổ cho “bà cô”, rồi hôm nay lo tiền chụp phim, mai lo tiền sửa mái nhà… 

Qua thư cháu thì chú không biết mẹ cháu và bác kia độ chừng bao nhiêu tuổi (vì rõ ràng mỗi độ tuổi sẽ có những định hướng khác), hoàn cảnh kinh tế của mẹ cháu ra sao, của bác kia ra sao (thí dụ bác ấy rất giàu còn mẹ cháu rất nghèo là một chuyện khác, hoặc bác ấy rất nghèo còn mẹ cháu rất giàu lại là một chuyện khác). Qua thư chỉ có ba tình tiết sau là cụ thể:

- Các cháu có bằng chứng (hôn thú) rằng bác kia và “bà cô” chính là vợ chồng.
- Bác kia không muốn kết hôn với mẹ cháu.
- Mẹ cháu không muốn tin vào hai sự thật trên.

Câu chuyện của chúng ta quay về việc “làm sao để một người tin vào sự thật?”. Việc này rất khó khi một bên quyết nói dối còn một bên quyết tin vào lời nói dối ấy, vì tình yêu, vì tự ái, hoặc đơn giản vì… không muốn tin. Có lẽ các cháu nên “tấn công” từ cả hai đầu mối ấy. Một đằng là nói chuyện thẳng với bác kia, cho bác ấy xem tất cả bằng chứng mà bọn cháu có, ghi âm lại những lời bác ấy biện bạch (hoặc nhận sai). Một mặt phải vừa an ủi mẹ, vừa cho mẹ biết đã gặp phải chuyện rắc rối rồi.

Các cháu cũng chẳng cần vạch ra nào âm mưu lừa tình với lừa tiền, vì nói thế sẽ khiến mẹ cháu tự ái mà không còn nghe ra những lời chân thành của các cháu nữa. Ai cũng yêu bản thân họ nhất, nên ta chỉ cần cung cấp cho họ những điểm mấu chốt đúng sự thật, còn các bước tiếp theo là họ tự suy luận, dằn vặt, và… hỏi tội đối phương. 

Phương án của các cháu đối với mẹ chỉ là kiên trì, rỉ rả, bám sát. Đừng lên án, đừng bảo “mẹ sai rồi, mẹ dại rồi”. Lúc này mẹ cháu đang thấy đơn độc nhất. Hãy thân hơn với mẹ. Một là để mẹ đỡ buồn, hai là để thỉnh thoảng ta có cớ mà ghé mắt liếc màn hình mỗi khi bác kia và “bà cô” điện thoại. Một người đang yêu là một đứa trẻ. Việc canh chừng mẹ khi yêu (lại yêu phải người mờ ám) kể cũng không có gì để thấy là có lỗi.

Song song đó, bằng sự tỉnh táo và công bằng, các cháu hãy cố gắng tìm ra lý do của câu chuyện “cô-cháu” kia nhé.

Chúc các cháu thành công. 

Chú Ti Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI