Chị Hạnh Dung kính mến,
Em sống với mẹ từ nhỏ, bố em đã bỏ đi lấy vợ khác. Mẹ con em có cuộc sống bình yên, mẹ chăm lo cho em chu toàn. Đến khi em tốt nghiệp đại học rồi đi làm, mẹ mới bắt đầu có cuộc sống riêng. Em biết ơn mẹ rất nhiều và cũng mong muốn mẹ được sống tự do theo ý thích. Nhưng sự thật không được như vậy.
Mẹ em quen một người, theo nhận xét của mẹ thì bác ấy rất tốt bụng, chân thành, đã chia tay vợ từ lâu và hiện sống một mình, 2 người rất hợp tính, làm bạn với nhau đã hơn 1 năm nay. Mẹ không muốn nói chuyện này với em có lẽ vì khó nói, ngại.
Em nghĩ thời trẻ mẹ đã vất vả làm việc, nuôi em, nay mới gặp được hạnh phúc, em mừng cho mẹ nhưng em tôn trọng mẹ, nếu mẹ không muốn nói ra cũng được.
Rồi bỗng nhiên mẹ bị đánh ghen. Một người đàn bà nghe nói là vợ của bác kia tìm tới tận trường mầm non nơi mẹ làm, nói mẹ giật chồng, chửi mắng, gọi mẹ là con này con kia, ghen tuông ầm ĩ, còn có thêm mấy người đi cùng xông vô đánh đập tàn nhẫn.
Lúc nghe tin, em chạy vô bệnh viện thì thấy mẹ bị thương, khóc sưng húp mặt mũi. Sau lần đó, em nghĩ mẹ và bác ấy sẽ chấm dứt nhưng chuyện của họ vẫn tiếp tục.
Gần đây, ngay cả điện thoại hay Facebook của em cũng nhận được nhiều tin nhắn với nội dung toàn là lời chửi rủa và đe dọa đánh mẹ. Em thương mẹ nhưng cũng rất sợ chuyện cũ sẽ xảy ra lần nữa. Em có nên khuyên mẹ chấm dứt chuyện tình cảm đó để cuộc sống của mẹ được an toàn?
Đông Nhi (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Em Đông Nhi thân mến,
Hoàn cảnh gia đình em chỉ 2 mẹ con, chân yếu tay mềm, em lo sợ là đúng. Hiện chỉ có em là chỗ dựa duy nhất của mẹ. Mẹ và con gái gần gũi nhau, vậy nên thay vì ôm giữ nỗi lo lắng đó một mình, em hãy kiên nhẫn tìm hiểu mọi chuyện để giúp mẹ. Nếu cần, em cũng nên nói chuyện với bác ấy. Khi hiểu được bản chất của việc này mới có cách tháo gỡ.
Đầu tiên, em hãy xuất phát từ mục tiêu giữ an toàn cho mẹ. Em hỏi xem mẹ có nhận được những tin nhắn lạ, nội dung đe dọa, chửi mắng, mẹ có cách nào đề phòng chưa. Sau lần ồn ào trước, mẹ có chia sẻ gì để đồng nghiệp thông cảm, giúp đỡ? Mẹ có biết gì về những người đánh ghen hôm đó và tình trạng hôn nhân của người đàn ông mẹ quen?
Mẹ em là người trưởng thành, đã một mình vượt qua khó khăn nuôi em khôn lớn, chắc chắn mẹ có suy nghĩ, nhận xét riêng. Em hãy lắng nghe mẹ. Nếu mẹ vẫn muốn tiếp tục mối quan hệ này, chắc mẹ có lý do.
Đối với mẹ, sự đồng thuận của em rất quan trọng. Hãy nói em mừng khi mẹ gặp được hạnh phúc nhưng em cũng mong mẹ bình an để đón nhận hạnh phúc.
Em hãy đề nghị mẹ để cùng nói chuyện với bác ấy. Cả em và bác ấy đều yêu thương mẹ và không muốn mẹ bị tổn thương. Không ai muốn một vụ đánh ghen nữa lại xảy ra. Cả ba hãy cùng nhau tìm cách để hạn chế rủi ro, bảo vệ người mình yêu thương.
Muốn vậy, bác ấy phải chia sẻ chuyện riêng và khó khăn của mình, em và mẹ cần phải biết nguy cơ đến từ đâu. Khi biết mọi chuyện, mình mới có thể bảo vệ mẹ. Tin nhắn, lời mắng chửi có thể làm em đau đớn nhưng không thể vì vậy mà bắt mẹ chấm dứt tình cảm, từ chối hạnh phúc.
Trong trường hợp mối quan hệ của mẹ em và bác ấy chưa hợp pháp hoặc em cảm thấy chưa tin tưởng vào thông tin mẹ có, em có thể giúp mẹ tìm kiếm thêm thông tin.
Em hãy từng bước thuyết phục mẹ để chính thức hóa mối quan hệ giữa 2 người. Bác ấy cần phải giải quyết xong cuộc hôn nhân cũ rồi mới có thể bắt đầu mối quan hệ với mẹ em.
Yêu thương mẹ tức là hiểu và chia sẻ, tôn trọng mẹ, cũng là thẳng thắn tìm hiểu và giúp đỡ chứ không phải cứ im lặng coi như không biết. Giai đoạn này mẹ em chắc cũng đang rối trí, em cố gắng giúp mẹ.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Thành Dương (Huyện Cái Bè, Tiền Giang): Nên tìm hiểu kỹ tình trạng hôn nhân của bạn trai mẹ
Trải qua tình huống bị đánh ghen, bị đe dọa bằng tin nhắn, chắc chắn thể chất và tinh thần của mẹ bạn đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước khi mọi chuyện đi quá xa, bạn nên gặp riêng bạn trai của mẹ để hỏi rõ tình trạng hôn nhân. Liệu bác ấy đã thực sự ly hôn với vợ chưa? Nếu chưa, mối quan hệ hiện tại có thể khiến mẹ bạn đối mặt với những rủi ro không thể lường, có thể sẽ có những vụ đánh ghen khác xảy ra, thậm chí còn nghiêm trọng và gây tổn thương nặng nề hơn cho mẹ.
Hãy nhấn mạnh để bác ấy hiểu rằng sự an toàn của mẹ là điều quan trọng nhất lúc này. Nếu thật lòng yêu mẹ bạn, bác ấy sẽ có cách giải quyết ổn thỏa để đảm bảo an toàn cho người mình yêu. Trong quá trình gặp gỡ nói chuyện với bác ấy, cố gắng không phán xét chuyện tình cảm của 2 người vì mỗi người đều có hoàn cảnh và lý do riêng.
Ngọc Hà (Quận Gò Vấp, TPHCM): Hãy tôn trọng quyết định của mẹ
Bạn nên tôn trọng quyết định của mẹ và không nên ép mẹ phải chấm dứt mối quan hệ hiện tại. Ở tuổi xế chiều, cả mẹ và bác ấy đều cần một tình bạn, một mối quan hệ nhẹ nhàng, bình yên.
Hãy chọn thời điểm thích hợp để tâm sự với mẹ. Hãy chia sẻ những lo lắng của bạn, cho mẹ biết rằng bạn luôn tôn trọng quyết định của mẹ nhưng không muốn mẹ buồn phiền vì những rắc rối không đáng có. Nếu bác ấy chưa hoàn tất thủ tục ly hôn, việc mẹ tiếp tục mối quan hệ này có thể dẫn đến những hậu quả không hay, ảnh hưởng đến cả mẹ và gia đình.
Thay vì ép mẹ đưa ra quyết định ngay, bạn có thể gợi ý mẹ dành thời gian suy nghĩ thật kỹ. Trong thời gian này, mẹ và bác ấy có thể tạm dừng việc liên lạc để mọi chuyện được bình thường trở lại.
Để giúp mẹ quên đi những phiền muộn, bạn có thể khuyến khích mẹ tham gia vào các hoạt động xã hội, câu lạc bộ người cao tuổi hoặc các lớp khiêu vũ. Những hoạt động ấy sẽ giúp mẹ có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới, có thêm niềm vui...
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn