Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi kết hôn đã được 12 năm. Vợ tôi là người giỏi giang, siêng năng, yêu chồng và vô cùng thương con.
Khi còn bé, tôi thấy ba không bao giờ giữ tiền riêng, làm được bao nhiêu đều đưa cho mẹ tôi quản, chỉ giữ lại vài trăm nghìn để cà phê với bạn bè hay mua sách, nên tôi cũng làm hệt như thế khi lập gia đình. Cũng nhờ vợ tôi chi tiêu kế hoạch và tiết kiệm, nên chúng tôi mua được nhà, đất xây phòng trọ cho thuê.
Sau khi những gì cơ bản đã có đủ, vợ tôi thủ thỉ với tôi là bắt đầu tích lũy để dành cho con đi học nước ngoài. Tôi rất tán thành với vợ. Chúng tôi chỉ có một con gái, nên mọi thứ chúng tôi làm ra đều dồn vào mục đích lo cho con, cũng là chuyện bình thường.
Thế nhưng cách đây một tháng, mẹ tôi ở quê bất ngờ phát hiện bệnh nặng. Nghe tin, vợ chồng tôi vội lái xe về thăm.
Khi tôi bàn với cả nhà đưa mẹ lên thành phố chữa bệnh, rằng tôi có bạn quen làm ở bệnh viện lớn, chắc chắn sẽ giúp mẹ hồi phục sức khỏe. Mẹ tôi có vẻ ngần ngại, bà bảo lên thành phố tốn kém lắm, thôi cứ để bà ở nhà, bệnh viện đây cũng rất tốt.
Tôi muốn mẹ an tâm và vui vẻ nên bảo: "Vợ chồng con đã có khoản tiền tiết kiệm tương đối, mẹ cứ yên tâm".
Ngay khi nói xong điều đó, tôi thấy vợ tôi vô cùng khó chịu. Nhìn cô ấy đổi sắc mặt, im lặng không tham gia vào câu chuyện nữa, tôi biết ngay vợ tôi đang sợ chi tiêu nhiều quá cho mẹ sẽ thâm hụt vào tiền để dành lo cho con trong tương lai.
Tối hôm đó, vợ cằn nhằn tôi rất nhiều. Cô ấy nói tôi coi thường cô ấy, tiền là tiền chung, sao tôi tuyên bố lo cho mẹ mà không hỏi ý cô ấy, như thể tôi toàn quyền quyết định vậy? Cô ấy bảo nhà có bốn anh em, mà nghe mẹ bệnh, ai cũng im lặng, không nói đến chuyện đóng góp gì, chỉ có mình tôi làm ra vẻ...
Cuối cùng, cô ấy nói tiền đó là để cô ấy thực hiện ước mơ của con gái: cho nó đi du học và cô ấy sẽ không bao giờ để cho bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến tương lai của con, dù đó có là mẹ tôi đi nữa.
Tôi nghe cô ấy nói mà ngạc nhiên, sững sờ. Không lẽ đó là bộ mặt thật của vợ tôi: coi trọng đồng tiền hơn cả cha mẹ?
Tôi tức giận nói rằng mẹ chỉ có một, con không học nước ngoài thì trong nước cũng không sao, nếu cô ấy không chịu đưa tiền cho tôi chữa bệnh cho mẹ thì cứ chia tiền đó làm hai, để tôi lấy phần của tôi lo cho mẹ tôi.
Không biết có phải mẹ tôi nghe được cuộc cãi nhau của chúng tôi hay không, mà sáng hôm sau mẹ đổi ý, nhất định không chịu lên thành phố chữa bệnh nữa. Mẹ cứ nói là mẹ già rồi, có chữa chưa chắc đã được bao nhiêu, mà có khi làm ảnh hưởng đến đời sống của con cháu, mẹ nhắm mắt không an lòng.
Tôi nghe mẹ nói mà đau lòng vô cùng. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy ghê sợ vợ tôi. Cô ấy coi đồng tiền lớn hơn sức khỏe của mẹ chồng mình.
Trong đầu tôi bắt đầu lởn vởn sự nuối tiếc, rằng tôi đã giao hết tiền bạc cho cô ấy nắm giữ. Tôi có cần phải lựa chọn giữa mẹ và vợ không chị Hạnh Dung? Tôi sợ tôi sẽ bị ám ảnh và nếu mẹ tôi có gì, chắc là tôi khó lòng nhìn cô ấy!
Thanh Tịnh
Anh Thanh Tịnh thân mến,
Có lẽ trong lúc quá nóng ruột lo cho mẹ, anh không nhìn thấy một điều là vợ anh có phần nào đúng khi bất bình với anh sao? Anh không hỏi ý kiến cô ấy, tự cho mình toàn quyền quyết định những gì là công sức của cả hai người, và công sức đó đã được định hướng để làm gì.
Điều cô ấy lo lắng, có thể là không đúng hoàn toàn từ góc của một người con dâu, nhưng xem ra từ vai trò một người mẹ, cũng không có gì là quá quắt. Người mẹ nào không đau đáu thực hiện những ước mơ của con mình? Có phài cô ấy giữ tiền cho mình đâu, cô ấy vì con, là con của anh chị đấy anh ạ!
Một cách hoàn toàn lý trí, điều cô ấy bất bình thứ hai nữa cũng không phải là không đúng. Mẹ là mẹ chung, gia đình có bốn anh em. Việc chữa bệnh cho mẹ có thể sẽ lâu dài, tốn kém vô cùng, mà chưa chắc một mình anh lo đủ.
Vì vậy rất cần sự đồng lòng, chung sức của bốn anh em, tất cả đều cùng có trách nhiệm thể hiện lòng hiếu nghĩa với mẹ. Bốn cái đầu vẫn hơn một cái đầu. Và bốn cái túi, chắc chắn sẽ hơn một cái túi chứ, phải không anh?
Như vậy thì, Hạnh Dung nghĩ, lỗi ở đây trước tiên là thuộc về anh. Để cho mẹ yên tâm, tất nhiên ngay lập tức, anh phải thể hiện ý chí cả nhà sẽ chăm sóc lo lắng cho mẹ hết lòng.
Nhưng một cách tế nhị, anh chỉ cần chậm lại chút xíu bàn bạc, xin ý kiến của vợ anh, của anh em trong nhà. Chừng nào vấp phải những từ chối, tính toán ích kỷ, khi đó anh mới cần phải thuyết phục người thân của mình và vợ mình, hoặc có những quyết định cứng rắn nào đó.
Với một người nhiều tình cảm, có trách nhiệm như vợ anh, Hạnh Dung nghĩ chuyện thuyết phục chắc không mấy khó khăn, chỉ cần cho cô ấy thấy rằng: sức khỏe của mẹ là chuyện quan trọng hơn hết. Chuyện học của con vẫn còn phương án khác, còn thời gian để tính và anh sẽ nỗ lực cho ước mơ của con.
Mình chăm sóc cha mẹ già thế nào, sau này mình sẽ nhận được sự chăm sóc như thế từ con cái. Một điều nữa, nếu anh nhẹ nhàng và khéo léo, anh có thể kéo con gái làm đồng minh, ủng hộ bố, cùng thuyết phục mẹ.
Biết rằng anh đang đau lòng, sốt ruột lo cho mẹ, nhưng người già, ngay cả khi bệnh tật, cái cần đầu tiên không phải là tiền, mà là cảm giác hạnh phúc, bình an vì được con cái thương yêu, và thấy con cái hòa thuận, trên dưới một lòng.
Liều thuốc tinh thần đó vô cùng quý giá, nên anh hãy bình tĩnh xử lý vấn đề, để cho vợ mình có thời gian suy nghĩ, cảm nhận và thể hiện tình yêu của cô ấy với mẹ anh.
Hy vọng là anh hiểu được và giữ được cả hai điều: mẹ anh được bình an và gia đình được yên ấm.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn