Cả thai kỳ chỉ siêu âm 2 lần, không được chọn sinh mổ
Điều khác biệt trong cách nhìn nhận về việc mang thai và sinh con ở Đan Mạch là: “Có bầu chứ không phải mắc bệnh”. Chính quan điểm này đã tạo thành một kiểu tiếp cận vô cùng nhẹ nhàng, thư giãn và có phần “không quá nghiêm trọng” đối với chuyện mang thai.
|
Chị Hoàng Oanh da kề da với em bé thứ hai tại Bệnh viện Kolding, Đan Mạch |
Sau khi thử que thấy 2 vạch, nghi có thai, việc đầu tiên là tôi gọi điện, thông báo cho bác sĩ của mình. Ở Đan Mạch, mỗi người sẽ được chọn một bác sĩ gia đình riêng, gần nhà. Bác sĩ cho tôi cái hẹn đầu tiên vào tuần thai thứ bảy. Đến ngày hẹn, tôi được xét nghiệm máu, nước tiểu và được tư vấn lên một lịch khám theo dõi trong thai kỳ. Không hề có siêu âm ở lần hẹn đầu này.
Theo tiêu chuẩn, mẹ bầu ở Đan Mạch, nếu khỏe mạnh bình thường thì sẽ chỉ được siêu âm 2 lần ở tuần thứ 12 và tuần 20. Riêng tôi được ưu tiên thêm 1 lần siêu âm nữa ở tháng cuối thai kỳ, do có tiền sử sinh con to trước đó. Thật ra, nếu mẹ bầu cảm thấy không yên tâm hoặc háo hức muốn biết nhiều hơn về em bé trong bụng thì có thể tự đi siêu âm thêm ở những phòng khám tư và phải tự trả tiền.
Ngoài bác sĩ riêng, mỗi mẹ bầu ở Đan Mạch sẽ được một bà mụ - người có chuyên môn chính về thai sản - theo sát cả thai kỳ. Các cuộc hẹn với bà mụ diễn ra cách tuần, là nơi để mẹ bầu được kiểm tra tình hình sức khỏe của mẹ và thai nhi, đồng thời lên kế hoạch sinh nở phù hợp. Do lần sinh bé đầu của tôi thuộc dạng ca sinh khó và kéo dài nên ở lần mang bầu thứ hai tôi được hỗ trợ thêm những buổi tư vấn với chuyên gia để chuẩn bị cho cuộc sinh diễn ra thuận lợi nhất.
Ở Việt Nam, mẹ bầu có thể chọn bệnh viện và sinh thường hoặc sinh mổ theo mong muốn cá nhân. Còn ở Đan Mạch, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh viện gần nơi mẹ ở và sinh mổ thường chỉ dành cho những trường hợp phức tạp như sinh đôi, sinh 3, thai ngôi mông, mẹ hoặc thai có vấn đề sức khỏe hoặc mổ cấp cứu…
Cả hai lần tôi đều sinh thường, dù tôi đã qua tuổi 40. Lúc đầu, tôi cũng sợ những cơn đau đẻ và muốn được sinh mổ cho nhanh, nhưng bác sĩ và bà mụ đều cho rằng tôi đủ sức để rặn thì không việc gì phải mổ cho phức tạp. Giờ thì tôi phải cảm ơn lời khuyên này, vì nhờ sinh thường mà tôi hồi phục rất nhanh sau sinh.
Đặc biệt, khi sinh xong, nếu sức khỏe mẹ và bé đều ổn định thì có thể được xuất viện trong vòng 6 tiếng. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực tế, rất nhiều mẹ ở Đan Mạch sinh xong về nhà luôn trong ngày, kể cả tôi.
Dịch vụ 5 sao miễn phí
Đan Mạch là một trong những quốc gia có chế độ phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới. Toàn bộ dịch vụ y tế đều miễn phí (đã được trả qua thuế, người dân không phải trả thêm bất cứ khoản nào, cũng không cần có bảo hiểm y tế). 2 lần mang thai và sinh con ở đây, tôi không hề tốn đồng nào cho việc khám thai, siêu âm, đi sinh, lưu viện hay chăm sóc hậu sản cho mẹ và bé. Điều đáng nói là dù dịch vụ miễn phí nhưng vẫn đạt “chuẩn 5 sao”.
Đầu tiên là thái độ vô cùng thân thiện, vui vẻ và chuyên nghiệp của các bác sĩ và bà mụ. Trong tất cả các lần thăm khám, tư vấn hay lúc đi sinh, tôi đều được đối xử nhẹ nhàng, lịch sự và đầy thấu hiểu. Điều này rất quan trọng với tôi, bởi tâm trạng mẹ bầu rất dễ tủi thân nếu bị bác sĩ hay y tá la mắng.
Tiếp đó là dịch vụ sinh rất tốt. Lần đầu, tôi sinh tại Bệnh viện Hoàng gia Đan Mạch ở Copenhagen. Phòng sinh của tôi cũng là nơi hoàng hậu Mary đã sinh 2 bé sinh đôi, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bồn sinh dưới nước, khu vực nghỉ ngơi cho thân nhân. Suốt ca sinh, tôi luôn có một đội ngũ bà đỡ, bác sĩ và y tá túc trực 24/7. Do sinh khó nên bé nhà tôi phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt mấy hôm.
Lần sinh thứ hai của tôi ở bệnh viện TP Kolding diễn ra nhanh chóng hơn mong đợi. Sức khỏe mẹ và bé đều ổn định nên vợ chồng tôi quyết định về nhà luôn trong ngày. Nhập viện lúc 9 giờ sáng, tầm 13 giờ em bé chào đời, rồi 18 giờ chúng tôi ra về.
Cuối cùng là dịch vụ chăm sóc sau sinh chu đáo. Sau khi về nhà, tôi nhận được điện thoại của một y tá, thông báo rằng cô sẽ đến thăm mẹ con tôi tại nhà theo lịch. Trong những buổi thăm khám tại nhà, cô y tá kiểm tra cân nặng, sức khỏe mẹ, bé và hướng dẫn cách cho bú, chăm sóc bé. Cô cũng quan sát xem ba mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh hay không để can thiệp kịp thời. Cô cũng giúp mẹ kết nối với một nhóm 5-6 bà mẹ có con cùng tuổi trong thành phố. Nhóm những người mẹ này sẽ gặp nhau định kỳ để đi dạo, cà phê, chia sẻ chuyện tã sữa…
Ngoài ra, bé sẽ được bác sĩ gia đình kiểm tra sức khỏe tổng quát ở tuần thứ năm, tiêm vắc xin ở tuần 12. Mẹ được kiểm tra quá trình hồi phục vết khâu hoặc vết mổ ở tuần thứ tám sau sinh.
Tôi rất hài lòng với những trải nghiệm sinh nở của mình, dù sống xa quê hương và không được mẹ ruột hay chị em ruột vào chăm sóc như các bạn tôi đang ở trong nước. 2 lần sinh con đều mang lại cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn và tích cực để mở đầu cho hành trình nuôi con sau đó. Tôi cũng rất biết ơn vì mình đã có 2 thiên thần nhỏ khỏe mạnh đáng yêu và những niềm vui giản dị mỗi ngày khi nhìn các con bình yên lớn lên.
Hoàng Oanh (từ Đan Mạch)