Mẹ bắt tôi phải nuôi người em trai 37 tuổi thất nghiệp, lười biếng

26/02/2022 - 09:00

PNO - Chị hãy thử giúp cậu ấy tìm công việc, động viên cậu ấy rằng chỉ cần cậu nỗ lực, mọi người sẽ bên cạnh giúp đỡ cậu.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi năm nay 42 tuổi. Em trai tôi năm nay cũng đã 37. Bạn bè người thân luôn thắc mắc từ xưa tới nay là chị em tôi sao khác tính nhau thế?

Trong khi tôi từ bé đã luôn cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn nghe lời ba mẹ, thì cậu em tôi rất lười biếng, ham chơi, học dốt. Tuy nhiên nó lại trất thông minh, lanh lợi, và là... con trai nên luôn được ba mẹ bênh vực, chiều chuộng và bắt tôi phải nhường nhịn em.

Cũng vì cách giáo dục của ba mẹ mà em tôi càng lớn càng lêu lổng, học hành không tới nơi tới chốn, nghề nghiệp không có, công việc không ổn định, thu nhập thất thường.

Ba mẹ tôi tìm mọi cách để gả vợ cho nó, với hy vọng là có vợ con nó sẽ trưởng thành. Nhưng điều đó cũng chẳng giúp ích gì, chỉ khiến cho một người phụ nữ và một đứa trẻ thêm bất hạnh.

Lúc trước, tôi sống riêng với gia đình. Ba mẹ tôi sống cùng em trai. Sau khi ly hôn, cậu ấy về ở với ba mẹ, cũng không thèm đi làm suốt ba năm nay rồi, và sống dựa vào... lương hưu của ba mẹ tôi. Tôi và một người chị nữa luôn chu cấp thêm cho ba mẹ, nên cuộc sống ba mẹ không có gì khó khăn, cậu ấy cứ thế hưởng ké.

Rồi ba tôi mất, sức khỏe mẹ tôi suy sụp, tôi ngày nào cũng phải chạy qua chạy lại lo cho mẹ cơm nước, chợ búa. Đến lúc này, tôi thấy vô cùng bực mình khi mẹ tôi quên gì thì quên, nhưng lúc nào cũng nhắc nhở tôi "lo cho em".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hàng ngày tôi phải nấu ăn cho cả mẹ và em trai đã đành, em tôi lớn đầu, nhưng vẫn lêu lổng, hôm về, hôm không, mẹ vẫn bắt tôi phải dành phần cơm tươm tất cho cậu ấy.

Nhưng hôm nào về thì cậu ấy ăn, hôm nào không về hay về không ăn, cũng không hề cất tủ hay dọn dẹp. Sáng sớm tôi chạy qua, lại phải đổ đi vì kiến bu, ruồi bám. Mà cứ như thế đã hai năm rồi, tôi xót cơm gạo lắm. 

Cách đây không lâu, tôi muốn cậu em phải có trách nhiệm với bản thân, tôi bảo cậu giờ hàng tháng phải đưa tôi tiền cơm của cậu, ít nhất cũng một, hai triệu. Chứ tôi không thể nuôi cậu hoài như thế này được.

Mẹ tôi gào lên: "Em nó lấy tiền đâu mà nuôi. Mẹ nuôi em". Tôi bực quá nói thẳng: "Lương hưu của mẹ có bốn triệu, tiền thuốc hàng tháng đã gần ba triệu, mẹ lấy gì nuôi em?". Mẹ tôi bảo: "Anh chị em thì phải đùm bọc lẫn nhau. Mới có vài bữa cơm đã tính toán. Mẹ nhịn, cho nó ăn". Thế là bà bỏ cơm thật. Tôi đành phải im lặng.

Nhưng tôi khó chịu lắm, chị Hạnh Dung ạ. Không phải chỉ vì tiền. Mà vì tôi thấy vô lý quá. Vì sao tôi lại phải nuôi một người đàn ông 37 tuổi? Đâu chỉ chuyện cơm ăn hàng ngày, còn hàng trăm thứ chi tiêu khác cho một mái nhà, giờ đổ hết vào đầu tôi.

Mà rồi mai nay, cũng tới lúc mẹ tôi sẽ ra đi, cậu ấy sẽ sống thế nào? Có lần, tôi nói với cậu ấy như vậy, cậu ấy bảo: "Không còn mẹ nữa thì em cũng sống làm gì. Trên đời chỉ có mẹ thương em. Chừng nào mẹ mất, em cũng tự tử luôn". Thế là mẹ tôi khóc bù lu bù loa. 

Bên cạnh đó, chồng tôi cũng hết sức bực tức chuyện tôi gần như cả ngày sống bên nhà mẹ, tối về nhà là mệt lử, còn cáu gắt, bực bội. Chồng tôi vốn rất ghét tính chây lười, ỷ lại của em tôi nên rất khó chịu với chuyện này.

Tôi phải làm thế nào để thay đổi cậu ấy đây chị?

Mai Hòa

Chị Mai Hòa thân mến,

Ông bà có câu "Con hư tại mẹ" chắc là đúng vào trường hợp của gia đình chị. Ba mẹ chị đã quá nuông chiều, bao bọc cậu ấy, đến mức làm khổ mình, khổ người thân, khổ vợ con cậu ấy. Và chắc chắn mai này, khi không còn ai lo cho cậu ấy nữa, thì cậu ấy sẽ khổ.

Cho nên bây giờ, chính chị nên là người bắt đầu "dạy" lại cậu ấy, từ đầu.

Chị hãy hết sức cương quyết với cậu em và khéo léo với mẹ. Có thể nhân tình trạng chạy qua chạy lại quá mệt mỏi, chị nên bàn với gia đình đưa mẹ về nhà chăm sóc. Đặt cậu em vào tình trạng bắt đầu phải tự lo cho bản thân. Điều này là tốt nhất cho mẹ và gia đình chị.

Nếu mẹ cương quyết từ chối, thì chị cùng người thân bàn đến phương án thuê người chăm sóc mẹ. Chị hãy giao cho cậu em trai việc giám sát người giúp việc. Còn chị... giám sát cậu ấy, để xem cậu bắt đầu bài học chịu trách nhiệm về mẹ già thế nào.

Bên cạnh đó, cậu em cũng sẽ phần nào phải va chạm vấn đề về tài chính cho một cuộc sống bình thường, để cậu nhìn thấy một điều không có mẹ, cậu sẽ không còn nguồn sống nào nữa.

Chị hãy trò chuyện, khuyên bảo em một cách cứng rắn, nghiêm khắc. Hãy chỉ cho cậu thấy tương lai khó khăn của cậu. Rằng sẽ đến lúc không ai lo cho cậu nữa, rằng chuyện tự tử của cậu ấy... chẳng nói trước được. Con người ta đến khi kề cận cái chết thì mới thấy sự sống là đáng quý. Cậu ấy sẽ không biết trước được mình như thế nào khi tới đó đâu.

Chị cùng với những người thân hãy thử giúp cậu ấy tìm một công việc, động viên cậu ấy rằng chỉ cần cậu nỗ lực, mọi người sẽ giúp đỡ, sẽ ở bên cậu ấy. Còn như nếu cậu ấy không chịu thay đổi thì chuyện cậu quyết định sống hay chết thế nào sau này là quyền riêng của cậu.

Người xưa nói: Anh em "kiến giả nhất phận". Nếu cậu ấy không chịu hiểu ra và thay đổi lúc này, cái giá cậu ấy phải trả là tương lai của cậu ấy mà thôi. Chị không có trách nhiệm gì cả.

Trong trường hợp mọi nỗ lực của chị và người thân đều không có kết quả, Hạnh Dung đành phải khuyên chị điều này: Hãy cố gắng chịu đựng thêm một chút, vì mẹ. Hãy giấu mẹ những mâu thuẫn, bực bội, khó chịu. Âm thầm đấu tranh, trò chuyện với cậu em, nhưng đừng để mẹ biết, mẹ lo.

Lúc này, ở tuổi này mà muốn mẹ thay đổi tư duy là điều không thể nữa rồi. Mà có khi biết, những mâu thuẫn đó chỉ khiến mẹ đau lòng, lo lắng thêm. Sau này, khi mẹ đi rồi, mình nghĩ lại, chịu không nổi đâu chị. Hãy để mẹ được vui vẻ trọn vẹn trong tuổi già.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI