Mẹ bận rộn kiếm nhiều tiền để làm gì khi con có nguy cơ tật nguyền

26/10/2017 - 15:10

PNO - Dù không nói ra nhưng chị biết mình có lỗi với con nhiều lắm khi con kêu đau đầu, chị chỉ hờ hững đưa mấy viên thuốc giảm đau.

Dù không nói ra nhưng chị biết mình có lỗi với con nhiều lắm khi con kêu đau đầu, chị chỉ hờ hững đưa mấy viên thuốc giảm đau.

Ngày con đổ bệnh, chị hoang mang và lo lắng. Bệnh tình của con chuyển biến quá nhanh khiến chị không kịp chuẩn bị tâm lý. Mới tuần trước, con còn tự đạp xe đi học cùng bạn bè mà giờ đây đang nằm co ro trên giường bệnh ở bệnh viện. Tay phải con tê cứng, nói năng khó khăn và thị lực giảm nhanh. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán con bị viêm dây thần kinh số VII do một số nguyên nhân.

Me ban ron kiem nhieu tien de lam gi khi con co nguy co tat nguyen
Không ít người mẹ rất bận rộn công việc. Ảnh minh họa

Trong đó, có lẽ do ức chế tâm lý, áp lực tinh thần khiến con bị stress nặng. Chị nghĩ lại, mới vào đầu năm học, có đôi lần chị bắt gặp con khóc một mình. Hỏi han đôi câu rồi động viên: “con trai cần phải mạnh mẽ” mà không tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Quả thật, công việc của chị quá bận. Từ ngày lên chức phó giám đốc điều hành của nhà máy, thời gian chị ở xưởng nhiều hơn ở nhà.

Mọi việc sinh hoạt của các con giao phó hoàn toàn cho ông bà nội bởi chồng chị  phải thường xuyên đi công tác. Chính chị cũng không nắm rõ thời gian biểu học tập của con. Nhiều ngày, thấy con thức dậy sớm đạp xe đi, chị cứ nghĩ con đi thể dục, về sau mới biết con lên trường lao động. Mỗi tuần, nhiều lắm chị nói chuyện với con được hai lần.

Gọi là nói chuyện nhưng thực tế chỉ hỏi là hết tiền tiêu vặt chưa để mẹ cho thêm. Đứa con trai đầu của chị thật thà, ngoan ngoãn nên chị rất tin tưởng. Cuối tuần, chị đưa con đi mua đồ chơi hay đi siêu thị coi như bù đắp những ngày bận rộn.

Chị không để ý là dạo gần đây, con trai trở nên ít nói hơn, thường cáu gắt bực bội.Tuần trước, chồng chị phát hiện những bài kiểm tra bị điểm kém của con đã lôi ra đánh một trận mà không cần hỏi rõ nguyên nhân.

Me ban ron kiem nhieu tien de lam gi khi con co nguy co tat nguyen
Con trai trở nên ít nói, mẹ cũng không biết. Ảnh minh họa

 Chị thú nhận rằng, mình rất ít khi nghĩ đến con. Thấy con ăn nhiều, chị cười thầm trong bụng: sao ai cũng than con kén ăn mà con mình thì ăn không biết no. Về đến nhà, thấy phòng con đóng, chị cũng không vào xem mà lên giường đi ngủ luôn. Chị cho hai con ngủ riêng từ rất sớm, đứa lớn 1 phòng, đứa nhỏ 1 phòng. Chị cứ nghĩ, đáp ứng  nhu cầu vật chất cho con đầy đủ là được cho đến ngày con bị bệnh.

 Bác sĩ bảo, nếu gia đình phát hiện sớm thì dễ điều trị hơn càng làm chị day dứt. Chị bần thần, về nhà sắp xếp vở để nhờ bạn bè chép bài cho con mới nhận ra tuần học gần đây con không thể ghi chép được. Những dòng chữ xiên xẹo trên trang vở còn nhòe nước mắt. Con đã phải đối diện những khó khăn đó một mình mà không có chị.

Chị tìm mở facebook của con, những dòng tâm sự khi bị bạn bè xa lánh để chế độ riêng tư khiến chị bật khóc. Chị nhớ ra, đôi lần cô giáo chủ nhiệm của con gọi điện cho chị để nói chuyện nhưng chị bận quá nên cứ thất hứa. Cuộc họp phụ huynh đầu năm của con chị nhờ ông nội đi thay vì mình bận ký hợp đồng.

Chị vội vàng gặp cô để biết tình hình của con trên lớp. Cô bảo, “giá như chị đến gặp em sớm hơn, cháu có biểu biện nóng nảy, thường xuyên gây sự với bạn bè nên các bạn trong lớp không dám chơi. Em nghĩ cháu bị tâm lý mà không sao liên lạc được với chị”. Thời điểm đó chính xác là lúc con mới bắt đầu phát bệnh theo chẩn đoán của bác sĩ.

Ức chế tâm lý có hành động kỳ quặc cộng thêm mặc cảm bị xa lánh khiến bệnh tình của con trầm trọng hơn. Ngay hôm đưa con đi cấp cứu, chị vẫn nghĩ đơn giản, do con mập quá đạp xe không cẩn thận nên bị ngã thôi. Nào ngờ, đầu con đau khiến con choáng váng mà ngã.

Nhớ lại cách đó vài ngày, con kêu mệt nhờ ông nội chở đi học, chị còn trách: “ông chiều cháu quá, nó tự đi được mà”. Chị không đủ thời gian bên con để nhận ra những thay đổi từ tâm lý đến thể trạng của con. Những cuộc họp liên miên, gặp gỡ đối tác chiếm hết thời gian của chị. Chị cứ nghĩ con ở nhà với ông bà là ổn mà không nghĩ sâu xa, ông bà già rồi làm sao hiểu hết được cháu.

Me ban ron kiem nhieu tien de lam gi khi con co nguy co tat nguyen
Mẹ quá hối hận. Ảnh minh họa

Nhìn con nằm co quắc trên giường bệnh, thỉnh thoảng co giật, chị xót xa. Bác sĩ bảo, điều trị bệnh này không cần nhiều tiền nhưng cần thời gian. Chị mới hiểu, tiền nhiều cũng chẳng để làm gì khi con bệnh. Nếu được quay trở lại, chị sẽ gác hết công việc để có thời gian bên con.

Đứa con sinh ra khỏe mạnh, giờ đây có nguy cơ tật nguyền vì di chứng bệnh tật. Một nỗi đau không gì có thể bù đắp nỗi. Dù không nói ra nhưng chị biết mình có lỗi với con nhiều lắm khi con kêu đau đầu, chị chỉ hờ hững đưa mấy viên thuốc giảm đau.

Xuân Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI