PNO - Ba đứa con của anh chị hễ hỏi tới bà ngoại thì bị bố trừng mắt, hỏi tới bà nội bị mẹ mát mẻ, chúng hoang mang chẳng biết phải nói gì hay chỉ nên im lặng mà thôi.
Anh hơn chị một tuổi, học chung trường. Hai nhà gần nhau, nhà chị ngoài đầu đường, nhà anh đi thêm vài bước vào trong con hẻm nhỏ. Từ nhỏ đến lớn, anh sống ở quê với mẹ. Bố mẹ anh ly hôn từ lâu. Lên cấp ba, bố anh đề nghị mẹ cho anh vào Biên Hòa sống cùng bố để thuận lợi việc học hành, mẹ anh đồng ý.
Mỗi ngày đi học ngang qua nhà chị, anh lại bị bóng dáng mảnh khảnh diện chiếc áo dài trắng tinh khôi làm cho xao lòng. Rồi họ yêu nhau khi anh bước vào năm cuối cấp. Bố biết được, nhiều lần đánh anh vì không muốn anh yêu đương sớm, và nhất là yêu một cô gái “con nhà buôn bán” bởi ông là người nhà nước, ưa nếp sống gia giáo, chuẩn mực, “đi nhẹ nói khẽ”, còn chị vui là cười, thích ăn gì là ăn, muốn gì làm đó không ngần ngại. Thế nhưng, trời chẳng chịu đất thì đất mãi rồi cũng phải chịu trời. Anh tốt nghiệp, đi làm được hai năm vẫn không chịu chia tay chị. Thấy chị cũng chịu khó cùng gia đình bán hàng quán, không đua đòi ăn chơi như ông từng lo lắng, ông đã đồng ý cho hai người cưới nhau.
Anh chị từng có một tình yêu thuở học trò rất đẹp (ảnh minh họa).
Suốt thời gian anh chị yêu nhau, mẹ anh có vào thăm anh vài lần. Những lần đó, bác đều ở nhà tôi, bởi bố anh kiên quyết không đồng ý cho vợ cũ ở lại nhà mình thăm con. Chứng kiến chị quan tâm chăm sóc mẹ chồng tương lai tận tình, mua đủ món ngon, đi khắp nơi tìm vải đẹp may áo dài cho bác, tôi những tưởng sau này mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của chị và mẹ anh sẽ xuôi chèo mát mái. Hơn nữa, phải qua nhiều khó khăn mới đến được với nhau, tôi tin chắc họ sẽ ra sức vun đắp cho tổ ấm của mình. Ai ngờ, sự khác biệt trong lối sống cùng mâu thuẫn khó hóa giải đã đẩy cuộc hôn nhân của họ vào bế tắc như ngày hôm nay.
Cưới xong, anh nghỉ việc công ty, anh chị thuê mảnh đất mặt đường để mở một quán ăn dành cho khách đi đường quốc lộ từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu. Mẹ chị sang phụ khâu đi chợ và đứng bếp nấu. Chị nhanh nhẹn, mẹ chị nấu ăn ngon có tiếng, anh cũng tháo vát, chăm chỉ nên quán ăn nhanh chóng đông khách. Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi mẹ anh vào thăm vợ chồng con trai lớn. Người ta nói xa thơm gần thối chẳng sai. Khi ở hẳn cùng nhau, người ta mới dễ nhìn thấy ở đối phương những thứ không vừa mắt.
Tuy từng có quan hệ tốt đẹp với mẹ anh nhưng khi sống cùng dưới một mái nhà, chị đã rơi vào mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu muôn thuở (ảnh minh họa).
Mẹ anh người quê, ăn ở không được gọn gàng, sạch sẽ lắm nên mẹ chị ra ngấm vào nguýt. Chị thì làm đúng phân công, không bao giờ rửa bát bởi đó là việc của anh. Cơm tối chị cũng không nấu bởi chị bảo bán quán cả ngày mệt, nấu bữa trưa ăn cùng nhau là được rồi, tối ra ngoài ăn cho thoải mái. Mẹ anh thấy thế cả ngày than thở con trai vất vả, rồi kêu ca ăn ở ngoài không đảm bảo vệ sinh, nghe mãi chị cũng thấy bực mình. Chị nấu “đối phó” vài món cho mình bà rồi dẫn cả nhà ra ngoài ăn như lệ cũ. Bà không ăn, hôm sau chị bảo anh, mẹ anh không hợp khẩu vị các món em làm, hay em tự mua đồ về cho mẹ thích nấu sao thì nấu?
Anh thương mẹ cả đời vất vả, nay có con dâu lại chẳng được chăm sóc, nên giận thay cho mẹ, thế là vợ chồng nhấm nhẳng cãi vã nhau. Lần nào tới nhà anh chị chơi, tôi cũng đau đầu vì phải nghe mẹ anh than con dâu “bỏ đói”, mẹ chị kêu ca bà sui khó tính, hay yêu sách lại ở dơ, còn chị than phiền mẹ chồng gì đâu như thời phong kiến tối ngày bắt vợ phải “hầu” chồng… Nỗi khó chịu “tập thể” ấy chỉ kết thúc khi mẹ anh chán quá đòi về quê, thế là chị mừng húm vội vàng đặt vé máy bay cho mẹ chồng, và rồi nửa năm sau, mẹ anh lại đòi vào và bầu không khí căng thẳng ấy lại tái diễn.
Bữa tối chị ngại nấu nướng nên thường dẫn cả nhà ra ngoài ăn. Mẹ anh không chịu, chị liền nấu quấy quá vài món cho bà ăn một mình (ảnh minh họa).
Đỉnh cao mâu thuẫn của anh chị xảy ra khi có vài quán khác mở ra cạnh tranh, việc buôn bán không còn thuận lợi nhiều như trước, mẹ chị thấy vậy lén làm thêm “nghề tay trái” là… cho vay nặng lãi. Bà gom tiền của người thân, bạn bè với tiền lời thấp rồi đem cho vay lại với mức cắt cổ, hưởng chênh lệch. Chuyện sẽ không có gì nếu bà không ngon ngọt mượn cả tiền của mẹ anh. Mẹ anh cả đời làm lụng, tích cóp được gần trăm triệu, bị dỗ ngọt thế nào vẫn đưa cả cho bà sui “làm ăn”.
Rồi mẹ chị bị người ta giật nợ phải bỏ trốn. Mẹ anh hay tin, gào khóc gọi mẹ chị là quân lừa đảo, quân ăn cướp trắng trợn... Từ sau biến cố ấy, hôn nhân của anh chị rẽ sang một khúc cua đầy ổ gà…
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, anh đã xuống tay đánh chị khiến tình cảm vợ chồng thêm rạn nứt (ảnh minh họa).
Việc bán buôn ngày càng ế ẩm, nhưng khó khăn về kinh tế vẫn có thể vượt qua nếu vợ chồng con cái đồng lòng. Đằng này, họ không tìm cách hóa giải mà chỉ hằn sâu thêm trong lòng nỗi trách hận người kia. Chị tìm ra chỗ trốn của mẹ đẻ, lén dẫn con gái lớn đi thăm, giúi cho bà vài triệu chi tiêu. Anh biết được, gầm lên nói chị đem tiền nuôi kẻ đã cướp sạch những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mẹ anh. Anh sinh tật, suốt ngày ôm khư khư điện thoại chơi game, bảo không muốn làm ăn nữa vì có làm cũng chỉ là ô sin nuôi người khác ăn trắng mặc trơn. Chị thấy vậy càng bỏ bê cơm nước, con cái để “trả đũa” những lời cay nghiệt của chồng. Ba đứa con hễ hỏi tới bà ngoại thì bị bố trừng mắt, hỏi tới bà nội thì bị mẹ mát mẻ, chúng hoang mang chẳng biết phải nói gì hay chỉ nên im lặng mà thôi.
Chuyện "mẹ anh, mẹ tôi" được thu xếp không khéo đã khiến hôn nhân của anh chị rơi vào bế tắc (ảnh minh họa).
Đôi khi nhìn anh, nhìn chị tôi thấy lòng chùng xuống, muốn ứa nước mắt. Chàng trai thư sinh năm ấy, cô gái xinh đẹp, mắt bồ câu năm ấy, bây giờ đã ở đâu? Chẳng lẽ hôn nhân đã biến họ thành người đàn ông béo bụng, tối ngày ôm điện thoại chuyện trò với bạn trong game chứ cả ngày không buồn cất lời chuyện trò với vợ, và người phụ nữ đuôi mắt đầy nếp nhăn, đôi mắt u uẩn cùng cái thở dài không nén nổi? Họ muốn thoát ra khỏi cuộc sống ngột ngạt toàn oán hận, trách cứ ấy nhưng cứ dùng dằng vì ba đứa con, để rồi cứ chịu đựng nhau như thế ngày này sang tháng khác!