Mẹ ảnh hưởng xấu lên tình yêu và cuộc sống của em

02/04/2025 - 18:00

PNO - Hãy nói chuyện với mẹ một cách cương quyết nhưng nhẹ nhàng, rằng em muốn chăm sóc mẹ nhưng điều đó không có nghĩa em phải từ bỏ cuộc sống riêng.

Em chào chị Hạnh Dung,

Em muốn hỏi chị rằng, nếu mẹ chị đã già nhưng gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chị thì chị phải làm thế nào?

Chẳng là em năm nay 30 tuổi còn mẹ em đã 65. Hiện tại, mẹ em đã về hưu, bố em đã mất từ lâu nên mẹ ở quê một mình. Em lên Sài Gòn làm được nhiều năm và hiện đang ở trọ với người yêu. Chúng em đã yêu nhau 3 năm.

Năm ngoái, mẹ em ngỏ ý rằng bà đã già yếu nên cần ở với em để tiện cho em chăm sóc. Thế nhưng, em biết mẹ sẽ rất ỷ lại nếu ở với em và có phần hơi thao túng tâm lý để em làm những gì mẹ muốn.

Khi sống với em, mẹ không chịu làm gì, kể cả nấu cơm hay dọn dẹp với lý do bà đã quá già (dù mẹ em không bị bệnh hay đang có vấn đề gì về sức khỏe). Bà cũng thường xuyên tị nạnh với người yêu em, luôn nói rằng em quan tâm đến người yêu chứ không quan tâm gì tới bà và thường chỉ trích rằng anh ấy quá trẻ con, chúng em không hợp nhau.

Sau 6 tháng 3 người ở chung, em chia tay người yêu và ở riêng với mẹ. Tuy nhiên, tới khi ở riêng thì chúng em quay lại với nhau và nhận ra mọi vấn đề khiến cả hai chia tay là do mẹ. Hiện tại, em muốn ở với người yêu nhưng chắc chắn mẹ sẽ chỉ muốn em ở với mẹ. Em phải làm sao?

Hoài Thu

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Hoài Thu thân mến,

Yêu thương và chăm sóc mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái. Nhưng tình yêu thương ấy không thể là lý do khiến em phải hy sinh hạnh phúc bản thân. Tuy nhiên, sống chung với cha hay mẹ của hai bên bao giờ cũng sẽ có những vấn đề nào đó nảy sinh mà cả hai bên cần có cái nhìn bình tĩnh, cảm thông với nhau mới có thể hòa hợp hoặc chấp nhận nhau một cách hòa bình.

Việc mẹ em "tị nạnh" cũng là tâm lý bình thường của người mẹ, nhất là khi cha em đã qua đời. Có lẽ mẹ em rất cô đơn và trông chờ vào sự thể hiện tình cảm của người con gái duy nhất, chỗ dựa duy nhất của mình.

Đọc thư em, Hạnh Dung thấy từ trong suy nghĩ, em đã có những mâu thuẫn về việc đánh giá độ già - trẻ của mẹ mình. Lúc thì em nói mẹ đã già, với ngầm ý về sự khác biệt. Lúc em lại nói mẹ còn trẻ và khỏe khi cho rằng mẹ ỷ lại, không chịu làm việc nhà. Những người trẻ đôi khi không nhìn thấy vấn đề sức khỏe của người lớn tuổi. Tuổi 65 của mẹ em dù thoạt nhìn vẫn còn khỏe mạnh nhưng chắc chắn đã có những vấn đề về xương khớp, sự lão hóa.

Thế nhưng, các em - hai người trẻ khỏe mạnh và ở vào tuổi đã phải tự ý thức về trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ - lại trách móc mẹ không làm việc nhà, giống như tị nạnh với bạn bè cùng trang lứa ở chung, ở ghép. Hạnh Dung thấy điều đó hơi vô tâm và lạnh lùng.

Mẹ em có thể không nhận ra rằng cách bà cư xử đã khiến em bị kẹt giữa hai sự lựa chọn: một bên là tình yêu và cuộc sống riêng, một bên là trách nhiệm và sự kỳ vọng của bà. Dù vậy, em cũng nên xem xét lại cách quan tâm, chăm sóc mẹ, đừng làm mẹ cảm thấy bị cô lập.

Thậm chí, phải chăng trong khi chỉ trích mẹ tị nạnh, chính em là nguyên nhân gây nên sự tị nạnh ấy khi khó chịu với sự nương dựa của mẹ hoặc có sự thể hiện không khéo léo, tế nhị với tuổi già và sự cô đơn của mẹ mình?

Em cho rằng sự can thiệp của mẹ khiến em và người yêu chia tay; khi em có không gian riêng, hai người lại tìm được tiếng nói chung. Điều đó không có nghĩa mẹ là vấn đề của tình yêu mà là các em chưa tìm ra cách để sống hòa hợp và san sẻ giữa những người yêu thương nhau. Và vì thế, môi trường sống chung trở nên căng thẳng.

Điều đầu tiên em cần làm là trò chuyện cùng mẹ về việc cuộc sống chung với mẹ đang làm ảnh hưởng đến tình yêu và mối quan hệ của em với người yêu. Hãy cố gắng cho mẹ hiểu em muốn có những ranh giới rõ ràng trong việc can thiệp và ảnh hưởng lên cuộc sống của nhau giữa em và mẹ. Hãy cương quyết nhưng nhẹ nhàng cho mẹ biết em luôn muốn chăm sóc mẹ nhưng điều đó không có nghĩa em phải từ bỏ cuộc sống riêng hay tình yêu của mình.

Nếu việc này là quá khó khăn, các em có thể có những sắp xếp phù hợp hơn, ví dụ mẹ có thể ở một nơi gần đó để em tiện chăm sóc hoặc em hỗ trợ mẹ bằng nhiều cách khác (nhất là khi mẹ còn đủ sức khỏe tự chăm sóc cho bản thân) mà không nhất thiết phải sống chung.

Có thể ban đầu mẹ em sẽ phản ứng mạnh, trách móc, dỗi hờn... nhưng nếu không kiên định, em sẽ lại rơi vào vòng xoáy cũ. Đừng để cảm giác tội lỗi điều khiển quyết định của em.

Một đứa con hiếu thảo không có nghĩa là một đứa con phải chịu đựng những hy sinh không đáng có. Em có quyền được yêu và được sống cuộc đời mình. Mẹ yêu em và nếu em kiên nhẫn bày tỏ sự cởi mở, chia sẻ với mẹ, theo thời gian, mẹ sẽ hiểu.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI