PNO - PNCN - Ly hôn có phải là lối thoát không, khó có câu trả lời đồng nhất. Nhưng sau ly hôn, người ta thấy rõ một Thảo Vân đằm thắm, dịu dàng hơn trong các quan hệ bên ngoài. Còn bên trong, khi không còn bị lệ thuộc ý kiến của một...
Nhìn cách bài trí, người ta dễ thấy đó là nơi mà trái tim người mẹ đang hướng hết về thiên thần nhỏ của mình. Tủ lạnh lớn trong gian bếp đủ để chứa đầy những thức ăn mà con trai thích. Căn phòng ngủ của con được sơn màu xanh lá với góc học tập xinh xắn. Cu Tít, gạch nối giữa mẹ và bố, đã dần quen với căn hộ chỉ có hai mẹ con. Tuy vậy, cảm giác được yêu thương đầy đủ vẫn tràn đầy trong đôi mắt của cậu bé vừa lên bảy này. Cảm giác có được, từ một nếp quen của mẹ, cứ mỗi cuối tuần Tít được mẹ dẫn về thăm ông bà nội, còn bố, lúc nào Tít thích cứ nói chuyện thoải mái trên điện thoại.
Cô bảo tất cả những cách ứng xử đúng mực ấy cô học được từ mẹ là chính, dù mẹ là một phụ nữ bình thường, học ít, sống bằng nghề buôn bán nhỏ ở thôn quê, tuổi cao nhưng quan niệm khá hiện đại. “Nhà tôi đông anh em, tôi là con gái út, thứ tám trong gia đình. Lúc sinh ra tôi, mẹ đã ở tuổi 43, nhưng so với anh chị em, tôi là người có thời gian ở cạnh mẹ nhiều nhất. Cũng vì vậy, có lẽ tôi là người được mẹ hiểu nhiều hơn và dạy bảo nhiều hơn. Bà dạy tôi lễ nghĩa, phép tắc. Dù thế nào, mỗi sáng thức dậy bà đều yêu cầu mọi người trong nhà phải chào nhau. Theo bà, sau một đêm ngủ dài, một câu chào như thế không mất gì, lại có thể nhắc nhở sự quan tâm và trách nhiệm lẫn nhau cho một ngày mới. Bà nhắc nhở cả chuyện ăn nói, đi đứng. Ngồi vào bàn ăn, chuyện trước nhất của người nhỏ là phải để mắt, quan sát những người xung quanh. Món nào ngon phải mời bố mẹ trước, có thể bố mẹ không ăn, nhưng đó là lễ giáo. Còn nếu phải chừa phần cho người về sau, thì phải chừa những món ngon hơn vì người về sau không có cái hạnh phúc được ngồi ăn chung với mọi người”.
Khi Thảo Vân lấy chồng, bố đã già, mẹ đã mất. Không còn ai có thể trực tiếp dặn dò con gái những phận sự của người vợ hiền dâu thảo, nhưng nền tảng gia giáo được tích lũy hàng ngày khi mẹ còn sống, cộng với môi trường sư phạm, nơi mình công tác đã giúp chị điều chỉnh những ứng xử phù hợp. Chị từng thần tượng một nội tướng giỏi như mẹ. Nhưng khi hôn nhân đổ vỡ, chị lại nghiệm ra sai lầm của mình chính là khi muốn trở thành nội tướng giỏi như mẹ. “Tôi thực hiện phần nào đấy vai trò nội tướng nhưng tôi làm không tốt”. Từ cuộc hôn nhân của mình, chị cho rằng gia đình là chuyện chung. “Bình đẳng là dấu ấn của văn minh, tiến bộ, tuy nhiên, tôi vẫn thấy người phụ nữ nên hướng về căn nhà hơn là ngoài xã hội. Ngoài đấy, dành cho chồng nhiều hơn. Đàn ông thường đại khái và đơn giản, không chi tiết như phụ nữ. Vì vậy khó mà chia đều công việc ra, rằng anh cái này, tôi cái kia”.
Cũng vậy, chị cho rằng, trong xã hội bây giờ, người chồng cần bớt dần gia trưởng, phải khoáng đạt hơn, cởi mở hơn, biết chấp nhận hơn... bởi thực tế theo chị là nhiều người vợ bây giờ rất giỏi, làm rất nhiều, thể hiện ở nhiều vị trí khác nhau, thậm chí những vị trí ấy còn cao hơn chồng. Cho nên, người chồng hiểu biết không được đòi hỏi vợ không được làm cái này, không được làm cái kia, hoặc tìm cách không cho vợ thể hiện khả năng của mình. Tất nhiên, vợ giỏi là điều đáng trân trọng, nhưng vợ cũng phải là người biết tiết chế mình hơn. “Nói một cách nghiêm túc, tôi không tin lắm vừa giỏi việc nước đảm việc nhà. Tôi vẫn nghĩ người ta vẫn phải hy sinh một phía nào đó. Không thể mơ rằng vừa ra ngoài làm quá tốt mà về nhà vẫn cơm dẻo canh ngọt, mọi thứ chỉn chu. Tôi không tin nổi chuyện đó và cũng không thể kham nổi chuyện đó, dù thực tế có thể có nhưng lại quá ít. Nếu chọn theo hướng gia đình thì bớt đi ra ngoài một tí và tôi vẫn nghiêng về vai trò người phụ nữ trong gia đình hơn”.
Nhiều người biết đến Thảo Vân từ khi chị là MC trong Gặp nhau cuối tuần của đài truyền hình Việt Nam. Bây giờ, mỗi cuối tuần không còn gặp nhau nữa nhưng khán giả vẫn thấy chị ở Vui khỏe có ích trên sóng HTV3 phát vào các sáng thứ Bảy hàng tuần, thấy chị xuất hiện trong chương trình câu lạc bộ thơ của đài truyền hình Việt Nam, trong Hãy hỏi và biết của VTC, đặc biệt trong chương trình Hiểu về trái tim của VTV, một chương trình hỗ trợ cho các em gái nghèo cần mổ tim. Thấy chị có sự đồng cảm sâu sắc với các nhân vật tham gia chương trình, nhiều người nhầm tưởng rằng, với chị, trái tim bây giờ không còn gì để không thấu hiểu. Vậy nhưng chị vẫn bảo “Chưa chắc đã biết, nhất là trái tim mình. Mỗi ngày mỗi tìm hiểu, khám phá trái tim mình nhưng cho đến giờ vẫn chưa dám nghĩ là đã hiểu”.
Chưa đặt mục tiêu đi bước nữa trong thời điểm này, nhưng khi nào có, đó là lúc chị biết chọn cho mình một người chồng hoàn hảo mức... vừa vừa. Với chị, người đàn ông ấy nếu không quá xấu về bản chất như lừa lọc, dối trá, vô trách nhiệm... dù có thể thêm một vài tính xấu khác, có thể xấu thêm mặt này mặt kia... nhưng không quá sống vì bản thân thì có thể là một nửa của chị trong tương lai. Đôi lúc nghĩ lại cũng thương Công Lý (diễn viên Công Lý - chồng cũ của Thảo Vân - PV), nhưng sau cuộc chia tay với chồng từ bốn năm trước, “giờ mình đã thanh thản lắm rồi! Nếu ai đó còn thấy đôi mắt tôi buồn chẳng qua đó là nét buồn được trời ban cho từ lúc ra đời”, chị nói.
Rất chân thành, Thảo Vân vui vẻ khẳng định như vậy, và nhìn chị, người đối diện có thể nhận ra ngay điều ấy.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.