edf40wrjww2tblPage:Content
Nguyên Khang nói, ngày còn bé, khi gia đình còn đủ bố và mẹ, anh thích nhất khoảnh khắc anh đàn cho bố mẹ nghe vào các buổi tối, bài Và con tim đã vui trở lại. Ngày ấy đã trôi đi rất xa, nhưng nhắc lại, giọng vẫn cứ cay cay. Gia đình gặp biến cố, chỉ còn mấy mẹ con anh nương tựa vào nhau trong cái đói, mẹ lại đang mang bệnh. Những bữa cơm của cả nhà thường chỉ có rau.
Khang nói, nhiều lúc mấy anh em nhìn người ta ăn thịt bò mà thèm đến rớt nước mắt. Mẹ không thể lao động nặng, chỉ có thể nhận trông trẻ tại nhà vào mùa hè để kiếm tiền. Ngoài giờ đi học, Khang phụ mẹ chăm trẻ. Hết hè, trẻ đến trường, công việc cũng dứt. Thu nhập từ trông trẻ trong ba tháng hè được mẹ chia ra, lo ăn trong cả năm. “Mẹ phải dành dụm lắm, ba hoặc bốn bữa mới dám mua một lạng thịt cho anh em tôi”, Khang hồi tưởng.
Năm lên lớp 10, Khang nhận dạy kèm. Ban đầu nhận dạy một chỗ, sau hai chỗ… Trưa nắng hay đêm mưa, anh vẫn đều đặn từ nhà ở Q.3 đạp xe đạp sang Q.Tân Bình để dạy. Anh nói, tới bây giờ anh vẫn không thể nào quên được khoảnh khắc cầm tháng lương đầu tiên về đưa cho mẹ. Đó không phải là niềm vui sướng khi được cầm số tiền mình làm ra trong tay, mà là hạnh phúc khi biết rằng mình đã có thể đỡ đần cho mẹ.
Số tiền ba trăm ngàn ấy, mẹ giữ hai trăm, còn một trăm đưa cho anh dằn túi để phòng khi đi đường. Nhưng, nó chẳng bõ bèn gì khi mẹ nằm viện. Rất nhiều ngày Khang như con thoi, đi học, đi dạy, vào Bệnh viện Ung Bướu trông mẹ. Ở bệnh viện có các suất cơm từ thiện dành cho người nghèo, Khang luôn có mặt trong hàng người xếp hàng chờ cơm. Nhiều dịp lễ, các đoàn từ thiện đến thăm, tặng quà bánh, Khang và mẹ tự nhủ: đời vậy cũng là vui.
Mẹ nằm viện không phải một, hai ngày nên hình ảnh cậu thiếu niên vừa ngồi bên giường bệnh trông mẹ vừa học bài không còn xa lạ với những bệnh nhân cùng phòng ngày ấy. Sau này, khi có cơ hội, Khang lại tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhất là các hoạt động từ thiện tại Bệnh viện Ung Bướu. Tự trong tiềm thức anh, đó là nơi không chỉ có những mảnh đời cần được giúp đỡ, mà còn là nơi anh muốn đền đáp lại ân tình ngày xưa mình đã nhận.
Nguyên Khang nói, đời anh chưa bao giờ có quãng nào được trải hoa hồng. “Những cái mà tôi đang có, tôi phải nỗ lực đến trầy vi tróc vảy. Người ta nỗ lực một thì tôi phải nỗ lực mười”, anh nói. Ngay từ bé, dù nhà thiếu ăn và anh thiếu ngủ, nhưng chưa bao giờ anh học hành thua sút bạn bè mà luôn nằm trong nhóm top ba của lớp, của trường.
Người ta biết Nguyên Khang là MC bước ra từ Đại học Bách khoa, nhưng ít ai biết thành tích học tập của Khang. Khi tiếp cận được thông tin về các suất học bổng, Khang bắt đầu đi “săn”. Năm lớp 10, anh “trúng” một suất du học ở Mỹ. Người ta đài thọ cho anh toàn bộ học phí nhưng không tài trợ sinh hoạt phí. Khang đắn đo, rồi từ chối. Đến miếng ăn từng bữa cũng là nỗi lo, lấy tiền đâu để lo sinh hoạt phí trên đất Mỹ!
Thế nhưng Nguyên Khang vẫn “săn” những thứ mình có thể với tới. Từ học bổng của trường dành cho sinh viên xuất sắc đến các học bổng trong nước, nước ngoài như của Hiệp hội doanh nghiệp Singapore, Sacramento (Mỹ), học bổng khuyến tài TP.HCM, Arebco (Pháp), học bổng hội sinh viên Việt Nam, học bổng các trường Anh ngữ: ILA, Cleverlearn, VATC..., Khang đều đạt được.
Khang và em gái khi còn nhỏ
Không chỉ muốn học trong trường, Khang còn muốn mình được học ở trường đời, ở các môi trường phát triển. Ứng cử và sau khi được kiểm tra, Khang trở thành gương mặt tham gia các chương trình cộng đồng quốc tế: tình nguyện viên tại SEA Games 22, đại diện thanh niên Việt Nam tham gia tàu thanh niên Đông Nam Á, đại diện cho thanh niên châu Á tham dự Tuần lễ quốc tế tại Nhật Bản, là “sĩ quan liên lạc” cho Bộ Thương mại tại APEC - SOM II năm 2006, đại diện cho Trường Đại học Bách khoa TP.HCM tham dự chương trình Lãnh đạo thanh niên châu Á vào năm 2005 tại Hàn Quốc. Anh cũng là một trong những sinh viên xuất sắc tham dự Diễn đàn thanh niên thế giới (trong khuôn khổ Diễn đàn đô thị thế giới tại Vancouver - Canada)…
Ngay cả việc trở thành MC, thực ra cũng là cách Khang muốn vượt qua chính mình. Anh vốn có khiếm khuyết về phát âm, không chỉ không chuẩn mà còn nói lắp và nói… vô duyên, như anh tự nhận. Năm 2006, Khang đánh liều đi thi Người dẫn chương trình truyền hình. Không đoạt giải cao, nhưng đó là bước đầu tiên đưa anh đến với vai trò MC.
Sau khi đoạt giải cuộc thi Cầu vồng do VTV6 tổ chức, Khang chính thức bước vào “nghề nói”. Cho đến khi ấy, anh vẫn chưa thôi rèn mình. Mỗi ngày anh tập nói trước gương, thu âm, xong phát lại nghe để tìm ra khuyết điểm của mình mà cải thiện. “Nghĩ lại, tôi thấy mình đúng là có máu liều. Cứ cái gì khó là lại muốn làm cho bằng được”, anh chia sẻ.
Nguyên Khang không muốn nói đã làm gì cho mình và cho gia đình. Ngay cả với những người thân, chỉ khi khó khăn được anh giải quyết xong thì anh mới chia sẻ. Một tay Khang lo cho mẹ có chỗ ở tươm tất hơn, thuốc uống đủ đầy hơn; cô em gái Anh Kim có tiền học tiếng Anh, thi đậu trường chuyên Lê Hồng Phong và nhận được học bổng du học Mỹ; lo cho em gái út lập gia đình…
Trong một lần nói về anh mình, Anh Kim - hiện đã tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh của trường đại học Florida (University of Central Florida - Mỹ), đang làm việc và định cư tại Mỹ - cho biết, việc cô được đi du học khiến Nguyên Khang vui như chưa từng có gì vui hơn, như thể anh gửi gắm cả niềm tiếc nuối vì lỡ chuyến du học Mỹ ngày nào vào em gái mình.
Anh Kim cũng chỉ được tài trợ học phí mà không phải cả sinh hoạt phí. Khi biết điều ấy, Khang động viên em đi học cùng với lời hứa sẽ lo được cho em. Bao nhiêu cát-sê sau đó được Khang để dành, gửi qua Mỹ.
Nguyên Khang, mẹ, và vợ chồng em gái út rạng rỡ trong đám cưới của em gái Anh Kim
Cho đến bây giờ, dù là MC có cát-sê cao của các chương trình truyền hình phát trong khung giờ vàng, Khang vẫn chưa quen được việc chi tiêu thoải mái. “Có lẽ vì những ngày nghèo khó đó mà tôi cũng “keo” lắm”, Nguyên Khang dí dỏm. Ngày trước, dù đã đi làm MC và kiếm được tiền nhưng anh không bao giờ dám may cho mình chiếc áo vest tử tế, toàn đi thuê chỗ rẻ. Anh cũng chưa bao giờ có nhu cầu hưởng thụ nhiều cho riêng mình, chỉ cần cuộc sống có những nhu cầu cơ bản, là đủ.
“Tôi vừa canh đợt giảm giá của anh Trí (NTK Công Trí - PV), qua lượm liền vài cái áo”, Khang cười vui. Anh vẫn không mua cho mình bộ quần áo thật đắt tiền. Anh không đến ăn ở những nơi sang trọng, không sử dụng những phương tiện di chuyển “sành điệu” dù anh đủ khả năng để làm.
Khang nói, anh yêu sự bình dị như thể nếu khác đi, anh thấy mình trở thành kẻ dị hợm. Tâm nguyện của Nguyên Khang, nhu cầu của anh dừng ở một điều thiêng liêng khác: mẹ có một cuộc sống vui. Mong ước của anh là mua được một căn nhà thoáng đãng cho mẹ ở, mỗi năm anh đều cố gắng đưa mẹ sang Mỹ thăm em gái.
Nguyên Khang tự nhận mình còn nhiều khiếm khuyết và vẫn đang học từng ngày. Nhưng, ở vai trò người con, anh đã mang đến cho mẹ niềm tự hào.
VÕ HÀ