Mấy ngày tết, mẹ chẳng khác gì người giúp việc

01/02/2025 - 06:43

PNO - Tết là dịp sum vầy, nghỉ ngơi, du xuân, nhưng với không ít phụ nữ, đây lại là chuỗi ngày “lao động khổ sai” không hồi kết bên gian bếp, mâm cỗ cúng kiếng, tiếp đãi họ hàng, bạn bè...

Tết - phụ nữ luôn tất bật trong bếp. Ảnh Freepik.com
Tết - phụ nữ luôn tất bật trong bếp (ảnh: Freepik.com)

Tết, vốn là dịp để mọi người sum vầy, nghỉ ngơi, tận hưởng những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình. Vậy mà, với nhiều người phụ nữ, đặc biệt là những người gánh vác trọng trách cúng kiếng, luôn có những nỗi niềm khó nói, những góc khuất lặng lẽ ẩn sau cái gọi là “không khí đoàn viên”.

Câu chuyện của mẹ tôi và có lẽ của rất nhiều người phụ nữ khác nữa, đã phơi bày một thực tế đáng buồn: tết đoàn viên, đôi khi lại trở thành gánh nặng oằn vai người phụ nữ. Từ nhỏ, tôi luôn háo hức chờ đón tết, nhưng 10 năm trở lại đây, cảm giác ấy dần thay bằng nỗi ngán ngẩm, sợ hãi. Bởi lẽ, tết đồng nghĩa với việc mẹ tôi phải nai lưng ra "cơm nước, cúng kiếng" phục vụ cả dòng họ.

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày cuối năm và mùng 3 tết, nhà tôi lại bày biện mâm cao cỗ đầy, 4 bàn tiệc thịnh soạn để cúng ông bà và đãi họ hàng. Mẹ tôi, một mình lo liệu tất cả, từ bánh chưng, nem rán, thịt đông, thịt gà, canh măng, xôi gấc… nào có món nào đơn giản. Trước tết cả tuần, mẹ đã phải lên thực đơn, tính toán chi li từng món, ước lượng khách khứa để mua sắm đầy đủ.

Tết tôi chỉ quanh quẩn ở nhà để phụ mẹ nấu nướng, dọn dẹp. Ành Freepik,com
Tết tôi chỉ quanh quẩn ở nhà để phụ mẹ nấu nướng, dọn dẹp (ảnh: Freepik.com

Thế nhưng, khi mâm cỗ đã dọn ra, mẹ tôi gần như "mất hút" trên bàn tiệc. Mẹ tất bật tiếp đồ ăn, dọn dẹp. Còn các bác, các cô, họ hàng thì ung dung ngồi ăn uống, trò chuyện rôm rả. Chẳng ai ngó ngàng đến sự vất vả của mẹ, cứ như thể việc nấu nướng, dọn dẹp là "thiên chức" của người phụ nữ, của con dâu như mẹ tôi.

Khi anh em tôi lớn lên, rồi anh Hai lấy vợ, mẹ có thêm người phụ giúp, nhưng cũng chỉ là "con kiến cõng con voi". Bởi lẽ, tư tưởng "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Họ mặc định việc bếp núc, quán xuyến nhà cửa là của phụ nữ, đàn ông chỉ cần "xông pha sự nghiệp".

Vì thương mẹ, nên 5-6 năm qua, những ngày tết tôi chẳng đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ nấu ăn, dọn dẹp. Nhiều lần tôi bức xúc muốn lên tiếng, đề nghị mọi người cùng xắn tay áo vào phụ giúp, nhưng mẹ ngăn cản: "Mẹ làm được, mẹ quen rồi, thấy mọi người ăn ngon là mẹ vui lắm". Câu nói ấy nghe sao mà xót xa! Phải chăng, vì sự cam chịu, hy sinh của người phụ nữ mà nhiều người đã "vô tư" hưởng thụ, coi đó là điều hiển nhiên?

Nhìn mẹ tất bật quanh năm, đến tết cũng chẳng được nghỉ ngơi, tôi thấy thương mẹ vô cùng. Tết - đáng lẽ là dịp để sum vầy, tận hưởng niềm vui, sao lại biến thành chuỗi ngày "hành xác" người phụ nữ như vậy?

Mẹ của Liên - bạn tôi ở tỉnh Đắk Nông cũng vậy. Mẹ Liên phải gồng mình lo liệu bữa ăn cho gia đình 2 cô em chồng từ Sài Gòn về quê ăn tết. Suốt mấy ngày tết, mẹ Liên chẳng khác nào người giúp việc, luôn chân luôn tay phục vụ, đến mức chẳng có thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện cùng con cái.

Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình? Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư tưởng, hành động để san sẻ gánh nặng, để tết thực sự là dịp nghỉ ngơi, đoàn viên, vui vẻ cho tất cả mọi người?

Bữa cơm sum họp ngày tết vốn là nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nhưng đừng để nét đẹp ấy bị bóp méo bởi sự ích kỷ, vô tâm. Hãy để tết là dịp để yêu thương, sẻ chia, để mỗi thành viên trong gia đình đều cảm nhận được hơi ấm tình thân, chứ không phải là nỗi ám ảnh, sợ hãi của bất kỳ ai.

Song Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI