May mắn vì nghèo

13/03/2017 - 08:22

PNO - Nghèo khó đã tạo nên một động lực mạnh mẽ giúp tôi bước từng bước chậm rãi nhưng vững chãi vào đời.

“Nghèo khó là mái trường đầu tiên mà con đã được học, và khi tốt nghiệp được rồi thì không còn điều gì mà con không thể vượt qua được”, ấy là lời mẹ thường nhắc nhở khi tôi còn nhỏ. Ngày đó tôi nghĩ đấy là câu an ủi, nhưng đến bây giờ, tôi nhận thấy mọi thứ đều có giá trị của nó và tôi thầm nhủ: may mà hồi đó nghèo!

May man vi ngheo
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyện giàu nghèo là đề tài muôn thuở, nói một lời cũng là thừa mà ngàn lời thì không đủ. Dù muốn hay không thì chúng ta phải chấp nhận rằng, những đứa nhà nghèo thiệt thòi hơn rất nhiều so với những nhà khá giả. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, thì khi mất đi nghĩa là đang nhận được.

Nhà tôi nghèo, vừa nghèo vừa không hạnh phúc đầm ấm, ba tôi nghiện rượu nặng. Cái sự nghèo đi đôi với khổ, ảnh hưởng tới mọi bề, từ những chuyện nhỏ đến những chuyện không nhỏ.

Những ngày còn ở trường làng, tôi luôn ở trạng thái thèm. Thèm những món quà bánh, thèm hộp sữa, thèm những chiếc cặp đủ màu của bạn, những bộ áo quần trắng tinh tươm của học trò, thèm có chiếc đèn ông sao trong đêm trung thu, thèm những đưa đón đến trường trên chiếc xe máy… cho đến những bữa cơm đầm ấm gia đình, thứ mà mãi đến sau này tôi vẫn thèm. Cái sự thèm thuồng đó, cùng với những lời động viên của mẹ, hun đúc nên một sự cố gắng trong vô thức.

Tôi không có nhiều bạn bè vì tự ti nhà nghèo, không dám đi sinh nhật bạn vì không tiền mua quà. Nếu ai đó mời, tôi giả lơ, rồi dần dần chẳng còn ai mời. Dĩ nhiên, tôi chẳng bao giờ tổ chức sinh nhật, vì quá xa xỉ, và dần dần tôi cũng quên mất ngày sinh nhật của mình. Tôi không đi chơi, con đường quen là con đường từ nhà đến trường, vậy thôi.

Năm vừa vào lớp 6, tôi nhờ mẹ chở ra chợ huyện mua một cuốn từ điển tiếng Anh, ấy là món quà đầu tiên tôi dám xin mẹ bởi nhận được một món tiền thưởng sau khi đoạt giải học sinh giỏi cấp I. Bây giờ tôi còn giữ cuốn sách có giá 60 ngàn đồng ấy. Rồi sau đó là một chiếc xe đạp khi vào lớp 10 (ngày đó gọi là xe mini), cũng từ phần thưởng đi thi học sinh giỏi. Rồi sau đó nữa, bằng tiền học bổng tôi tự mua sách vở cho mình, và thỉnh thoảng còn đem tiền về tặng mẹ.

Nhờ cố gắng, tôi đậu vào đại học Y Dược và Bách khoa. Cũng vì sợ túng thiếu mà tôi đắn đo không biết chọn trường nào, và điều đáng buồn là tôi ưu tiên trường ”rẻ” thay vì trường mình thích. Có lẽ bằng vào những nỗ lực trong suốt 18 năm, tôi may mắn nhận được học bổng để theo học y, ngành tôi thích học hơn. Từ dạo đó, tôi bắt đầu nhìn nhận lại lẽ được mất ở đời.

Vào đại học, không tiền nên không mua nổi một đôi giày ”hàng fake”, tôi chỉ mua được những thứ để ”gắn vô chân nhìn giống giày”. Hậu quả là những lần đi bộ xa vài cây số trong thành phố lớn, chân rộp lên khủng khiếp. Cái nghèo khó, lại một lần nữa đi đôi với cái khổ. Ở giữa xã hội kim tiền, tôi nhanh chóng nhận ra rằng đồng tiền lạnh lẽo ấy không chỉ quan trọng cho chuyện mưu sinh mỗi ngày, mà còn tạo nên tiếng nói. Và bắt đầu tự thân vận động, tôi học mọi thứ có thể học và làm mọi việc có thể làm.

May man vi ngheo
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên đi làm thêm, kiếm được 200 ngàn mà hạnh phúc vô cùng. Người giới thiệu việc làm cho tôi thấy vậy, bảo là em đem ép đồng tiền đó, cất đi để làm kỷ niệm, để lưu giữ cảm xúc lần đầu tiên tự tay làm ra tiền. Tôi liền làm theo. Năm sau đó, trong cơn thiếu tiền rất thường gặp của sinh viên, tôi đem kỷ niệm tống vào dạ dày cho qua cơn đói.

Nhờ một chút tự ti nhà nghèo đó, cùng với sự chăm chỉ đều đặn, dần dần tôi tự kiếm đủ tiền để trang trải cho mình và sống tự lập. Hơn vậy, tôi được nhiều sự giúp đỡ, được quen biết với nhiều người và học được vô vàn điều tử tế giữa người với người.

Nghèo khó đã tạo nên một động lực mạnh mẽ giúp tôi bước từng bước chậm rãi nhưng vững chãi vào đời. Không ai hiểu được cảm giác của một đứa học trò nghèo bằng một đứa học trò nghèo, cảm xúc tự ti và tủi hổ có khi sẽ khiến nó co rụt đi, trốn tránh tất cả và thậm chí muốn tự vẫn. Tôi đã gặp những đứa em cùng quê, nhà khó khăn trong những đợt bão lũ ùa về, nó bảo “em vô dụng quá, chỉ muốn chết đi cho khỏe”, hay nức nở “em làm gì nên tội, sao ông trời hành em như vậy”… Lúc tôi im lặng, lúc tôi khuyên cứ từ từ mọi chuyện sẽ qua. Trong những phút yếu lòng nhất, chúng ta chỉ còn cách đổ lỗi cho số phận. Khi đi dưới cơn mưa, có kẻ cáu kỉnh vì ướt quần ướt áo, cũng có kẻ hân hoan vì được tắm mưa mát mẻ.

Dẫu sao, tôi tin rằng đời không cho ai tất cả, cũng không lấy hết của ai điều gì. Kẻ ăn mày lang bạt trả nợ đời để xã hội biết rằng có người cùng khổ, rồi một ngày họ có nằm nhắm mắt bên góc đường, thì họ cũng đã một đời gieo rắc chữ tình vào nhân gian. Dù không chọn được nơi mình sinh ra, nhưng mong rằng những ai đang gặp nghèo khổ, mất mát cứ giữ cho mình một chữ tâm trọn vẹn, cứ gieo chữ tình vào lòng người rồi một ngày niềm vui cũng tìm đến. Tôi có tuổi thơ nghèo khó, nhưng lại có người mẹ dạy tôi thành nhân, một quãng đường nỗ lực cố gắng đầy màu sắc và thú vị.

Bây giờ, tôi thấy may mắn vì ngày đó mình nghèo.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI