May mà còn có quê để về

16/06/2018 - 14:00

PNO - Năm nào bạn bè cũng trố mắt ngạc nhiên khi cứ đầu hè là vợ chồng tôi lại cho các con về ngoại. Có được và mất, nhưng tôi đã chọn, vì cháu vui - ông bà vui...

Năm nào bạn bè cũng trố mắt ngạc nhiên khi cứ đầu hè là vợ chồng tôi lại cho các con về ngoại. Nhưng tôi tin, được về quê ngoại nghỉ hè là may mắn lớn nhất của các con, nói như lời cô con gái lớn của tôi “may mà còn có quê để về...”.

May ma con co que de ve
Những ngày hè của con tôi ở nhà ngoại - Ảnh: Tấn Minh


1. Cái được lớn nhất có lẽ là thiên nhiên, không khí trong lành, mối quan hệ ông bà cháu.

Cháu về vui, ông bà cũng vui. Dù đôi khi bỏ những lớp hè, những kỹ năng mong muốn con biết thêm, tôi cũng tiếc. Nhưng cân nhắc giữa được và mất, tôi quyết định cho con về ngoại nghỉ hè.

Mọi năm, khi đưa con về ngoại, tôi hy vọng mấy đứa nhỏ sẽ tự lập hơn, biết chia sẻ công việc, chia sẻ cả đời sống giản dị của ông bà. Về quê, tụi nhỏ biết cây này cây kia, biết con rắn mối không độc, biết con tò vò; biết sau mưa mấy tổ mối bị vỡ, lũ mối thành kẻ không nhà bay tan tác thật tội nghiệp. Ở phố, bọn trẻ nằn nì mãi xin nuôi một con chó nhưng không được cho phép. Về đây, chúng được chơi với chó mèo, gà vịt... 

May ma con co que de ve
Ba đứa con tôi ở thành phố là những công tư tiểu thư, khi về quê trở nên đảm đang bất ngờ 


Tất nhiên không phải điều gì ở quê ngoại cũng hoàn hảo. Khí hậu nóng, nhiều côn trùng khiến tụi nhỏ sợ nhưng cũng quen dần. Ngay cả ăn uống, sẽ có nhiều thứ trẻ quen ăn không tìm được ở đây. Trẻ cũng quen cả với chuyện thiếu thốn, không phải cái gì mình muốn cũng có thể có ngay lập tức...

Từ quan sát của mình, tôi đoán một ngày nào đó, quê nhà xa xôi sẽ không còn là nơi bọn trẻ háo hức được về nữa. Và sợi dây kết nối giữa chúng với ông bà, với quê hương rồi cũng sẽ dần xa. Vì vậy được ngày nào hay ngày đó. Hoặc biết đâu nếu tôi giúp các con kết nối sớm với ông bà, quê nhà, sau này bọn trẻ sẽ còn chút gì để nhớ…


2. Suốt mùa hè, các con chỉ quanh quẩn đọc sách trong khuôn viên vườn nhà ngoại. Nếu bà đi chợ thì có ông, nếu ông đi ăn giỗ hay làm việc thì có bà. Bọn trẻ luôn trong tầm mắt của người lớn.

Các con mang về một cái iPad nhưng mỗi đứa chỉ được chơi 15 phút mỗi ngày dưới sự giám sát của bà ngoại. Thời gian còn lại trong ngày, mấy bà cháu bày việc nhà ra làm. 

Nói chung, để con phân tâm với iPad, phải kiếm chuyện cho trẻ làm. Ví dụ như bày con làm nhà chim, dọn nhà, xếp quần áo, phơi đồ, cho chó ăn hoặc ngồi chơi ma sói với con… để con không còn thời gian rảnh. 

Và cứ thế, thành một thói quen, cứ đến hè là các con về ngoại...

Tấn Minh (Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI