May có người cha "tào lao" mà con gái trở thành bà chủ tự tin và xinh đẹp

03/10/2016 - 11:30

PNO - “Cũng may ông chồng tôi làm chuyện “tào lao” nên ngày giờ này con gái tôi mới thành bà chủ tự tin và xinh đẹp”.

Tuyết Mai là học sinh lớp 12 của tôi 15 năm trước. Trước đó nữa, tôi là gia sư của em từ những năm em còn học… mẫu giáo.

Cái thuở chuyện học thêm nở rộ cũng như việc “chạy” vào trường chuyên lớp chọn diễn ra rất “xôm tụ”, với ông Phúc, ba của Tuyết Mai thì “chẳng có gì phải ầm ĩ”. Ông chủ trương “học theo sức của con, miễn sao mỗi năm lên lớp là được”. Trong khi đó, bà Phúc, mẹ của Tuyết Mai luôn “vin” vào lý do “chỉ có đứa con gái duy nhất” nên hỏi tôi những “đường dây” để chạy vào trường chuyên, hoặc ép Tuyết Mai phải học để “bằng con người này, cháu người kia”.

Thuở đó, bậc tiểu học chưa có chương trình Anh văn tăng cường, bà Phúc đã mời tôi về dạy cho Tuyết Mai những chữ cái đầu tiên của tiếng Anh. Chuyện học thêm ngoại ngữ, ông Phúc không nói gì, nhưng khi nghe đến “động từ” chạy vào trường X, Y… là ông phản đối.

Nhiều lúc hai ông bà gây gổ nhau trước mặt cô gia sư là tôi. Ông nói: “Bà làm chuyện tào lao, con học theo sức của nó. Con học chứ có phải bà học đâu mà bà phải lên kế hoạch rầm rộ rồi ép con. Như thế có bất công quá không?”.

May co nguoi cha
Ảnh mang tính minh họa. Internet

Bà thì nói ông Phúc làm chuyện tào lao khi thay vì chở con tìm thầy cô học thêm lại đi chở con đến nhà văn hóa thiếu nhi xem kịch, nghe nhạc, tham gia các cuộc thi kể chuyện. Ngày Chủ nhật ông chở Tuyết Mai đến nhà sách lựa sách thiếu nhi cho con đọc. Ông vào những hiệu sách cũ, mua sách viết bằng tiếng Anh dễ hiểu và khuyến khích con dịch. Ông luôn nói với bà: “Dạy con học, hướng dẫn con lớn lên chứ không phải “lưu đày” con trong đống bài tập!”.

Ông Phúc không phải là người ít học. Ông là kỹ sư điện và vợ ông là một tiểu thương, chủ sạp vải tại chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM). Nể chồng, không làm gì được đứa con gái theo kế hoạch của mình, bà “giận lẫy”, để mặc hai bố con làm sao thì làm…

Tuyết Mai học những trường gần nhà, theo tuyến. Lên cấp III em vào một trường công lập khá nổi tiếng, tuy không phải trường chuyên. Em học bình thường, mỗi năm mỗi lên lớp. Và đến năm lớp 12, em nói em thích học nghề trang điểm, thế là mặc bà Phúc phản đối, ông Phúc chấp nhận cho Tuyết Mai không thi đại học mà đóng tiền học trang điểm tại Nhà văn hóa Phụ nữ sau khi tốt nghiệp THPT.

Học được một khóa, Tuyết Mai bắt đầu đi làm để lấy kinh nghiệm và có tiền mua mỹ phẩm cũng như đóng học phí học khóa tiếp theo. Nhờ khéo tay và có khả năng ngoại ngữ, em đã nghiên cứu những sách báo tư vấn thẩm mỹ của nước ngoài để phục vụ từng đối tượng có những khuôn mặt khác nhau, làn da và cả chân mày, màu tóc… Không lâu sau em đã mở tiệm và tự làm chủ. Đến lúc này, em mới thi vào lớp cử nhân Anh văn buổi tối để học đại học.

Giờ đây, Tuyết Mai đã là chủ một Spa thẩm mỹ tại Q.10, em tiếp xúc thoải mái với các khách hàng nước ngoài vì tiếng Anh lưu loát. Gặp lại tôi, bà Phúc cười vui có chút e thẹn: “Cũng may ông chồng tôi làm chuyện “tào lao” nên ngày giờ này con gái tôi mới thành bà chủ tự tin và xinh đẹp”. Bà hãnh diện khoe: “Cháu hay đi nước ngoài để học hỏi thêm. Và mỗi lần về là có một phương pháp làm đẹp mới cho khách hàng”.

Với Tuyết Mai, nhắc lại thời ba mẹ thường xuyên cãi nhau, em chỉ cười: “May mà em có ông bố biết làm chuyện tào lao nhưng ích lợi với con cái”.

Nguyễn Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI