Lúc mới quen nhau, Diệu đã mừng thầm trong bụng khi nghe anh kể: nhà có bốn anh em trai nên đứa nào cũng thành thạo chuyện bếp núc. Diệu mừng chẳng phải vì anh biết nấu ăn, có thể đỡ đần vợ sau này mà vì một lẽ khác.
Từ nhỏ, Diệu đã chứng kiến cảnh “nồi da xáo thịt” giữa mẹ và o Liền, càng thấm thía hơn câu nói của người miền Trung quê Diệu: “một trăm ông chú không lo, chỉ lo một chút mụ o nhọn mồm”.
|
Nhà không có con gái nên con trai rất đảm đang |
Nhà anh không có con gái nghĩa là Diệu sẽ tránh được mối quan hệ nhạy cảm này. Vì thế, Diệu khá thoải mái khi tiếp xúc với mấy ông chú. Nghe anh kể, chú út ít nói, ưa sạch sẽ, nấu ăn ngon nhất nhà nhưng rất kĩ tính.
Do mẹ anh bận ngoài đồng nên chú út đi chợ nấu cơm để đãi khách. Diệu xuống bếp phụ giúp nhưng chẳng biết làm gì. Mọi thứ chú út đã sắp xếp đâu vào đấy, đụng vào thêm thừa thãi. Bởi thế, sau khi ăn xong, Diệu tranh phần rửa chén. Nhưng chén vừa rửa úp chưa ráo nước đã thấy chú út lặng lẽ xuống bếp ngửi từng cái rồi rửa lại toàn bộ. Một hành động đó thôi đã làm Diệu thấy chột dạ.
Sau này cưới xong, mỗi lần về nhà chồng, Diệu không ngại ba mẹ mà luôn dè chừng với chú út. Bởi làm cái gì không vừa ý, chú không ý kiến ngay nhưng âm thầm đổ bỏ hoặc tự mình làm lại. Áo quần phải phơi đúng thứ tự số móc mới chịu chứ phơi nhầm cũng nên chuyện.
Miếng xốp rửa bát phải vắt kiệt đến khi không còn chút bọt nào mới đạt tiêu chuẩn, nồi niêu lúc nào cũng phải đánh sạch bong dù nhà nấu bếp củi. Thau rửa bát và rửa rau phải phân biệt rõ ràng, nếu lỡ nhầm là hôm sau chú mua ngay thau mới. Bất cứ ai vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh là chú liền vào lau dọn, dội nước. Hễ chú đi làm thôi chứ về nhà là tất bật dọn dẹp không biết mệt mỏi.
Làm dâu đã hơn ba năm mà Diệu vẫn không hiểu chú út nghĩ gì, chỉ biết nhắc con mỗi lần về nhà nội: “đừng có đụng vào đồ của chú út nghe không” bởi sách trên giá chú đã ghi nhớ vị trí từng quyển, ly uống nước đừng để sai chỗ mà nhầm lẫn. Chẳng biết có phải vì tính tình như vậy mà gần 30 tuổi, chú út vẫn chưa có người yêu.
Tính chú út như vậy cũng có cái hay, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, mỗi lần nhà có giỗ, mấy chị dâu nhàn tênh bởi chú đã lo liệu toàn bộ từ thực đơn đến nấu nướng. Chỉ có điều, các cháu về nhà ông bà chơi không được thoải mái vì sợ bày bữa trái ý chú. Có đứa đang chơi xếp hình vui vẻ, nghe tiếng xe chú về ngoài cổng đã phải vội vàng thu dọn.
Hiếm đứa cháu nào dám đùa giỡn với chú út hay vô tư ngồi vào lòng mượn xem điện thoại như chú ba, chú tư. Còn Diệu, mỗi lần vào bếp nấu cơm đều phải nhìn trước ngó sau, ghi nhớ vị trí từng lọ gia vị vì sợ đặt sai chỗ làm chú khó chịu. Bởi vậy, dường như giữa chú út và anh em, con cháu trong nhà cứ có khoảng cách nhất định, không gần gũi thân thiết được.
|
Chú út rất ít nói, kỹ tính. Ảnh minh họa |
Khác với Diệu, nhà chồng Hà có 4 anh em, ba trai một gái, khi Hà cưới thì mọi người đã yên bề gia thất. Vợ chồng em trai thứ hai “xung phong” sống chung với ba mẹ nên Hà đỡ cảnh làm dâu dù chồng là con cả. Mấy anh em đều sống gần đó nên thỉnh thoảng vẫn tụ tập ở nhà ông bà ăn uống cuối tuần.
Khi vợ chồng bận việc thì đem con sang gửi, thậm chí tạt qua ăn cơm rồi về. Nhưng đó là chuyện của mấy năm về trước, lúc ba mẹ chồng Hà còn sống chứ bây giờ chú em chồng tính phí luôn những lần qua chơi đó. Ví như, anh chị em qua ăn uống, ngoài mua đồ về tự nấu thì nhớ tính luôn tiền ga, tiền nước, tiền điện, tiền gia vị thậm chí tiền khấu hao đồ dùng chứ ai chịu phần đó.
Ngày giỗ ba, mỗi người góp một phần nhưng chú nhất định phải lấy thêm 700 ngàn tiền địa điểm bởi mọi người xong việc ai về nhà nấy chứ vợ chồng em phải còng lưng dọn dẹp. Nghe chú nói có vẻ chướng tai, chồng Hà bực mình bảo: “chứ cái nhà này là của ba mẹ để lại, có ai đòi chia chác gì đâu mà giờ mày tính toán này nọ”, chú im lặng không nói.
Hồi trước, chú mấy lần tỏ ra khó chịu khi Hà đưa con qua ăn cơm với ông bà nhưng chú sợ ba mẹ không dám nói, chỉ đánh tiếng xa gần: “qua ăn mãi mà không biết ngại”. Chú đâu biết mỗi lần như vậy Hà đều gửi tiền lại cho mẹ chồng đi chợ. Giờ ba mẹ mất, chú trở thành chủ ngôi nhà nên mới lớn tiếng lộng hành.
Anh em không chấp nhưng tình cảm cứ thế mà nhạt dần, không mấy ai lui tới nữa. Hà nghĩ, mấy trăm ngàn có làm người ta giàu thêm được đâu mà chú tính toán như thế. Anh chị em đâu phải không biết điều, có lần nào qua nhà mà không mua cho con chú thứ này thứ kia.
|
Anh em tính toán với nhau làm chi |
Đi chợ mua đồ về liên hoan cũng cố tình mua dư dả thức ăn để nhà chú thím tuần sau khỏi lo tiền chợ. Mỗi lần đám giỗ, tiền người ta đi thắp nhang cho ông bà có ai hỏi đến, chẳng phải chú thu cả đấy sao. Hà thấy tiếc cái tâm trạng hồ hởi mỗi lần về nhà chồng sum họp anh em trước đây giờ thay bằng cảm giác đắn đo nặng trĩu khi phải đến ngôi nhà ấy.
Minh Anh