edf40wrjww2tblPage:Content
Ảnh minh họa đường bay máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines - Ảnh: AFP
Hãng hàng không Malaysia Airlines ngày 8/3 ra thông cáo cập nhật tình hình vụ máy bay 777-200 của hãng này mất tích, theo đó không có người Việt Nam trên máy bay này.
Máy bay Boeing 777-200 (số hiệu MH370), chở 239 người, đã mất liên lạc sau khi cất cánh từ Malaysia để bay đến Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 8/3.
* Trao đổi với Thanh Niên Online, trung tá Phạm Hồng Soi, Trưởng ban tuyên huấn vùng 5 Hải quân cho biết vị trí máy bay máy bay 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi cách Cà Mau 120 hải lý.
Việc triển khai cứu hộ cứu nạn đang được các lực lượng chuẩn bị một cách tối đa, sẵn sàng ứng phó cứu hộ cứu nạn.
Máy bay rơi trong không phận Malaysia
Trả lời Thanh Niên Online, thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng, cho biết vị trí máy bay 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi cách đường tiếp giáp không phận giữa VN - Malaysia về phía Malaysia là 25 hải lý.
Như vậy, điểm máy bay 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi nằm hoàn toàn trong không phận Malaysia. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của VN đã hoàn toàn sẵn sàng, nếu có yêu cầu từ nước bạn sẽ triển khai cứu hộ.
Người phụ nữ được cho là người thân của hành khách trên chuyến bay bị mất liên lạc của hãng hàng không Malaysia Airlines lo lắng cho số phận người thân - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, nguồn tin từ Hải vùng vùng 5 xác định, vị trí máy bay rơi cũng nằm trong vùng biển của Malaysia.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết phía Malaysia, Singapore và Quân chủng Phòng không không quân VN, đang lên phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữa vùng FIR của TP.HCM và khu vực máy bay mất tích hiệu tại Malaysia.
Theo tìm hiểu, khu vực khoanh vùng tìm kiếm này này khoảng 100 km2, cách Cà Mau hơn 200 km.
3 trực thăng Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn
Nguồn tin từ Quân chủng Phòng không không quân VN cho biết đang triển khai cứu hộ cứu nạn vụ rơi máy bay ở Malaysia bao gồm: 3 trực thăng của trung đoàn 917, sư đoàn không quân 370 (đóng ở Cần Thơ).
Cụ thể: 2 chiếc trực thăng Mi 171 ở sân bay Cần Thơ đang chờ lệnh cất cánh.
Chiếc Mi -172 ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang đợi lệnh cất cánh, phối hợp 2 trực thăng ở Cần Thơ để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vụ máy bay rơi.
Máy bay Malaysia mất tích trước khi vào không phận Việt Nam Trao đổi với Thanh Niên Online sáng nay 8.3, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định máy bay của Malaysia đã mất liên lạc trước khi vào vùng FIR (vùng thông báo bay) của TP.HCM. Trước đó, chuyến bay này đã hiệp đồng với phía Việt Nam, thời điểm dự kiến chuyển giao theo hiệp đồng là 12 giờ 21 phút đêm qua 7/3 (theo giờ Việt Nam), máy bay sẽ bay qua không phận Việt Nam. Nhưng đến thời điểm đó, phía VN đã không liên lạc được với máy bay này. Ông Thanh cho biết theo thông tin ban đầu, phía Malaysia đã bắt đầu công tác tìm kiếm. Do phía Việt Nam chưa nhận quyền kiểm soát máy bay (khi bay qua không phận TP.HCM để thực hiện chuyến bay lên Bắc Kinh), nên hiện phía bạn chưa yêu cầu hỗ trợ. Nhưng Cục Hàng không Việt Nam cũng đã báo cáo cho các cấp có thẩm quyền, sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm khi Malaysia yêu cầu. (Mai Hà) FIR là gì? FIR là chữ viết tắt của “Flight information Region”, là “Vùng thông tin bay” hay “Vùng thông báo hướng dẫn bay”, một thuật ngữ hàng không dùng để mô tả một không gian khí quyển với những kích thước được xác định cụ thể mà máy bay qua vùng đó được cung cấp dịch vụ thông tin bay và dịch vụ báo động khi cần thiết. Ngày nay, bất cứ một phần không gian nào của bầu khí quyển cũng được phân định thuộc về một FIR cụ thể. Trong một số trường hợp, không gian khí quyển của nhiều nước nhỏ được gộp trong một FIR, mặt khác không gian khí quyển của những nước lớn lại được chia nhỏ ra nhiều FIR. Sự phân chia trách nhiệm giữa các đơn vị FIR này là do thỏa thuận quốc tế thông qua Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (International Civil Aviation Organization - ICAO). Không có một tiêu chuẩn nào về kích cỡ của FIR, mà chỉ do thuận tiện về quản lý của các nước liên hệ. FIR Hồ Chí Minh hiện nay bao gồm cả vùng hải phận quốc tế cũng như cả một phần vùng trời Lào và một phần vùng trời Campuchia. FIR Hồng Kông và FIR Hồ Chí Minh chia nhau trách nhiệm không gian khí quyển trên một phần của biển Đông. FIR Bangkok chịu trách nhiệm vùng trời Campuchia và vùng trời trên biển phía Nam nước ta. Các trung tâm thông tin bay hay trung tâm điều hành quản lý bay vùng FIR phải đủ điều kiện chứng tỏ khả năng quản lý, hướng dẫn, thông báo trên khu vực của mình đối với các hãng hàng không trên thế giới và được ICAO hỗ trợ đào tạo, tài trợ… Nếu vì lý do nào đó, mà một FIR không đảm nhiệm được vai trò của mình thì ICAO sẽ mở rộng phạm vi trách nhiệm của FIR lân cận. Các máy bay bay qua không phận của quốc gia nào thì phải trả tiền cho quốc gia đó theo thỏa thuận hợp tác của các bên với quốc gia có chủ quyền không phận đó. (Trung Hiếu) |
Theo Thanh Niên Online