Không chỉ là một vật chứa
Thời gian gần đây, với sự quay lại của CD, đĩa than, băng cassette..., phần thiết kế album đã được nhiều nghệ sĩ quan tâm.
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Thái Đức Anh - người đứng sau thiết kế của album CITOPIA của Phùng Khánh Linh - cho biết: “Đa số nghệ sĩ ngày càng chỉn chu hơn về mặt hình ảnh trong album của mình. Về CITOPIA, hãng đĩa Times Records, chị Phùng Khánh Linh và ê kíp đã lên kế hoạch cho khâu này từ nửa năm trước khi album ra mắt. Sau khi dự án phát hành, tôi đã đọc được khá nhiều phản ứng tích cực về phần thiết kế và thấy rất vui. Không chỉ vì đây là dự án đầu tiên đảm nhận mà còn là bởi bản thân và ê kíp đã hoàn thành rất tốt việc thể hiện màu sắc, ý tưởng và thông điệp của album thông qua phần hình ảnh”.
|
Các thành phần có trong phiên bản vật lý của album Gieo - Ảnh nhân vật cung cấp |
Phần thiết kế của Gieo được đề cử tại Grammy 2024 là tác phẩm của Duy Đào (Đào Đức Duy). Với dự án này, Duy Đào và ê kíp đã có nhiều sáng tạo đặc biệt. Mang màu sắc psychedelic rock, album có nhiều thông điệp của ban nhạc Ngọt, một trong số đó là hành trình trưởng thành và lớn lên của những người trẻ. Gieo như một “hạt giống” lớn dần từ các album phát hành trước đó nhưng cũng đồng thời tích lũy thêm nguồn năng lượng sáng tạo cho các đĩa nhạc sau này.
Album đã được thiết kế như chiếc ống dài, trong đó có nhiều thành phần gồm poster, thẻ lời hát (lyric card), tập sách ảnh (photobook), giấy ghi chú, CD, nhãn dán (sticker), hạt giống… Vì phần âm nhạc mang đậm chất liệu psychedelic của nhiều thập niên trước nên hình ảnh trong album cũng được thiết kế bám theo hướng đó, với hình dạng cong tròn, kiểu vẽ tay khó đọc, các rung động màu quang phổ cường độ cao được lấy cảm hứng từ phong trào Pop Art…
Ngoài poster, thẻ lời hát và nhãn dán có thiết kế đồng nhất, các phần khác cũng có vai trò tương đối riêng biệt. Chẳng hạn như giấy ghi chú được Ngọt sưu tầm từ sách vở cả cũ lẫn mới, có “niên đại” từ năm 1995 đến nay, để người nghe có thể viết ra suy ngẫm của mình và bỏ vào hộp. Hạt giống cũng được kèm theo để khán giả có thể gieo trồng cây xanh, như được quan sát quá trình lớn lên của bản thân họ… Album là ý tưởng về 1 chiếc hộp sẽ chôn xuống đất để có thể giao tiếp với tương lai trong nhiều năm nữa.
Không riêng Gieo, ngày càng nhiều album có các thiết kế đặc biệt, giúp tăng trải nghiệm thưởng thức tác phẩm. Chẳng hạn CITOPIA với ý tưởng về thế giới của một cô gái hiện đại, tự tin, năng động nên album cũng được thiết kế với nhiều vật phẩm, như vé máy bay, hộ chiếu, chứng minh thư… đại diện cho cuộc hành trình vào vùng đất mới.
Những sáng tạo này không chỉ kết nối với ý tưởng chung mà còn giúp “cá nhân hóa” người nghe, khi họ có thể điền thông tin của mình lên các vật phẩm nói trên, từ đó tạo mối liên kết có phần khắng khít giữa âm nhạc và trải nghiệm cá nhân.
Từng bước ra với quốc tế
Ngoài Duy Đào, nhiều nghệ sĩ sáng tạo nước ta cũng đang từng bước tạo ra dấu ấn riêng. Trong năm 2022, thiết kế fan-art (tác phẩm nghệ thuật do người hâm mộ thực hiện) của Nguyễn Thái Đức Anh và Neff Alfaro (Mỹ) đã được 2 nghệ sĩ lớn là Rina Sawayama và Lady Gaga chia sẻ trên Instagram. Đó là thiết kế cho dự án chung của 2 nghệ sĩ này nằm trong album Dawn of Chromatica.
|
Thiết kế của Nguyễn Thái Đức Anh và Neff Alfaro được Lady Gaga và Rina Sawayama chia sẻ. Ảnh: NVCC |
Trước khi hoạt động tại Việt Nam, Duy Đào đã có thời gian sinh sống, học tập, làm việc tại Mỹ. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, hợp tác với nhiều thương hiệu toàn cầu như Google, Facebook, Spotify, Apple Music… cũng như được mời nói chuyện, làm diễn giả ở nhiều hội thảo uy tín. Anh chia sẻ mình về Việt Nam vì muốn thế giới biết rằng giới thiết kế Việt Nam đang rất phát triển. Châu Á đang có một nguồn năng lượng sáng tạo rất mạnh và giờ là “thời điểm vàng” cho những nghệ sĩ lẫn nhà sáng tạo.
Một trong những mong muốn của anh chính là giới thiệu yếu tố con người - văn hóa Việt Nam ra quốc tế. Anh cho biết: “Việc có những thiết kế được bạn bè quốc tế biết đến mà trên đó có tiếng Việt cũng đã là một sự quảng bá văn hóa. Ngoài ra, tùy vào các chủ đề và đối tượng của từng dự án, nếu phù hợp thì chắc chắn tôi sẽ đưa vào đó các yếu tố Việt Nam”.
Nói thêm về những khó khăn của việc đưa các sản phẩm ra thế giới, Duy Đào cho biết thách thức duy nhất là giới hạn của bản thân mỗi người. Anh nói thêm: “Cứ tập trung trau dồi cùng nhau, làm việc cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Đừng nghĩ khó khăn vì xuất thân của bản thân mình. Mỗi nơi đều có những khó khăn và lợi thế riêng”.
Đồng ý với nhận định này, nhà thiết kế Nguyễn Thái Đức Anh chia sẻ: “Với việc các ấn phẩm vật lý đang dần thịnh hành trở lại và giới sáng tạo trẻ tại Việt Nam ngày càng phát triển, tôi tin chắc ngành thiết kế mỹ thuật cho các album sẽ được công nhận nhiều hơn từ giới chuyên môn quốc tế, từ đó có thêm những bước tiến lớn trong tương lai gần”.
Thuận Phát