Mấy ai hy sinh được như chàng rể nghèo này!

15/04/2017 - 11:00

PNO - Ở rể, hơn tám năm hy sinh chuyện con cái để cùng vợ chăm lo cho mẹ già và ba đứa cháu tật nguyền. Tình yêu thương, sự hy sinh của chàng rể nghèo Nguyễn Văn Nhân (SN 1983, quê Quảng Ngãi) khiến nhiều người khâm phục.

May ai hy sinh duoc nhu chang re ngheo nay!
 

Đi làm về, quần áo lấm lem bùn than, mồ hôi ướt đẫm, vừa bới chén cơm chưa kịp ăn, nó lại lăng xăng ẵm thằng Hồ đi vệ sinh rồi giặt luôn mớ đồ dơ mà thằng Hồ trây trét. Quay vào, nó lùa vội chén cơm để kịp giờ đưa thằng Thoại đi học.

Đứa cháu ngoại của tôi đến nhà thăm bà, nó ôm tôi khóc nói: Con thương ngoại lắm nhưng chỉ về thăm rồi cho ngoại ít tiền chứ ở đây gồng gánh như dượng thì con không thể làm được. Nhiều người nói dượng ngu, nhưng cũng nhiều người nói dượng tốt. Với gia đình mình, dượng là phật sống. Bà Nguyễn Thị Gái - mẹ vợ của anh Nguyễn Văn Nhân (SN 1983, quê tỉnh Quảng Ngãi) xúc động khi nói về chàng rể nghèo.

Thương em, thương cả họ hàng

Con đường làng dẫn vào ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM buổi chiều vẫn hanh nắng, mấy tán tre làng buồn hiu rũ mình theo gió.

Nhà bà Nguyễn Thị Gái (70 tuổi) nằm sâu trong con hẻm nhỏ, cũ kỹ, rêu phong theo thời gian. Trước sân nhà, đứa cháu tật nguyền do di chứng chất độc da cam ngồi nghễnh ngãng trên chiếc xe lăn, nghe nhạc. Ú ớ như ra hiệu chào khách, em hướng mắt vào nhà, nơi bà nội đang lui cui ở chái bếp chuẩn bị bữa cơm chiều.

Đó là Đinh Long Hồ (SN 1989), dù đã 28 tuổi nhưng thân hình nhỏ xíu, toàn thân co quắp, không thể tự chủ trong mọi sinh hoạt, toàn bộ việc đút cơm, bón nước, vệ sinh, tắm giặt... đều do bà và dượng chăm sóc.

Ngoài Hồ, bà Gái còn cưu mang hai đứa cháu là Đinh Chí Thoại (SN 2000) hiện đang học lớp 11, bị khuyết tật chân, đang hưởng trợ cấp khuyết tật và Đinh Khánh Duy (SN 2001) bị suy kiệt cơ thể, khờ khạo so với bạn cùng lứa.

Cả ba đứa cháu nội đều có cha mẹ nhưng gia đình tan vỡ, mẹ bỏ đi, cha chúng đi bước nữa, kinh tế khó khăn cũng không lo nổi cho những đứa con tật nguyền này. Tất cả đều trông nhờ sự chăm sóc của bà nội và thu nhập của hai vợ chồng người con rể.  

Tuổi cao lại thêm di chứng của bệnh tai biến và viêm màng não mủ để lại hơn một năm trước, tay chân bà Gái thường xuyên đau nhức, không thể làm việc nặng, ngoài nấu cơm, thì mọi việc tắm giặt, vệ sinh cho Hồ đều do Nhân lo liệu, cả việc đưa Thoại và Duy đi học một ngày bốn, năm bận cũng do chàng rể thay cha chúng làm.

Trong cái nắng chiều, từ xa chúng tôi nghe tiếng xe máy lạch bạch vọng vào nhà, bà Gái nhóm người nói: Thằng Nhân chở cháu đi học về đó!

May ai hy sinh duoc nhu chang re ngheo nay!
Anh Nhân sửa lại chiếc xe cho Hồ

Nói về cái duyên đến với gia đình này để rồi gắn kết như máu thịt, anh Nguyễn Văn Nhân cười tươi cho biết: "Đến giờ phút này, mọi việc tôi làm đều rất bình thường, không có gì cao quý hay quá sức cả. Tôi làm trong sự thoải mái, yêu thương chứ không nặng nề gì.

Chân thằng Thoại thì yếu, ra đường té mấy lần rồi, thằng Duy vẫn đi xe đạp được nhưng thể trạng suy kiệt, lại khờ khạo nên làm sao yên tâm để tụi nó đi xe. Hôm nào tôi bận đột xuất thì cho thằng Duy tự đi xe còn thằng Thoại giá nào cũng phải chở đi chứ có gì thì tội nó lắm”, lời nói của Nhân nhẹ tênh...

Ngồi cạnh đó, bà Gái xúc động chia sẻ: Thằng Nhân là rể nhưng tôi coi hơn con ruột vì nó yêu thương nhà vợ như những người ruột thịt. Chưa bao giờ nó cộc cằn, càm ràm mấy đứa nhỏ. Dù nắng hay mưa, lúc khỏe hay mệt trong người, nó đều đưa đón bọn trẻ đúng giờ, tắm rửa, vệ sinh cho thằng Hồ thơm tho, nhờ vậy thằng Hồ ngồi một chỗ mà rất sạch sẽ, nó ít cáu bẩn, quậy quọ như những đứa khác. Mỗi khi dượng tắm xong, nó cười tươi rói như cám ơn vậy.

Tiếng cười cứ òa vỡ trong tự nhiên, trong yêu thương xuyên suốt câu chuyện của chúng tôi.

Thi thoảng có những giọt nước mắt mà mẹ vợ dành cho chàng rể, ấy là khi trời nổi cơn giông, mưa to nước ngập đến đầu gối mà thằng Nhân vẫn dầm mưa, đẩy bộ xe đi rước cháu. Nó sợ hai thằng cháu chờ lâu, sốt ruột lội bộ về. Hay những bữa cơm trưa dang dở, lạnh tanh vì ẵm bồng thằng Hội đi vệ sinh.…Mà lẽ ra mấy chuyện đó, cha mẹ tụi nó phải làm chứ ai đâu dượng rể lại chăm chút gần 10 năm rồi.

May ai hy sinh duoc nhu chang re ngheo nay!
Anh Nhân và ba đứa cháu vợ

Quên chuyện con cái để lo cho cháu

Cũng như bao thanh niên cùng lứa, 15 năm trước, chàng trai nghèo rời quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh, với quyết tâm cố gắng làm lụng, tích cóp tiền bạc để gầy dựng một mái ấm gia đình đông vui. Bởi tuổi thơ của Nhân là những ngày cun cút bên mẹ vì 6 tuổi anh đã mồ côi cha và là con một trong gia đình.

Vào làm việc cho một công ty cao su thuộc huyện Củ Chi, duyên đưa đẩy thế nào mà anh gặp chị Đinh Thị Hồng Hạnh (SN 1978). Người con gái mà anh gọi là chị, hăng say lao động, hiền tính, càng khâm phục hơn khi biết chị vẫn còn di chứng do tai nạn giao thông để lại năm 1997. Đó là một phần sọ bị lõm sâu trên đỉnh đầu.  

Một hai lần đến nhà “chị” chơi, anh lại càng thương sự bao dung khi thấy chị Hạnh cưu mang ba đứa cháu ruột bằng tất cả tình yêu thương… Cảm động, anh ngỏ lời đến với chị.

Thấy mối tình lệch tuổi, nhiều người bàn ra, chị Hạnh lại tự ti về hoàn cảnh, tuổi tác nên chần chừ. Sau bảy năm tìm hiểu và thực sự “không thể thiếu nhau”, năm 2009, họ về chung một mái nhà.

Lúc về, cuộc sống càng thêm khó khăn khi ba vợ anh mất đi, kinh tế gia đình xuống dốc. Hai vợ chồng ngày đi làm, tan ca về, lại thay nhau chăm sóc cháu.

Thế nhưng Đinh Long Hồ càng lớn càng khó chăm sóc, thêm khoản ẵm bồng mẹ già không thể cáng đáng được, rồi hai đứa cháu Thoại và Duy đi học nhiều hơn, ngày 2 buổi nên anh Nhân bàn với vợ phải tìm cách khác.

Thương vợ chân yếu tay mềm, thỉnh thoảng lại chịu những cơn đau từ phần sọ lõm hành hạ nên anh quyết định “mọi việc để anh lo”, vậy là anh xin nghỉ việc ở công ty, thay bằng những công việc không tên.

“Nhớ lại mấy ngày đầu chăm Hồ, khó khăn lắm. Nhất là khi tôi chưa hiểu ý, chưa biết thói quen đi vệ sinh của Hồ nên phải thường xuyên xử lý xú uế lấm lem trên xe, quần áo…

Vừa làm vừa bịt mũi mà mùi hôi vẫn còn, nghĩ tới ăn cơm không ngon. Sau này biết ý rồi, bụng hắn khó tiêu và khó đi cầu nên những món nào kiêng kỵ thì không cho ăn. Bây giờ nói thiệt mọi việc như thói quen, đang ăn cơm mà hắn ị, rửa ráy xong mình lại ăn tiếp”, anh Nhân cười tươi cho biết.

May ai hy sinh duoc nhu chang re ngheo nay!
Những phút rảnh rỗi anh chơi đùa với Hồ giúp Hồ thư giãn

Kinh tế gia đình để nuôi sáu con người tất cả đều trông vào đồng lương công nhân của chị Hạnh và những ngày làm than đá không cố định của anh Nhân. Công việc tự do nên mỗi ngày đưa đón cháu đi học, anh tranh thủ chạy qua nhà hàng xóm làm than đá, mỗi tuần làm ba - bốn ngày, kiếm 300 - 400 ngàn đồng đưa mẹ đi chợ.

Cuộc sống vẫn còn nhiều lo toan, thiếu thốn, vì vậy vợ chồng anh Nhân đã thỏa thuận một việc mà không ai ngờ: “Chúng mình sẽ không sinh con bởi nếu sinh con, gia cảnh thế này thì ai sẽ lo cho ba đứa cháu, rồi con cái lại thiếu thốn tứ bề. Thôi thì những đứa cháu sẽ là con. Còn con cái là duyên nợ”.

 Cuộc sống cũng êm đềm trôi, thi thoảng nghe mẹ già dưới quê gọi điện réo “khi nào có cháu cho bà ẵm bồng”, anh lại cười trừ, “mẹ cứ chăm lo sức khỏe”.

“Người ta nói tại vợ tôi lớn tuổi, bị di chứng tai nạn giao thông nên khó có con, thôi thì ai nói sao cũng được. Chỉ cần chúng tôi hiểu con đường chúng tôi đã chọn và sẽ cùng nhau đi.

Chỉ mong tụi nhỏ ăn học đàng hoàng, có nghề nghiệp để lo cho thân tụi nó. Đâu vào đấy, tôi lại đi làm, gom góp sửa lại cái nhà cho mẹ vợ, về quê thăm mẹ ruột rồi nếu trời thương, biết đâu có một đứa con”, anh Nhân cười nhẹ tênh.

Nắng chiều tỏa trắng góc sân nhà, thằng Hồ vẫn nghễnh ngãng ở góc sân nghe radio. Câu nói của anh bay vào không trung, chạm vào trái tim những người đang làm cha, làm mẹ.

Ở chái bếp, bà Gái mắt đỏ hoe.

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI