Trong một bài phỏng vấn trên báo Phụ nữ TP.HCM cách đây chưa lâu, người mẫu Cao Thiên Trang cho biết: "Tôi nghĩ việc các bạn đồng nghiệp mình ra nước ngoài diễn trước nay, có tiếng nhưng không có miếng". Nhận định này đã làm nổ ra cuộc tranh cãi về việc người mẫu việc xuất ngoại, rằng liệu "sàn diễn quốc tế" mà thời gian qua nhiều người mẫu trẻ vin vào, có đúng chỉ là là hư danh?
Thực tế, có không ít người mẫu Việt đã từng bước ra sàn diễn quốc tế nhưng cuối cùng đều chọn Việt Nam để phát triển. Hà Anh, Trang Khiếu, Mâu Thanh Thuỷ, Hoàng Thuỳ... hầu hết đều cho rằng mình gặt hái rất nhiều thành quả ở môi trường nước ngoài, nhưng cuối cùng đều trở về. Với nhiều người, sự trở về đó gần như là câu trả lời rõ ràng nhất cho cái gọi là tiến ra môi trường quốc tế thực chất là như thế nào.
|
Cao Thiên Trang (trái) và Thuỳ Dương (phải) |
Người trong cuộc nhận "miếng"
Trước quan điểm trên, Mâu Thanh Thuỷ, quán quân Vietnam’s Next Top Model 2013 tỏ ra khá bức xúc. Cô cho rằng nếu người mẫu Việt cứ mãi tự ti về xuất thân của mình thì thật khó khăn để mơ đến ngày đạt được thành công như mong đợi. “Với riêng tôi, tuy mình chẳng phải là rồng thiêng gì cả nhưng thà chết ngợp, tôi vẫn phải thử”- nữ người mẫu bày tỏ quan điểm về việc tìm đường ra sàn diễn quốc tế.
Theo thông tin từ phía ê-kíp của Mâu Thanh Thuỷ, trong gần 6 tháng hoạt động tại New York, số tiền mà nữ người mẫu kiếm được từ việc diễn show, chụp bộ sưu tập cho các nhãn hàng,… (sau khi trừ đi chi phí, % hưởng lợi của công ty quản lý) đủ để Mâu Thuỷ trở về Việt Nam có cuộc sống thoải mái, và trang trải cho kế hoạch dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 sắp tới đây.
|
Thông tin của Mâu Thuỷ trên website của một công ty quản lý người mẫu nước ngoài |
Trong khi đó, người mẫu Thuỳ Trang, một gương mặt Việt có được khá nhiều show diễn ở Milan lại từ tốn hơn trong việc thể hiện quan điểm chuyện người mẫu có "tiếng" hay có "miếng" khi ra nước ngoài. Cô cho rằng những thông tin sai lệch, thiếu hiểu biết sẽ làm ảnh hưởng đến tư duy, ý chí của một thế hệ người mẫu trẻ có mong muốn vươn ra thị trường quốc tế để khẳng định bản thân.
Theo Thuỳ Trang, không phải ai cũng có thể đặt chân lên sàn diễn quốc tế, và "vốn" đầu tiên bắt buộc phải có với người mẫu đó là chiều cao ít nhất phải trên 1m78 để trình diễn catwalk, một số ít trường hợp ngoại lệ có gương mặt xuất sắc thì khoảng 1m75 là đạt...
"Đừng nghĩ người mẫu đi ra nước ngoài là để làm màu và không có gì nổi bật. Nếu họ không nổi bật họ sẽ không thể có show. Chuyện có tiếng nhưng không có miếng chỉ có người trong cuộc mới biết. Tôi tự tin khẳng định khi về nước họ sẽ nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của những người có chuyên môn trong nghề. Đó là phần thưởng cho sự cố gắng, dám nghĩ dám làm…
Lẽ ra chúng ta cùng là người mẫu với nhau, phải gắn bó đoàn kết để tạo động lực cố gắng. Đừng lên tiếng khi bạn chưa dám thử thách bản thân, và phủ nhận tất cả sự cố gắng những đồng nghiệp…”, người mẫu Thuỳ Trang cho biết.
|
Thùy Trang trong sô của Lako Radior |
Liên hệ với siêu mẫu Hà Anh, người từng có kinh nghiệm hoạt động trong nhiều năm trong làng mẫu tại Anh quốc và một số kinh đô thời trang lớn, cô cho rằng: “Tôi nghĩ quan điểm thế nào là "tiếng", thế nào là "miếng" cũng tuỳ thuộc vào sự mong đợi của mỗi người. Làm người mẫu ở thị trường quốc tế cũng là một nghề bình thường như bao nghề nghiệp khác. Có những người mẫu có thể sống được bằng nghề, sống tốt bằng nghề, cũng có nhiều người mẫu khó khăn lắm mới đủ trang trải cuộc sống với mức sống đắt đỏ ở các kinh đô thời trang thế giới. Con số người mẫu nổi tiếng, thực sự làm giàu từ những hợp đồng triệu đô chắc chỉ chiếm 1% trong 100% người đi làm nghề.
Vậy nên, nếu một người mẫu trong nước ra ngoài lập nghiệp, có trông đợi rằng họ phải ở trong số 1% đó thì rõ ràng chẳng có được miếng gì, bởi chúng ta chưa đủ khả năng, trình độ cũng như may mắn để đat được kỳ tích này. Nhưng nếu là để làm một người mẫu như bao người mẫu khác, có một sự nghiệp nhất định có thể sống được bằng công việc làm người mẫu, được đi đây đi đó trải nghiệm, học hỏi những tiến bộ của sư văn minh,của ngành nghề, thì đó cũng là những thành công rất lớn đối với một cô gái trẻ đến từ Việt Nam”.
|
Người mẫu Hà Anh |
Trước những phản ứng trái chiều của dư luận lẫn đồng nghiệp, Thuỳ Dương- người mẫu trẻ đồng tình với nhận định của Cao Thiên Trang - cũng giải thích rõ về quan điểm của cô: “Đối với tôi, khi nào kinh tế vững mạnh, lúc đấy đi vòng vòng quả đất làm người mẫu cho tuyệt! Dù mang ước mơ làm người mẫu quốc tế nhưng phải thực tế, xem mình phù hợp với thị trường nào, có đẹp và cao đủ chuẩn hay chưa? Có được truyền thông săn đón, có được lên các tạp chí thời trang, xuất hiện trên các sàn diễn tuần lễ thời trang nhiều hay không. Thành công với tôi là phải vậy!
Có thể các bạn muốn trải nghiệm việc làm ngừơi mẫu ở nước ngoài là như thế nào, tôi rất trân trọng điều này. Các bạn đi làm ở nước ngoài về, thu hồi lại vốn và dư giả, đó là thành công và tôi mừng cho các bạn. Còn từ thành công ở thị trường nước bạn, đối với tôi là chưa!”.
"Miếng" không phải là tiền bạc hay danh tiếng
Không dừng lại ở chuyện có tiếng hay có miếng, người mẫu Thuỳ Dương còn cho rằng một người mẫu chưa làm tốt việc trong nước thì đừng nghĩ đến những giấc mơ hão huyền nơi đất khách quê người. “Khi bạn chưa hóa rồng ở ao làng thì đừng tốn công vùng vẫy trên ao người”, chân dài Thuỳ Dương khẳng định.
Trước quan điểm này, nữ người mẫu có nhiều năm hoạt động ở thị trường thời trang nước ngoài cho biết, Hà Anh, ngay lập tức phản bác. "Như thế thì khác gì nói phải đoạt giải Nobel rồi hẳn ra nước ngoài du học. Ngược lại, được tung hô là siêu mẫu, người mẫu đắt giá trong "ao làng", chắc gì ra nước ngoài đã thành công! Tôi cam đoan các người mẫu nổi tiếng ở Việt Nam, trong đó có cả tôi, nếu sòng phẳng làm việc ở thị trường quốc tế, có những công việc bị từ chối thẳng thừng vì chưa phù hợp, chưa đủ khả năng là chuyện bình thường" - cô nói.
|
Hà Anh cho rằng việc một người mẫu trẻ muốn tiến thân ở môi trường thế giới với những mục tiêu, định hướng cụ thể là điều đáng để trân trọng nhưng cũng cần nhìn thằng vào thực tế để có được thái độ đúng đắn với mọi việc. |
Đồng quan điểm này, nhiều người mẫu gạo cội cho rằng việc đặt chân trên sàn diễn quốc tế dù chỉ một lần hay nhiều lần, cũng là một trải nghiệm mà từ đó người mẫu có thể đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm sau đó. Và, đó chính là "miếng" lớn nhất.
"Ông bà mình đã nói "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", nên "miếng" ở đây không nhất thiết phải là tiền bạc hay danh xưng. Tôi từng chứng kiến một người mẫu sau khi đi nước ngoài về đã thay đổi ra sao, chỉ riêng việc cô đến đúng giờ chứ không để mọi người đợi như xưa, tôi cho rằng cũng là một sự gặt hái từ sự chuyên nghiệp của nước ngoài. "Miếng" là đó chứ là đâu?", giám đốc một công ty quản lý người mẫu cho biết.
"Trong quan điểm của tôi, hãy cứ bình thản mà học hỏi, trải nghiệm và cống hiến. Như chính bản thân tôi, hơn 10 năm làm nghề người mẫu, với hơn 4 năm làm việc ở thị trường nước ngoài, nhưng bao giờ tôi cũng chỉ nghĩ về những năm tháng sải bước trên sàn diễn quốc tế của mình là trường học. Những năm tháng đó giúp tôi có những trải nghiệm, kỹ năng để tôi tạo dựng tên tuổi của tôi tại đất nước tôi trong nhiều năm nay”, Hà Anh chỉ ra những cơ hội, hào quang cũng như bất cập khi một người mẫu Việt tiến ra thị trường quốc tế.
|
Lê Thuý cũng là một trong những chân dài từng trải nghiệm ở kinh đô thời trang Milan |
Không khó để thấy sàn diễn quốc tế là cảnh cửa hẹp như thế nào đối với các chân dài châu Á, không chỉ riêng Việt Nam. Thương hiệu của mẫu Việt trên trường quốc tế sẽ còn là một giấc mơ trong tương lai, nhưng "miếng" lẫn "tiếng" là một khái niệm cần được nhìn nhận tỉnh táo.
Thuỵ Khuê