Tôi thức theo tiếng mưa. Tiếng chuông chùa cũng như những giọt mưa, thanh trong như ánh trăng ngân dài rơi xuống tàu lá chuối, như tiếng kinh cầu vang xa trong cõi lặng.
|
“Mày ở xa thấy lạ, đi tìm, chứ tao thấy bình thường, không phải thường theo kiểu tầm thường, mà nó thân quen như vuông tôm, cánh đồng xứ này, hằng ngày vẫn thấy, mà không phải bây giờ đâu - ly nước trà trên tay anh trầm ngâm - cái đận năm 1968, pháo dập làng tao tơi tả, phải chạy lên làng Cả Vĩnh bên bờ Bắc, nơi người Khmer tập trung đông nhất ở Bạc Liêu. Mỗi gia đình đến ở nhờ một nhà Khmer quen. Mấy năm trời, họ bảo bọc mình. Nhà tao ở nhà “từng bể” Sậy, ông làm “ní” (cách gọi của người Hậu Giang đối với bạn vong niên) với ba tau. Ban ngày tao đi học với thằng Tư con của “từng bể”. Lễ, tết, mà người Khmer nhiều lễ lắm, tao theo “từng má” gánh lễ vật vào chùa cúng Phật. Mỗi dịp vậy “từng má” sắm cho thằng Tư bộ đồ vải sọc, thì cũng sắm cho tao một bộ như thế. Tao biết múa hát, nhảy điệu “dù kê”, “răm bô” cũng nhờ chùa mà ra; biết ngồi đua ghe ngo, biết cái háo hức thắng lớn của đội đua chùa Cù Lao cũng nhờ đó. Tết Việt mình, ba tao mang bánh tét tới cúng ông bà “từng bể”, má tao gởi bộ đồ mới cho thằng Tư. Con sông Bạc Liêu này, tụi tao, con trai Việt và Khmer từng tắm chung, giăng lưới, đi câu, chăn trâu, lớn lên một chút, mùa trăng vàng bổi hổi trên cánh đồng thì xúm lại hát vọng cổ và hẹn hò. Tao cũng có một mối tình vụng dại với cô gái Khmer không làm sao quên được còn rớt lại bên dòng sông này. Đến giờ, đám bạn Khmer thời ấy còn đó, vẫn gặp…”.
Như từ mắt anh, con sông Bạc Liêu đang trôi, đang tưới tắm, trộn lẫn, đan xen cảm thức sống, cái tình cái nghĩa, phương thức canh tác, làm ăn đến tập quán tín ngưỡng của người Việt và Khmer nơi mảnh đất cuối trời phương Nam. Xóm Cả Vĩnh mà anh nói đến, là nơi xuất phát những giả thuyết về cái tên Bạc Liêu. Tôi đã đọc khảo cứu của học giả Vương Hồng Sển, theo đó, người Khmer gọi cây đa cao lớn là “bol liêu”, sau đó người ta đọc trại thành Bạc Liêu…
Vẫn mưa. Tiếng mưa buông chùng như điệu hò mút chỉ đường tà mà càng về cuối càng mềm như nước mắt người thương. Người Khmer, hình như không trực tiếp thì gián tiếp có duyên với nhà anh Nghĩa. Anh Hữu, anh trai của anh Nghĩa, có thuê một gia đình Khmer, người chồng tên Dớn, cùng vợ và bốn đứa con, đi làm vuông tôm, cắt lúa, làm cỏ quanh năm.
Một bữa, ông Dớn bắt được con rắn hổ đất nặng 1kg, bán được 700.000 đồng. Hôm sau đi làm đồng về, lội ra đám cỏ ven sông, ông lại bắt được một con nặng 2kg. Cả nhà hớn hở. Người mua đưa 1,4 triệu đồng rồi rầu rầu: “Con rắn hôm qua sẩy mất rồi”. Ông Dớn không hề suy nghĩ, đưa lại ngay 700.000 đồng.
Người nhà anh Hữu bèn la: “Sao mày dại quá, người ta làm mất chứ có phải mày đâu”. Tức thì ông Dớn cười: “Thôi, coi như mình không bắt được con hôm qua, lấy luôn tiền coi khó chịu cái bụng hà”. Họ nghèo lắm, nhưng không tham, coi nhẹ cái ăn, cái mặc, chỉ chăm đi lễ chùa, nghèo mấy cũng tìm thức ăn dâng cúng dịp lễ. Những buổi chiều, vợ chồng con cái đi kiếm ốc len; làm cỏ về, lấm lem bùn đất, nhưng họ hát tiếng Khmer, cha đi trước, mẹ đi sau rồi đến lũ con, đều hát, như gánh hát rong. Người đi đường cười, bỗng dưng thấy lòng nhẹ theo. Anh Nghĩa vỗ trán: “Sáu mươi tuổi rồi, tao chưa thấy người Khmer nào tham lam, gian dối, đánh nhau”.
|
“Họ hồn nhiên, hiền lắm, thương người lắm anh”. Sen vừa quét lá trong sân vườn anh Nghĩa, vừa kể. Quê Nghệ An, đi làm thợ may ở Q. Thủ Đức, TP.HCM, quen với chồng là Triệu Tá quê xứ này, thế là “em đi lấy chồng về nơi xứ xa”. Với Sen, quê chồng phương Nam xa lắc, đời làm mướn làm thuê, biết bao giờ mới thảnh thơi, nhưng chuyện đó không khiến cô đau khổ. “Có với nhau hai đứa con rồi, chồng chưa một lần giận mắng, to tiếng với em. Nơi em ở là xóm người Khmer, 20 năm ở đây, hiếm khi thấy họ chửi lộn, say rượu. Tết năm đó, chồng em về quê Nghệ An, ảnh nói sợ quá, thanh niên uống rượu, đánh nhau như phim”.
Gia đình chồng của Sen, như bao nông dân nghèo xứ này, khi con cá, mớ rau đã kiệt, thì đời làm mướn như vở kịch có thật, ai không muốn cũng phải sắm vai. Cực lắm, nên khi Triệu Tú là em chồng học đến lớp Mười, gia đình kiệt sức không lo được nữa. Tú học giỏi, có chí, nên không bỏ, ban đêm đi canh vuông tôm, tối ngủ ở chợ, rồi chèo đò mướn. Một bữa, sư cả chùa gần đó ghé qua, thấy Tú đang vạ vật góc chợ, bèn hỏi, rồi sư dẫn về chùa, nuôi ăn học. Năm nay là năm cuối, Tú sắp tốt nghiệp Đại học Y khoa Cần Thơ. “Không có chùa nuôi từ đó đến giờ thì làm sao em nó đi học được, sư tốt lắm anh ơi”. Giọng Sen ngập nỗi biết ơn sâu xa khi ngó ra cánh đồng chó ngáp trước cổng nhà. Mùa lúa đã xong. Người Khmer đã vào lễ cúng trăng.
Không hiểu sao, tôi ám ảnh màu vàng, y phục của sư sãi, những ngôi chùa phương Nam và cả những điệu múa của nam nữ Khmer lấp lánh như dát vàng. Đôi bận đi về nơi đó, sắc vàng lấp ló rồi hiển lộ, không chát chúa, ám muội mà như mật nắng trên đồng buổi sắp gặt, thổi rì rào trên mặt người.
Những biến động lịch sử văn hóa đã giữ lại nét riêng cho người Khmer đất phương Nam, đó là đời họ gắn liền nhà chùa, với giáo huấn của Phật giáo Nam tông, ngấm sâu vào máu như một thiết chế xã hội hơn là nơi rao giảng thần luận. Sau tiếng à ơi của mẹ, thì nhận thức đầu đời của người đàn ông Khmer là tiếng kinh, là chuông chùa giữa xóm. Sinh ra, lớn lên là phải qua chùa tu tập, tu một ngày một giờ, hay cả đời, tùy duyên, nhưng khi gả chồng cho con, câu đầu tiên nhà gái hỏi, là “có tu chưa?”, hễ biết chưa tu là họ cân nhắc liền.
Ông Châu Phát, một nhà nghiên cứu văn hóa Khmer nói rằng, một người đàn ông Khmer dẫu học cao đến mấy mà chưa được tu ở chùa, thì đó là người chưa trưởng thành. Chùa là nơi giáo hóa tinh thần, dạy văn hóa, truyền bảo kinh nghiệm làm ăn. Ai ác, dữ, từ đó đi ra, hiền liền. Óc u tối, thì cũng sáng ra. Sống, gửi thân cho chùa, chết gửi cốt cho chùa, đó là ước vọng đi suốt đời người. Cả đời họ tắm trong tiếng chuông, dẫu không đi tu. Hiếu hạnh với mẹ cha, thương người khó, xa rời sân tham, xem nhẹ của cải, không gian dối... Một tháng vào chùa bốn lần ngày 15, 30, 8 và 23 để dâng cúng. Đó là dịp để sư cả tâm tình lẽ phải điều hay, uốn nắn cái không đúng, gieo thảnh thơi trong mỗi phật tử. Từ trang phục ngày cưới đến lễ hội, lời ăn tiếng nói, cách hành xử trong nhà, cộng đồng... tất thảy như có cơn gió vô tạp niệm len trong từng vi mạch.
|
|
Tôi đã ngồi với sư Kim Ngọc, Phó chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi Bạc Liêu, trụ trì chùa Seraymean Chey ở Giá Rai. Chuyện vào chùa của sư khiến người xung quanh cười nghiêng ngả. Ngày mai vô chùa, nên hôm nay ông già cho tiền để nhậu tạm biệt bạn bè, lúc đó sư đã 18 tuổi, đang đi làm mướn. Có người anh đi ngang thấy vậy bèn hỏi: “Mai mày vô chùa mà sao lại nhậu? Nhậu nhẹt thì tu cái gì?”. Ở ngoài, ăn uống đủ ba bữa no, vô chùa, ăn ngày hai bữa, đói muốn chết, bao người đã bỏ không theo nổi. “Tu một ngày cũng là tu, Phật có câu chấp gì đâu, làm gì thì làm cũng phải thương người. Có tình thương, thì những thứ khác không quan trọng. Có từ bi thì giác ngộ”.
Tôi kể chuyện Triệu Tú ở Hưng Hội, giọng sư Ngọc nhẹ như không: “Chùa này, từ ngày sư biết, đã nuôi hàng trăm đứa con nít rồi. Người Khmer coi chùa là ngôi nhà lớn. Anh ngó mà xem, nơi đâu dân giàu thì chùa đẹp, nghèo thì chùa cũng nghèo, chùa có gì phật tử có nấy. Nhìn chùa là biết đời sống bá tánh. Phật giáo hóa bình an cho tâm chứ lộc đâu mà cho, cũng chẳng dạy phải cúng để làm giàu. Vô chùa để học làm người tử tế. Ai vô chùa đều biết điều đó, làm chi thì làm, nhưng không quên lời Phật dạy”. Một chị ở Hội Phụ nữ Bạc Liêu cười nói: “Nổi tiếng như đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry, mà một tháng bốn lần, bận mấy cũng không bỏ lễ chùa…”.
Tôi đứng lặng nhìn những diễn viên người Khmer khắp Nam bộ đổ về lễ hội văn hóa Khmer lần thứ bảy. Những vũ điệu như lụa, khoan thai, từ tốn như đời sống họ, như lẽ vô thường của trời đất, không cố chấp, nặng nề, không giữ lại gì cho mình, tinh thần hướng thượng cho một quầng sáng xa xăm thuở lọt lòng đã biết và dẫn dắt, để hành trình đi về chốn đó không có gì ngoài sự nhẹ nhõm thân tâm. Bạn tôi nói rằng, họ hiền và thiệt thà đến mức mình muốn điên. Cùng cơ quan, ra họp, là bạn thân, nhưng anh bạn người Khmer nói toạc ra thói xấu của mình. Giận run, nhưng rồi anh hiểu và góp ý rằng, sao không nói với mình để mình sửa? Ừ, quên hé, thôi thì lần sau, từ đó trở đi là thủ thỉ.
Nghe anh kể, tôi nhớ khi chiều ngồi hỏi chuyện bà Thạch Thị Phiên. Tuổi 70 rồi, nhưng bà lặn lội từ Trà Vinh đến đây để xem lễ hội, đua ghe ngo. “Ừ, chỉ biết làm ăn, sống theo lời Phật dạy, cháu à! Đàn bà không tu, nhưng tháng bốn lần mang đồ cúng ông Lục ở chùa. Có chi mang nấy, cốt ở lòng thành, cực mấy cũng có mâm cúng cha mẹ. Phật dạy rồi mà, có hiếu là thành Phật”. Giọng người già nghe nhẹ và hiền lành đến mức tôi như chạm được vào một cõi không hề có tạp sắc. “Con gái trước khi về nhà chồng, mẹ sẽ dạy giữ lửa. Thì bếp lửa nè, đừng cho nó cháy lan, cháy bùng lên, phải cản gió nữa, ý rằng làm vợ làm mẹ thì đừng để chuyện ngoài đường xen vào nhà, cũng đừng để chuyện xấu trong nhà lọt ra ngoài. Phật ở trên vai mình chứ đâu, có ai làm chứng tốt xấu của mình ngoài Phật đâu”.
Tôi nhìn sững bà. Một lời dạy giản dị mà thâm áo như kinh kệ. Sân khấu ngập sắc vàng vũ điệu Apsara. Ơi, có phải màu vàng mà tôi tìm kiếm, người Khmer có ngay trong lòng mình? Lễ của người Khmer nhiều lắm, nhưng quan trọng nhất là lễ cúng trăng. Với họ, trăng là quyền năng tối thượng, điều tiết nắng mưa, tươi nhuận cây cỏ, tốt tươi mùa màng, khiến lòng thảnh thơi, và bởi trăng là nơi thanh sạch nhất. Ánh trăng như chiếc áo vàng của Phật. Chính màu đó đã sản sinh cho họ một nền văn hóa biết xấu hổ trước ngổn ngang của thói đời.
Ánh trăng như chiếc áo vàng của Phật. Chính màu đó đã sản sinh cho họ một nền văn hóa biết xấu hổ trước ngổn ngang của thói đời.
Nam Khang