edf40wrjww2tblPage:Content
...Chị tên Trang Thanh(*). Anh tên Trần Lực. Năm 2001, hai người tổ chức cưới, sinh một con chung. Mười năm sau, cuộc sống vợ chồng rơi vào cảnh lạnh nhạt, ngột ngạt từ những mâu thuẫn trước đó không được giải quyết nên chị xin ly hôn. TAND Q.7, TP.HCM mở phiên xét xử, tuyên bác đơn của chị.
Thuận theo ý tòa, thêm vì con, chị cho anh và chính mình một cơ hội hàn gắn. Nhưng, tháng 9/2014, lần nữa chị gửi đơn xin chấm dứt cuộc hôn nhân. Chị khẳng định, thực ra đã không còn cảm xúc từ năm 2006, huống hồ nói tới “tình yêu” với chồng. Tòa cho ly hôn, anh kháng cáo. Phiên phúc thẩm diễn ra tại TAND TP.HCM, chiều 19/3 vừa qua.
Những mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết khiến anh - chị xa nhau
Anh: Tôi mong tòa tuyên bác đơn của vợ tôi, cho thêm thời gian để tôi tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân. Tôi còn rất yêu vợ; hơn nữa, nếu gia đình đổ vỡ, tôi sợ khổ cho con.
Chị: Tôi không thể tiếp tục sống với người chồng như ông ấy, coi gia đình là quán trọ. Vợ chồng tôi từng rất hạnh phúc, nhưng rồi ông ấy phát sinh nhiều thói tật làm bào mòn tình cảm: ghen tuông vô lối, ăn nói hàm hồ, cờ bạc đến mức đổ nợ.
Tòa: Cớ sao mà ra nông nỗi như vậy?
Anh: Tôi chẳng có gì sai. Vợ chồng chung sống mà cô ấy không thông cảm, không chịu hiểu và chia sẻ với chồng. Đặc thù công việc của tôi (anh là giám định viên hàng hóa trên tàu - NV) giờ giấc không ổn định, nhiều khi nửa đêm hay mờ sáng mới xong việc. Vậy nên vợ chồng hiếm có bữa cơm chung. Tôi rảnh rang, đánh bài thì cũng chỉ để giải trí với anh em làm chung. Cô ấy thấy thế cứ càu nhàu, nhăn nhó rồi đột nhiên đâm ra lạnh lùng, coi thường chồng. Biết vợ chồng đang nảy sinh khoảng cách, tôi cố gắng níu kéo, hàn gắn. Vợ chuyển công tác bận bịu hơn, tôi tranh thủ về sớm để đỡ đần việc nhà, chăm sóc con, mà cô ấy đâu có ghi nhận.
Chị (khóc thút thít): Tôi khổ tâm lắm. Ông ấy chỉ nói tốt cho mình thôi. Tôi hoàn toàn hiểu công việc của chồng nhưng không có nghĩa giờ giấc làm việc không ổn định là bỏ bê gia đình. Con chào đời năm 2003, đến nay, một mình tôi lo hết, mọi trang trải trong gia đình cũng chỉ mình tôi lo; lại còn gánh nợ cho ông ấy mấy lần. Chưa bao giờ ông ấy đánh đập tôi nhưng kiểu tra tấn tinh thần thì tôi không chịu được. Tôi là giáo viên, mà ông ấy đi rêu rao với nhiều người tôi sống không ra gì, tham danh, hám lợi, có thằng khác lo cho. Có lần giận nhau, ông ấy khóa trái cửa nhốt mẹ con tôi trong nhà, tôi phải gọi Hội Phụ nữ, tổ dân phố, công an đến giải cứu. Từ đó, tôi luôn thấy bất an khi sống cùng ông ấy.
Tòa: Những mâu thuẫn ấy không có gì lớn, chị có thể cho anh thêm cơ hội?
Chị (nhỏ nhẹ nhưng rành mạch): Ông ấy đã có cơ hội sau phiên xử năm 2011, nhưng tính nào tật nấy, không sửa được. Trước phiên xử tháng 9/2014; con trai quá chín tuổi, người ta hỏi ý con muốn ở với ai nếu ba mẹ ly hôn, con nói sống với tôi. Cũng tất nhiên thôi vì từ nhỏ đến giờ, ông ấy đi suốt, không quan tâm gần gũi con. Vậy mà, ông ấy quay sang đối xử với chúng tôi tệ bạc. Một mặt, ông hoạnh họe tôi gây áp lực cho con để thằng bé về “chung phe” với mình. Mặt khác, ông tuyên bố với con rằng có mẹ thì không cha, có cha thì phải thành người dưng với mẹ. Con sợ hãi, xa lánh thì ông ấy càng khủng bố.
Tòa: Cha mẹ ăn ở không hợp nhau, đừng bắt con cái lãnh chịu mọi cảm xúc tiêu cực từ mình. Nếu có ly hôn thì phải cùng nhau nuôi dạy con cho tốt, đứa trẻ chẳng làm gì có lỗi cả. Anh bảo cho anh cơ hội hàn gắn, mà đã gần 5 năm kể từ phiên ly hôn thứ nhất, anh vẫn không có biểu hiện gì chứng tỏ sự cố gắng. Anh bảo vợ chồng không có bữa cơm chung, dường như là anh đang đổ lỗi hết cho vợ. Sao anh không chủ động? Anh bỏ phế gia đình; đẩy trách nhiệm giữ nếp nhà, giữ ngọn lửa ấm cúng trong gia đình cho người khác sao được.
Anh: Tôi sợ vợ không chịu.
Tòa: Điều mình muốn làm mà nghĩ đem lại hạnh phúc cho người khác thì cứ làm, và phải tự tâm; đòi hỏi, chờ đợi người ta đồng ý hoặc đáp lại thì còn ý nghĩa gì nữa. Thật ra, chuyện của anh chị không hề có một lý do cụ thể hay mâu thuẫn lớn lao để phải chia lìa. Tình cảm lợt lạt, xa cách dần là kết quả của cung cách vợ chồng ứng xử, đối đãi với nhau. Những va chạm vụn vặt, nhỏ bé không giải quyết thấu đáo nên cứ đầy lên, chất chồng đến mức không còn khả năng hóa giải, khiến tình cảm chết theo. Mà, vợ chồng không tình yêu thì làm sao sống tiếp.
Anh im lặng.
...Tòa nghị án, tuyên cho ly hôn; con trai sống với chị, không cần anh cấp dưỡng. Anh hằn học rời bước, chị nán lại ngồi thừ.
***
Cuối năm 2014, ngành TAND TP.HCM thống kê, có đến 70% nguyên nhân dẫn đến gia đình đổ vỡ là do “mâu thuẫn vụn”, trong tổng số 22.989 vụ ly hôn ngành thụ lý năm 2014. Thật khó để biện giải “mâu thuẫn vụn” là gì khi đời sống vợ chồng vốn nảy sinh nhiều va chạm. Và sẽ thật... khó ngờ, vô duyên nếu quy kết, khẳng định một cuộc hôn nhân nào đó chết yểu chỉ vì chồng thường xuyên về trễ/vợ tham công tiếc việc/bất đồng quan điểm trong ăn uống, nuôi dạy con...
Nhưng, rõ ràng mẫu số chung là sức “công phá” của “mâu thuẫn vụn” không hề... vụn khi người trong cuộc chọn ứng xử bằng cách phớt lờ, thay vì cùng thẳng thắn, nghiêm túc tìm ra một thỏa thuận cuối cùng để giải tỏa áp lực, ức chế cho nhau. Như câu chuyện nói trên, ly hôn là kết quả tất yếu của tổng gộp chồng chất những bất hòa không được giải quyết, khiến tình yêu cạn kiệt.
TUYẾT DÂN
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.