Mâu thuẫn với ông bà trong nuôi dạy con: Ứng xử sao cho khéo?

04/01/2024 - 06:13

PNO - Một câu chuyện sẽ không thể đúng với mọi tình huống, mọi em bé, mọi gia đình, nhưng dù có khác nhau, ai cũng có tình yêu thương lớn lao dành cho con, cho cháu. Có thương mới có lo, có bất đồng, tranh cãi.

Mâu thuẫn, bất đồng trong nuôi dạy con giữa vợ chồng với ông bà là điều thường thấy ở các gia đình Việt Nam, gây áp lực, căng thẳng. Nghe theo ông bà thì có vẻ không đúng lắm với kiến thức nuôi dạy con hiện đại, làm theo ý mình thì bị trách “trứng mà đòi khôn hơn vịt”, “ngày xưa tao nuôi chúng mày như thế có sao đâu”.

Gia đình tôi không sống gần ông bà, mọi việc nuôi dạy con đều tự chủ. Có điều, thời gian 6 tháng sau sinh, ở cùng ông bà nội, tôi cũng phần nào cảm nhận được cái khó của cha mẹ khi ở cùng ông bà. Làm sao để có thể nuôi con theo ý mình mà không làm ông bà trách giận?

Con trai của tác giả rất thân với bà nội
Con trai của tác giả rất thân với bà nội

Lúc Bơ - con trai tôi - được khoảng 2 tháng tuổi; sức khỏe hồi phục hơn, tôi bắt đầu đọc sách đều đặn hằng ngày cùng con với mong muốn gieo niềm yêu thích sách cho con sau này. Khi đó, ông bà nội ngoại đều lấy làm lạ, nào là “bé tí biết gì mà đọc”, “đã nhìn thấy gì”, “nó xé đấy”, “sau này thời gian đâu mà đọc”, thậm chí chồng cũng là “làm vì bị ép” chứ chưa thực sự muốn đọc cùng con. 

Rõ ràng tôi biết, đọc sách cùng con sẽ hỗ trợ rất nhiều về sau. Ngay cả những chuyên gia về giáo dục cũng đưa ra lời khuyên này và chắc chắn là tôi muốn xây dựng thói quen đọc sách cho con. Vì sao mọi người lại không ủng hộ? Tôi cố gắng xác định tâm thế của mình trước những định kiến bên ngoài, từ đó chấp nhận và tôn trọng suy nghĩ của người khác và làm tốt những gì tôi muốn làm.

Người ta thường nói “cái gì cũng có hai mặt”, “trong cái rủi có cái may” chính là vì trong mỗi sự việc, mỗi câu chuyện luôn có mặt tích cực và tiêu cực, mặt lợi và bất lợi. Thay vì bực bội với những bất lợi, hãy thử nhìn khác đi xem sao. Thay vì nghĩ “ông/bà/anh/em biết gì mà nói”, tôi hiểu rằng dù có nghĩ, hành động khác tôi, những người thân của tôi đều rất thương con, thương cháu và muốn làm những điều họ nghĩ là tốt nhất.

Họ cũng giống như tôi. Tình cảm như nhau, chỉ cách thể hiện là khác nhau. Nhìn tích cực để hiểu, có thể họ chưa biết đến lý do tôi muốn đọc sách cùng con, bởi thế hệ của họ đã khác xa thế hệ của con tôi bây giờ. Khi thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, hành động của tôi cũng sẽ khác đi với cùng một tình huống, sự việc.

Dù muốn hay không, việc gặp gỡ, giao tiếp hằng ngày vẫn diễn ra trong gia đình, tôi vẫn cần đáp lại trước những ý kiến khác mình. Bước tiếp theo, sau khi đã xác định tâm thế, tôi tôn trọng suy nghĩ của người khác và bày tỏ mong muốn của mình.

Với ông bà, tôi không mong họ phải hiểu điều tôi làm hay làm như tôi, vì quả thật thế hệ của ông bà rất khác. Ông bà đã nuôi dạy con bao nhiêu năm, những suy nghĩ, cách sống đã in dấu tự bao giờ; cũng như tôi với rất nhiều thói quen, hành động hấp thụ từ môi trường nơi tôi lớn lên.

Ngoài ra, để nói với ông bà, ít nhiều có rào cản về giao tiếp, suy nghĩ. Tôi chọn vẫn nghe ông bà nói, tôn trọng suy nghĩ đó và vui vẻ đáp lời “Dạ, con đọc để sau này mẹ bận thì con có thể tự chơi được”. Tôi tập trung vào việc tôi cần làm và để thời gian, kết quả chứng minh cho lựa chọn đó. 

Con trai của tác giả có cùng đam mê đọc sách với mẹ
Con trai của tác giả có cùng đam mê đọc sách với mẹ

Muốn người khác thay đổi, hãy bắt đầu từ bản thân mình. Tôi chọn làm tốt việc của tôi. Như ở câu chuyện này, tôi muốn xây dựng thói quen đọc cho con, vậy thì bản thân tôi cần chủ động trong việc tìm hiểu và chọn sách, đọc đều đặn, hằng ngày cùng con, kiên nhẫn khi con xé sách, khi con ngó lơ… Tôi thật biết ơn nếu ông bà có thể ngồi đọc cùng con, nếu không, cũng không sao cả. 

Tôi cứ kiên trì, đều đặn đọc cùng con như vậy. Dần dà, thấy con thích sách, con chăm chú bên trang sách, con còn bi bô đọc những bài thơ, đồng dao rất vui, ông bà cũng không còn ý kiến chuyện “bé tí biết gì mà đọc”. Tôi cảm nhận được niềm vui của ông bà khi thấy cháu tự đọc sách một mình, hoạt ngôn và nhanh nhẹn. Và những niềm vui đó theo chúng tôi đến tận bây giờ, sau gần 4 năm.

Không dừng lại ở chuyện đọc sách, sau này, trong các lựa chọn về ăn dặm, chăm sóc hay chọn trường, ông bà cũng tôn trọng và không can thiệp quá nhiều vào lựa chọn của vợ chồng tôi.

Đây là câu chuyện điển hình cho cách ứng xử tôi vẫn thực hành, không chỉ với những bất đồng trong nuôi dạy con mà cả trong các mối quan hệ khác nữa. Trong thực tế mỗi gia đình, mỗi đôi sẽ có những hoàn cảnh, cách trò chuyện, trao đổi và mong muốn khác nhau.

Một ví dụ, một câu chuyện sẽ không thể đúng với mọi tình huống, mọi em bé, mọi gia đình, nhưng dù có khác nhau, ai cũng có tình yêu thương lớn lao dành cho con, cho cháu. Có thương mới có lo, có bất đồng, tranh cãi.

Cùng là vì thương con/cháu, cùng chung mục tiêu để chúng lớn lên khỏe mạnh, hoạt bát thì cách nào cũng phù hợp nếu người lớn có thể dành thời gian cùng nhau trò chuyện, lắng nghe trên cơ sở tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương nhau, có cái nhìn tích cực về hành động của nhau và tập trung vào chủ thể chính là con, hiểu và tôn trọng con. Được vậy, tôi tin chúng ta rồi sẽ có cách để dung hòa. 

Nguyễn Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI