PNO - PN - Mâu thuẫn giữa hai nhóm đối lập tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM kéo dài âm ỉ từ nhiều năm đã bùng lên khi hiệu trưởng của trường vừa bị thôi nhiệm.
“Cuộc chiến” giành con dấu
Tạm gọi hai nhóm đối lập tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM (gọi tắt là ĐH Hùng Vương) là nhóm Hiệu trưởng (gồm hầu hết những người cũ của trường) và nhóm Hội đồng quản trị (HĐQT, gồm hầu hết những nhà đầu tư mới). Đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa hai nhóm là “cuộc chiến” tranh giành con dấu của trường những ngày qua.
Ngày 14/6, UBND TP.HCM có quyết định 3163 không công nhận hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Lý và yêu cầu ông này phải bàn giao con dấu, sổ sách, tài liệu… cho HĐQT nhà trường. Ngoài ra, phía HĐQT còn có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục đề nghị cấp thẩm quyền công nhận hiệu trưởng mới thay ông Lý. Đây là thời cơ tốt cho nhóm HĐQT nên vào ngày 22/6, nhóm này, do ông Hoàng Sĩ Hóa - Phó chủ tịch HĐQT dẫn đầu, đã kéo đến Phòng Hành chính tổng hợp của trường yêu cầu bàn giao con dấu. Văn phòng Thừa phát lại Q.1 được mời làm chứng cho sự kiện này.
Khi đó, Phòng Hành chính tổng hợp treo bảng “bận họp”, khóa trái cửa ngoài. Trưởng phòng này là ông Ngô Đình Linh lý giải: “Theo quy định về việc sử dụng và bảo quản con dấu, việc bàn giao con dấu phải có người đại diện chịu trách nhiệm pháp luật trước đây (cụ thể là ông Lê Văn Lý) bàn giao lại cho người chịu trách nhiệm mới hợp pháp. HĐQT đòi bàn giao ngang như vậy, lỡ có chuyện gì ai chịu trách nhiệm? Hơn nữa, tư cách Phó chủ tịch HĐQT của ông Hoàng Sĩ Hóa còn đang là một dấu hỏi. Ông Hóa không trưng ra được giấy ủy quyền hợp pháp từ Chủ tịch HĐQT trường là ông Đặng Thành Tâm. Hiệu trưởng tạm quyền cũng chưa được công nhận”. Việc “tiếp quản” con dấu bất thành.
Hai ngày sau, ngày 24/6, nhóm HĐQT ra tối hậu thư cho ông Linh, đồng thời tự tổ chức bầu ông Tạ Văn Thành (ủy viên HĐQT) làm hiệu trưởng tạm quyền dưới sự chứng kiến của thừa phát lại. Ngày 25/6, nhóm này lại đến Phòng Hành chính tổng hợp để kiểm tra phòng và yêu cầu được kiểm tra con dấu. Ông Linh tiếp tục từ chối, cho rằng quyết định này trái pháp luật. Sau khi tranh cãi bất phân thắng bại, ông Hoàng Sĩ Hóa ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ trưởng phòng của ông Linh, yêu cầu ông Linh ngay lập tức cuốn gói, nếu không sẽ nhờ bảo vệ, công an “hỗ trợ”, đồng thời bổ nhiệm một người khác lên thay. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dừng trên giấy. Thực tế, ông Ngô Đình Linh vẫn ngồi ghế trưởng phòng và quản “chặt” con dấu cho đến nay.
Trong khi nhóm HĐQT tìm cách thâu tóm con dấu thì nhóm Hiệu trưởng đã triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào sáng 26/6 nhằm thực hiện những nội dung mà Thanh tra thành phố có kết luận và đã kiến nghị (theo kết luận thanh tra về việc thanh tra toàn diện Trường ĐH Hùng Vương số 51 ngày 14/2/2012) để lật ngược tình thế. Cụ thể, tại đại hội này, nhiều thành viên HĐQT thuộc nhóm HĐQT đã bị bãi miễn vì không có vốn góp thực tế; không còn là đại diện cho đơn vị góp vốn và đại diện cho sở hữu tập thể trường; mắc nhiều sai sót, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền của cán bộ công nhân viên trường...
Quang cảnh đại hội cổ đông bất thường
Chưa có hồi kết
Như đã nói ở trên, mâu thuẫn giữa hai nhóm Hiệu trưởng và HĐQT tại Trường ĐH Hùng Vương đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Cụ thể, sau khi được chuyển đổi từ mô hình ĐH dân lập sang ĐH tư thục, ngày 13/6/2009 HĐQT của trường do ông Lương Ngọc Toản làm Chủ tịch đã ký biên bản góp vốn với năm đơn vị gồm: Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn, Công ty cổ phần viễn thông Sài Gòn, Westen Bank và Công ty CP đầu tư phát triển ĐH Hùng Vương. Nhưng chỉ duy nhất Westen Bank thực hiện đúng cam kết: góp 10% sau 30 ngày.
Sau đó, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc cũng góp vào hai tỷ đồng. Báo cáo tài chính của Trường ĐH Hùng Vương ngày 31/12/2009 đã được kiểm toán xác nhận số vốn góp nói trên.
Thế nhưng, chỉ hai tháng sau, trong đại hội cổ đông ngày 3/2/2010, phía HĐQT trường đã không dựa vào số liệu nói trên mà “vẽ” ra những số liệu khác để làm “tăng” số vốn của nhóm nhà đầu tư mới từ hơn 5 tỷ đồng (trên thực tế) lên 30 tỷ đồng (theo báo cáo) và làm “giảm” vốn của nhóm Hiệu trưởng (gồm vốn của các nhà sáng lập trường và vốn tập thể trường) từ hơn 20 tỷ đồng còn 17 tỷ đồng.
Theo một số cổ đông thuộc nhóm Hiệu trưởng, việc “phù phép” này của HĐQT (khóa III) là nhằm đạt được mục đích trong quá trình bầu bán tại đại hội. Về vấn đề này, Kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM ngày 14/2/2012 khẳng định rõ: “Đại hội đồng cổ đông của Trường ĐH Hùng Vương tổ chức ngày 3/2/2010 với số lượng cổ đông và vốn góp được công nhận có quyền biểu quyết tại đại hội trên cơ sở số liệu không chính xác, không phù hợp do không tính đúng, tính đủ so với số liệu thể hiệu trong báo cáo tài chính của trường đến ngày 31/12/2009 đã được kiểm toán”.
Cũng vì thế, mâu thuẫn giữa nhóm Hiệu trưởng là đại đa số những người cũ của trường và nhóm HĐQT gồm những nhà đầu tư mới ngày càng trở nên gay gắt.
Chưa hết, Kết luận thanh tra còn gián tiếp cho thấy trước và trong quá trình bầu HĐQT khóa IV, HĐQT khóa III đã “bỏ quên” một khâu rất quan trọng là định giá tài sản của trường. Nhiều cổ đông là cán bộ giảng viên trong trường nghi ngờ: người ta đã cố tình bỏ qua khâu định giá tài sản để xác định tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế của trường, nhằm chiếm không số tài sản này.
Ngoài ra, trong Kết luận Thanh tra, Chánh thanh tra thành phố còn kiến nghị: Trường ĐH Hùng Vương phải: kiểm tra, rà soát để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, tránh lặp lại các sai sót như kết luận đã nêu; rà soát, bổ sung và hoàn tất đầy đủ thủ tục chuyển sang loại hình tư thục theo đúng quy định hiện hành nhằm chấn chỉnh các sai sót trong thời gian qua. Kết quả thực hiện Trường ĐH Hùng Vương có trách nhiệm báo cáo Bộ GD-ĐT và UBND TPHCM trong quý I năm 2012”. Tuy nhiên, theo nhiều cổ đông, đến nay các thành viên HĐQT (khóa III) có trách nhiệm trong nhóm HĐQT chưa hề làm gì để thực hiện việc khắc phục sai sót.
Cuộc chiến chưa đến hồi kết nhưng hậu quả đã rõ ràng, GV-CBCNV mệt mỏi, sinh viên bị thiệt hại, trường bị cấm tuyển sinh. Chắc chắn phải nhiều năm nữa trường mới có thể khắc phục được hậu quả của trận chiến này.
Tiêu Hà - Minh Nhật
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Lý, nguyên hiệu trưởng trường cho biết: Sau khi nhận quyết định số 3163 của UBND TP.HCM, tôi đã ủy nhiệm cho TS Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực được ký duyệt các văn bản cần thiết. Dù vậy, bà Kiều An cũng không được giữ con dấu. Theo đúng luật, tôi chỉ bàn giao con dấu lại cho hiệu trưởng mới được bầu, được Đại hội đồng cổ đông thông qua và do Chủ tịch UBND TPHCM công nhận. Về việc không đến dự họp theo thư mời của ông Hoàng Sỹ Hóa, Phó Chủ tịch HĐQT vào ngày 22/6, ông Lý giải thích: “ông Hóa không có thẩm quyền triệu tập họp. Các thành viên HĐQT gồm tôi, ông Nguyễn Huy Hùng, ông Ngô Gia Lương và bà Nguyễn Thị Liên Diệp đều không biết việc bầu ông Hóa làm Phó chủ tịch HĐQT từ lúc nào. Nếu ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT ủy quyền cho ông Hoàng Sỹ Hóa thì các văn bản ủy quyền ở đâu?”.