“Cầu vồng” hay “móng chuồn” đều được định vị là có bảy màu, nhưng khoa học đã chứng minh, cầu vồng mang tất cả các màu có trong ánh sáng. Cầu vồng có được là do khúc xạ ánh sáng của mặt trời trên những giọt nước mưa. Tuy nhiên, ánh sáng mặt trời thật ra không chỉ có một màu như chúng ta vẫn nhìn thấy, mà nó có rất nhiều màu, chủ yếu và đặc trưng nhất là bảy màu: đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím.
Không biết từ bao giờ, tôi nghĩ, mình là màu thứ ba của cầu vồng - màu vàng - mà theo cách giải thích của sách vở và truyền tụng của con người, thì cái màu vàng tượng trưng cho sự kiêu hãnh, quý tộc, cả phản bội. Màu vàng có thể gây cảm giác vui vẻ, mang lại cảm giác ấm áp, làm tăng sự thích thú và khả năng hoạt động trí óc, nhưng cũng có thể gây stress nặng. Người thích màu vàng chính là người đang sở hữu con dao hai lưỡi: một là giàu năng lượng, hai là đầy stress.
Và tôi, giàu năng lượng mà cũng đầy stress!
Tôi là con gái miền Nam, thương ngọn gió chướng đứt ruột. Gió chướng báo hiệu mùa xuân về, nói nôm na là “sắp tết rồi”; tết khơi gợi cảm xúc; tết làm cho con người bớt cáu gắt và trở nên thân thiện hơn, bởi vì ngoài ngọn gió man mát lạnh thì còn nắng, mà nắng thì vàng rực rỡ, vàng đến độ khiến lòng vui; và khi ngụp lặn trong cái gió và nắng này, là người miền Nam ai ai cũng có cùng một suy nghĩ giống nhau “sao nhớ ông bà, ông vải quá…” hay “tết nữa rồi”; có nghĩa là cái màu nắng vàng kia đã nhắc nhớ, gây cảm giác vui vẻ, mang lại cảm giác ấm áp, làm tăng sự thích thú ở mọi người.
Tôi là cái màu vàng trong bảy màu của cầu vồng, vì thế tôi yêu nắng; tôi yêu ánh đèn vàng vọt trong sân bệnh viện về khuya; tôi yêu những bông vàng, yêu áo vàng… để rồi bung ra những câu thơ:
…
mùa xuân mặc áo vàng yến hát bên bông mười giờ
con nhện bâng khuâng giăng tơ chờ đợi
nắng ở sau lưng ngược về
anh ngược về
em từ dưới thời gian đón nhận
…
Đêm ngồi ôm chiếc giỏ chờ đợi trước phòng săn sóc đặc biệt để bớt lạnh trong hàng hiên khu bệnh viện, nhìn màu vàng của ngọn đèn rớt trên lá, trên tàn cây, trên những viên gạch, thấy có cảm giác hụt hơi, nhưng cái màu vàng ấy lại khơi gợi sự kiêu hãnh trong người, thúc giục bằng mọi cách phải chiến đấu với số phận:
…
những chiếc giường và mùi ê-te
không phải khu vườn nhà mình
cho con tiếng chim buổi sáng
cho con vầng trăng non buổi chiều
phòng săn sóc đặc biệt
đang nở từng bông hồng đen
mẹ biết con sẽ phải đi một mình
không phải như ngày xưa mẹ ẵm con chạy trên bờ ruộng
không phải như lúc mẹ dắt con về ngoại
hai mẹ con mình qua đò
con đòi vớt bóng mặt trời trên nước
con sẽ đi một mình
không cần nắm tay mẹ nữa
con thành gió thổi vào vườn thưa
con thổi qua mẹ như chưa từng có mẹ
mẹ sẽ đóng cánh cửa lại để con đừng đi
sao con cứ đi…
Sáng, đi trên những con đường ngập nắng vàng mà lòng có nhạc ngân reo. Nắng chi mà đẹp đến vậy! Nắng chi mà thôi thúc trái tim đến vậy! Nắng dẹp được lòng ích kỷ, độ lượng với cả những kẻ không cùng chiến tuyến; tha thứ cho cả người từng làm đau mình, lọc lừa, phản bội tình yêu:
…
ừ nắng cứ vàng như mật
cho lòng không còn thấy đau
để ta yêu người lần nữa
để biết đợi chờ lao đao
…
Tôi là màu thứ ba của cầu vồng - màu vàng - nên luôn kiêu hãnh trong mọi hoàn cảnh được - mất. Luôn gây cảm giác vui vẻ, mang lại cảm giác ấm áp cho mọi người - dù đau hay bị cướp đoạt. Tự cho mình cái quyền được sống - mà phải sống vui, sống khỏe, sống mang lại hạnh phúc, niềm vui cho người khác.
|
Có lần nghe một bạn thơ đọc hai câu thơ của Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”, lúc đó tôi cười thầm “sao yếu đuối thế”, nhưng qua thực tế va chạm, ngẫm nghĩ rồi phải công nhận: quá đúng! Vịn vào câu thơ để đứng lên, đứng vững; vịn vào câu thơ để đi qua dòng thác dữ, đi qua dòng sông buồn và đi qua cả con người thô bạo, nhẫn tâm, hẹp hòi.
Người phụ nữ làm thơ trong mắt mọi người thật yếu đuối, mỏng manh, nhỏ nhoi, chỉ biết thở than, trách phận, hờn dỗi tạo hóa đã cho mình sinh ra làm người, sao không cho hạnh phúc? Nhưng thật ra, từ những câu thơ dễ vỡ đó, người phụ nữ làm thơ luôn mạnh mẽ, luôn tự chủ, luôn giữ quyền độc lập, nhất là tự do. Vì có quyền tự do nên họ có thể bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận của mình bằng bất cứ hình thức nào. Đặc biệt là ở những người thích màu vàng, họ luôn trong tâm thế “chiến đấu phải thắng”.
Thơ từ đó trở thành cứu cánh cho đời sống.
Những người phụ nữ thích làm thơ tình. Vì sao vậy? Vì họ muốn còn một khoảng lặng để yên tĩnh, để tự thỏa mãn khi đời thực đã quá ồn ào, khổ đau, chật vật vì miếng cơm manh áo, chen lấn để được yêu, thủ đoạn để được sở hữu cái mình thích. Làm thơ tình vì họ không thích tranh luận suông bằng chữ nghĩa, họ là một thực thể có thực, vì vậy, thơ phải từ cái thực mà sinh ra; thơ không từ cái thực sinh ra là thơ giả, mà giả thì làm sao hay?
Những câu thơ tình thì luôn yếu đuối, bi lụy, thậm chí rên rỉ, kêu gào. Nhưng những người phụ nữ làm thơ không hẳn yếu đuối như những câu thơ, bài thơ họ đã sản sinh ra. Đó là bản lĩnh sống của mỗi người, mỗi cá nhân và vì họ đã nghiệm ra được “hãy là cái phao cho mọi người, đừng coi mọi người là cái phao của mình”.
Người phụ nữ làm thơ không được gì cả, ngoại trừ sự thanh thản tâm hồn khi đã trút hết những vấn vương, tơ tưởng, lo toan vào những câu thơ. Mùa xuân là cái mùa gợi nhất để có được những bài thơ viết cho nhiều người, mà thường nhất là cha mẹ. Ai đã ví mẹ cha như buồng chuối chín cây, rồi sẽ rụng dần khi mùa qua mùa, để lại nỗi nhớ thương trong con cái:
…
con đang đi về phía mùi nhãn ngọt
bông xoài thơm rủ bọn ong về
cây chanh lão cha trồng cuối năm đầy trái
trả công người vun bón bao năm
ngược về phía con là màu nắng hoa râm
là áo vàng bí tuổi thơ xa lắm
ngược về phía con có ngọn đèn dầu lắt lẻo
soi bóng những hạt mưa trái mùa
…
Tôi là cái màu vàng trong bảy màu của cầu vồng, nên tự óng ả, lấp lánh khi xuân về; tự chiến thắng mình để động viên người đọc thơ mình; tự đẹp để mùa xuân không bị trách móc; tự làm mình vui để không thể khóc; tự cháy để sáng trong đêm giao thừa tịch mịch; tự làm pháo bông để người ngắm lúc vũ trụ giao thoa.
Tôi là người thích màu vàng, nên tôi sở hữu con dao hai lưỡi - giàu năng lượng mà cũng đầy stress!
Tôi là màu thứ ba của cầu vồng - màu vàng - mà những người thích màu vàng luôn trong tâm thế “chiến đấu phải thắng”.
Thơ từ đó trở thành cứu cánh cho tôi.
P. N. Thường Đoan