Hơn 300 năm đã trôi qua, kể từ ngày chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn sinh sống tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Dù hội nhập tương đối sâu rộng vào cộng đồng bản địa trải dài qua ba thế kỷ, nhưng người Hoa vẫn giữ nhiều nét văn hóa, tập tục, thể hiện bản sắc riêng không lẫn vào đâu, độc đáo và đậm đặc sắc màu.
Như người Việt, tết với người gốc Hoa cũng vấn vương hoài niệm; sớm tinh sương rảo bước từ nhà ra phố, đến với hội miếu, đình, chùa.
Song, với cộng đồng gốc Hoa, tổ tiên không bó hẹp trong phạm vi huyết thống, gia đình, họ tộc mà theo nghĩa rộng, “tổ tiên” còn là những “nhân thần” giúp đỡ cộng đồng trên bước đường di dân lập nghiệp.
Ngoài “Quan thánh Đế quân” được xem là “đệ nhất thần”, “ông Bổn” - nhà tổ chức di dân Trung Hoa đến Việt Nam, thì hầu hết các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng gốc Hoa tại Chợ Lớn nói riêng hay những nơi người Hoa quần tụ sinh sống như Hà Tiên, Cù Lao Phố thì “Thiên hậu Thánh mẫu” luôn được coi là vị thần có công giúp đỡ, che chở họ trên bước đường bôn ba đầy sóng gió.
Những phong tục, tập quán ngày tết được những người Việt gốc Hoa giữ gìn đến tận ngày nay, nhưng cũng có những tục lệ chỉ còn trong ký ức. Mà ký ức thì khó có thể gọi tên, đặt từng chữ, chụp từng bức hình một cách đủ tình rõ nghĩa.
Nhưng, dù cuộc sống có xoay vần trong một thế giới bao la đầy biến động thì ngày tết ai cũng phải trở về; trở về với quê hương bản quán, gia đình, tổ tiên, dòng tộc.
Quê hương luôn là một khái niệm giàu ý nghĩa. Mùa xuân có lẽ là mùa mang nhiều nỗi niềm nhất trong năm.
Đi để trở về. Về để lại ra đi - đi tìm đất sống, sự sống.
Xin chia sẻ với bạn đọc một góc nhìn tản mạn qua ảnh - ngày tết Nguyên đán của người Việt gốc Hoa tại Chợ Lớn, Sài Gòn.
Mai Kỳ