Màu sắc trở thành công cụ phân biệt đối xử

06/12/2015 - 07:58

PNO - Ấn Độ vừa ra lệnh điều tra thông tin học sinh các trường ở bang Tamil Nadu đeo vòng tay màu sắc khác nhau để phân biệt đẳng cấp...

Mau sac tro thanh cong cu phan biet doi xu
Sivakani, một nữ sinh 15 tuổi ở Gopalasamudram, đã phải bỏ học sau khi ngôi trường dành cho đẳng cấp Dalit tại làng cô đóng cửa - Ảnh: INDIAN EXPRESS

Chính phủ Ấn Độ vừa ra lệnh điều tra thông tin học sinh các trường ở bang Tamil Nadu đeo vòng tay màu sắc khác nhau (đỏ, vàng, xanh lục và vàng nghệ) để thể hiện mình thuộc các đẳng cấp trên trong xã hội hay chỉ là Dalit (tiện dân).

Chính phủ đã gửi văn bản ra lệnh cho quan chức ở huyện Tirunelveli, bang Tamil Nadu, Đông Nam Ấn Độ, điều tra nội dung được thể hiện trong một phóng sự đăng trên nhật báo Indian Express, rằng cách thức “đánh dấu” bất hợp pháp này được các băng nhóm học sinh sử dụng để phân loại nạn nhân dựa vào đẳng cấp.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Darmar Murugesan, người ra lệnh điều tra hiện tượng khác thường này, khẳng định: “Nếu điều này được phổ biến thì đó là sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, liên quan đến phân biệt đối xử đối với học sinh thuộc cộng đồng Dalit”.

Việc đeo vòng màu để phân biệt đẳng cấp xã hội từng rộ lên hồi thập niên 1990, khi các nhà lãnh đạo đẳng cấp trên yêu cầu thành viên cùng đẳng cấp đeo vòng màu xanh dương-vàng để dễ nhận ra nhau.

Tuy nhiên, sau đó chính quyền ban hành lệnh cấm việc này, đặc biệt là trong môi trường học đường. Theo thẩm phán Murugesan, đây là một vấn đề của cộng đồng, những người đẳng cấp trên còn đòi các học sinh Dalit chỉ được nhận vào học nếu các em chấp nhận đeo vòng tay màu xanh lục và đỏ.

Các cách đánh dấu khác được sử dụng bao gồm màu áo vét học sinh và dấu hiệu trên trán theo phong tục của người Ấn giáo. Thẩm phán Murugesan cho biết thêm: “Tại một số vùng miền của Ấn Độ, thậm chí học sinh Dalit không được phép nhập học vào các trường con em đẳng cấp trên đang học, người ta còn duy trì các trường riêng cho giới Dalit”.

Sivakani, một nữ sinh 15 tuổi ở Gopalasamudram đã phải bỏ học sau khi ngôi trường dành cho đẳng cấp Dalit tại làng của cô đóng cửa và cha mẹ không đủ khả năng để gửi cô đi học ở nơi khác.

Việc dùng màu sắc phân biệt đẳng cấp là bất hợp pháp theo luật về đẳng cấp của Ấn Độ, song đáng buồn là chuyện này vẫn tiếp tục xảy ra. Một nam sinh 13 tuổi, xuất thân Dalit, nói với tờ Indian Express rằng mặc dù vàng là màu yêu thích của mình, song cậu không thể đeo vì ngại đụng chạm với học sinh Thevar, đẳng cấp cao hơn, những người sở hữu màu vàng. Tháng trước, một cậu bé xuất thân Dalit 12 tuổi ở Jodhpur bị thầy giáo đánh đòn vì “tội” sử dụng màu của đẳng cấp thượng lưu.

Theo nhà chức trách Ấn Độ, cách thức đánh dấu này không chỉ đưa đến việc phân biệt đối xử trong nhà trường, mà còn làm sâu sắc thêm các vụ xung đột tại địa phương. Tại bang miền Nam Tamil Nadu thường nổ ra xô xát giữa các đẳng cấp trên với Dalit thông qua các dấu hiệu màu sắc.

Dù không có luật thành văn, học sinh thường biết được “màu sắc” của mình khi chuẩn bị lên trung học. Tháng Tám vừa qua, tại huyện Tirunelveli xảy ra đánh nhau giữa các nhóm học sinh, theo cảnh sát, việc gây hấn phát sinh từ màu sắc vòng đeo tay đẳng cấp.

Mau sac tro thanh cong cu phan biet doi xu
Tệ nạn phân biệt đẳng cấp vẫn hoành hành trong các trường học ở Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Chính quyền địa phương sau đó yêu cầu cơ quan giáo dục bang cấm học sinh đeo vòng tay màu phân biệt đẳng cấp xuất thân, nhưng đến nay vẫn chưa có lệnh chính thức bằng văn bản. Giám đốc Phòng Giáo dục huyện Tirunelveli, ông R. Swaminathan, xác nhận rằng họ đã ban hành lệnh cấm như vậy.

Giáo viên các trường tại địa phương cũng phải chịu áp lực đẳng cấp giống như học sinh của mình và thường bất lực trong hành động. Tuy nhiên, ông Maria Soosai thuộc Viện Giáo dục nhân quyền tin rằng có thể làm được nhiều hơn là im lặng chấp nhận.

Theo ông, sự can thiệp hình thức của một số giáo viên chưa đủ để xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử trong trường học: “Luật cấm việc đánh dấu như vậy, nhưng giáo viên cũng cần giáo dục để học sinh không tham gia vào các hoạt động này”.

Mặc dù Indian Express không ám chỉ việc các giáo viên khuyến khích hệ thống phân biệt đẳng cấp trong nhà trường, nhưng một hiệu trưởng địa phương nói với tờ báo rằng áo vét màu sắc khác nhau “rất tiện khi rút thăm các đội trong thi đấu bóng rổ”.

Tố Quyên (Theo Indian Express , Telegraph, Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI