Máu người có thể trở thành… thuốc diệt muỗi

28/03/2025 - 22:39

PNO - Các nhà khoa học Anh phát hiện, thuốc chữa bệnh rối loạn chuyển hóa Tyrosine còn có tác dụng phụ: khiến máu người trở nên độc hại với muỗi.

Muỗi ngày càng kháng thuốc, làm tăng khả năng truyền bệnh — Ảnh: Lee R. Haines
Muỗi ngày càng kháng thuốc, làm tăng khả năng truyền bệnh - Ảnh: Lee R. Haines

Các chuyên gia ở Trường Y học Nhiệt đới Liverpool (LSTM), tại thành phố cảng cùng tên của nước Anh, công bố nghiên cứu cho thấy: thuốc dùng điều trị bệnh rối loạn di truyền Tyrosine còn có thể khiến máu người trở nên độc hại đối với muỗi, mở ra thêm hy vọng về vũ khí mới chống lại bệnh sốt rét, theo báo The Telegraph đưa tin ngày 28/3.
Tiến sĩ Lee Haines, nghiên cứu viên danh dự tại LSTM và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết rằng loại thuốc được nghiên cứu là Nitisinone, có tác dụng làm chậm tiến triển của bệnh rối loạn chuyển hóa Tyrosine (bệnh Tyrosinemia loại 1), tình trạng di truyền hiếm gặp có thể gây suy gan, suy thận nghiêm trọng và các bệnh khác.
Tiến sĩ Haines cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm của ông đã phát hiện ra rằng thuốc này còn có tác dụng phụ: khiến bất kỳ con muỗi nào ăn phải cũng không thể tiêu hóa được máu mà chúng hút, khiến chúng chết đói nhanh chóng.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine vào ngày 26/3, cho thấy loại thuốc này có khả năng ngăn chặn một loại enzyme thiết yếu mà muỗi cần để phân hủy thức ăn. Thử nghiệm chứng minh, một lượng nhỏ thuốc thậm chí tiêu diệt được cả muỗi có khả năng kháng thuốc diệt côn trùng thông thường. Hiện tượng muỗi kháng thuốc là vấn đề ngày càng phổ biến, làm chậm các nỗ lực chống lại bệnh sốt rét và bệnh do muỗi truyền khác.
Tiến sĩ Haines nhận định: “Điều khiến nitisinone trở nên thú vị là cơ chế hoạt động mới lạ của nó. Không giống các loại thuốc trừ sâu thông thường, chuyên nhắm vào hệ thần kinh của muỗi nên cũng gây độc cho con người, nitisinone nhắm vào con đường sinh học hoàn toàn khác ở muỗi và cả các loài côn trùng hút máu khác, đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt ruồi tsetse lây lan bệnh ngủ”.
Giáo sư Álvaro Acosta Serrano, một đồng tác giả khác của nghiên cứu, cho biết: “Nitisinone có thời gian bán hủy trong máu lên tới 54 giờ, dài hơn nhiều so với thuốc Ivermectin, chỉ được tối đa 18 giờ, nên có hiệu quả tốt hơn nhiều. Nitisinone không chỉ tiêu diệt những con muỗi vô tình hút máu người chứa thuốc này, mà còn có thể được dùng trong các loại bẫy thức ăn chống muỗi”.

Trường An (theo The Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI