Mẫu mực phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

15/10/2013 - 16:24

PNO - PNO - Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Mặt trận Dân chủ không còn thích hợp, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Để tránh sự khủng bố, Đảng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 8/2/1941, Bác Hồ bí mật về nước, ở hang Pắc Pó (Hà Quảng - Cao Bằng), thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt minh. Ông Võ Nguyên Giáp - bí danh là Văn - được cử phụ trách Ủy ban Quân sự Tổng bộ Việt minh. Bấy giờ, vấn đề huấn luyện quân sự trở nên bức thiết, Bác viết những quyển sách, in li-tô khổ nhỏ bỏ túi như Chiến thuật du kích, Kinh nghiệm du kích Nga - Tàu...; Phạm Văn Đồng viết Người chính trị viên; còn Võ Nguyên Giáp viết Công tác chính trị trong quân đội cách mạng, lược dịch Chiến tranh du kích kháng Nhật của Chu Đức để kịp thời có tài liệu giảng dạy cho các tổ chức vũ trang đang lần lượt ra đời. Một hôm, Bác gọi Võ Nguyên Giáp lên, cho biết sẽ thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân. Bác hỏi: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không?”. Ông thưa: “Có thể được”.

Mau muc pham chat “Bo doi Cu Ho”

Có thể ghi nhận, đây là lời hứa đầu tiên của Tướng Giáp với Bác Hồ. Và, cho đến lúc trút hơn thở cuối cùng, Tướng Giáp đã luôn tự hào với lời hứa danh dự của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Giữa lúc công việc đang bề bộn thì Bác ốm. Khi Võ Nguyên Giáp đến nhận chỉ thị, Bác dặn dò: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của ông suốt những năm tháng chiến tranh. Trong một bữa ăn tối sau cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ vui vẻ đọc vế đối nhắc nhở nhiệm vụ trọng đại của Tướng Giáp:

- Giáp phải giải pháp!

Mọi người đều suy nghĩ tìm cách đối lại, nhưng đều không chỉnh. Mãi đến lát sau, ông Tôn Quang Phiệt mới có được câu đối thật hay:

- Hiến tài hái tiền!

Hiến ở đây là ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm bí thư Việt minh đoàn của cơ quan chính phủ. Cái hay của câu đối không chỉ ở chỗ nói lái rất Việt Nam mà còn nói lên được hai vai trò chiến lược của thời kỳ này là kháng chiến và kiến quốc.

Trong các tập hồi ký, Tướng Giáp cho biết, ông nhiều lần vận dụng lời dạy của Bác Hồ để công việc đạt hiệu quả tốt nhất. Mùa hè năm 1950, để giành lại ưu thế quân sự trên chiến trường, chuẩn bị thế và lực phản công, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới do ông trực tiếp lãnh đạo. Theo dự kiến ban đầu, Bộ tổng Tư lệnh đồng ý phương án tiếp tục đánh vào phân khu Lào Cai, giải phóng thị xã Lào Cai, thông đường xe lửa sang Vân Nam (Trung Quốc) - nhưng “Sau khi đi Trung Quốc và Liên Xô về, Bác trao đổi trong thường vụ là nên chuyển hướng từ giải phóng Lào Cai sang Cao Bằng. Bác coi Cao Bằng là một căn cứ địa “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Mở chiến dịch ở Cao Bằng, ta có khả năng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch quan trọng, chiến thắng ở đây sẽ tạo đà thuận lợi chuyển sang gia đoạn mới” (Đường tới Điện Biên Phủ, NXB QĐND- 2001- tr.11).

Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này đã thay đổi, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định vào phút cuối. Nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch, sáng 5/8/1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi khảo sát, nghiên cứu thực địa Cao Bằng. Ngay trên bản đồ tỷ lệ 1/500.000 ông đã phân tích cho cơ quan tham mưu, nếu đánh Cao Bằng sẽ phạm vào nguyên tắc của binh pháp: “Một người giữ ải, muôn người khó vượt qua”. Hơn nữa, “đánh Cao Bằng sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề chiến thuật mà bộ đội ta còn ít kinh nghiệm. Phải tổ chức vượt sông. Nhiều khả năng phải đột phá sâu, dẫn tới đánh ban ngày, đánh dài ngày. Phải đối phó với quân dù, hỏa lực máy bay, đại bác trên địa hình trống trải. Phải tiêu diệt những công trình phòng ngự rất kiên cố trong khi bộ binh ta hầu hết chỉ có vũ khí nhẹ... Và phải chăng chúng ta làm trái lời dạy của người xưa: “Đánh thành là hạ sách!” (SĐD - tr.30).

Do đó, ông đã trình bày lại với Trung ương Đảng và Bác Hồ chủ trương mở đầu chiến dịch bằng trận đánh Đông Khê. Mất Đông Khê sẽ xảy ra hai tình huống: hoặc địch sẽ đem quân lên tái chiếm, ta có điều kiện tiêu diệt lúc chúng ngoài công sự; hoặc chúng sẽ rút khỏi Cao Bằng. Nếu chúng không chiếm lại Đông Khê, ta sẽ đánh Thất Khê, phá vỡ tuyến phòng ngự của chúng.

Ý kiến sáng suốt của Tướng Giáp được chấp thuận, Bác Hồ trực tiếp chỉ thị: “Chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”. Với tài cầm quân của một vị tướng có tầm nhìn chiến lược, Tướng Giáp đã chỉ đạo toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không phụ lòng tin của Bác. Từ chiến thắng này, cục diện chiến trường đã có những thay đổi lớn.

Không chỉ thế, khi Đại tướng Navarre được cử làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp, vừa sang đến Việt Nam, đã huyên hoang tuyên bố: “Điện Biên Phủ là một tuyến phòng ngự bất khả xâm phạm!”. Bấy giờ, Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn phương án “đánh nhanh thắng nhanh” nhằm tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ, vì nếu không đánh sớm giặc sẽ tăng thêm quân, củng cố công sự ngày càng kiên cố, ta sẽ không còn điều kiện để công kích. Bấy giờ, hàng ngàn dân quân đã đổ mồ hôi và cả máu để hoàn thành được nhiệm vụ thần kỳ mà Đảng và Bác Hồ giao. Ai nấy đều hào hứng chờ đợi giây phút lập công. Đó là lúc 17 giờ, ngày 25/1/1954, mở màn chiến dịch là 2.000 trái pháo 105 ly sẽ trút xuống đầu quân giặc!

Nhưng đến giây phút đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định đổi phương án tác chiến! Trước lúc đi khảo sát thực tế chiến trường, Bác Hồ nói với ông: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại” trao cho chú toàn quyền”. Hơn thế, Bác còn dặn dò lúc chia tay: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Sau này, ông cho biết cảm tưởng ở khoảnh khắc này: “Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng”.

Cuối cùng, sáng ngày 26/1/1954 Đảng ủy Mặt trận đã họp, thảo luận gay gắt và đồng ý chuyển phương châm tác chiến “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra. Cũng trong đêm đó, không thể dùng điện đài vì sợ lộ bí mật, ông viết thư hỏa tốc báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ về sự thay đổi này. Sau một thời gian chuẩn bị lại chu đáo, lúc 17g ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chỉ huy trưởng mặt trận - hạ lệnh nổ súng. Pháo binh Việt Nam rót đạn xuống cụm Him Lam, dọn đường cho bộ binh xung phong vào đồn giặc - mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vang dội địa cầu. Bác Hồ rất hài lòng về người học trò của mình, tuy nhiên ngay thời điểm ấy, Bác đã nói với Tướng Giáp một điều mà chưa ai nghĩ đến: “Sau chiến thắng ở Điện Biên, tôi từ Tây Bắc trở lại Việt Bắc, đến chào Bác. Người bắt tay chúc mừng, rồi nói: “Nhân dân ta còn phải tiếp tục chống Mỹ”. Tôi nhớ đến những lời Bác viết trong thư khen ngợi quân và dân sau chiến thắng: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”. Những lời này chỉ có được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, tr.440).

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Tướng Giáp cũng có những thời diểm quyết định sáng suốt. Lúc 17g50 ngày 14/4/1975, Tổng bí thư Lê Duẩn gửi bức điện cho các tướng lĩnh Hoàng Văn Thái, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thông báo: “Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh. Bấy giờ, mật lệnh của Tướng Giáp đã được quán triệt đến toàn quân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, quyết thắng và toàn thắng”. Quyết định này có được, do ông nhớ đến lời dạy xuyên suốt của Bác: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Mật lệnh của Tướng Giáp đã góp phần kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh nhân dân theo ước vọng của Bác Hồ mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Ít ai biết, chiều ngày 30/4/1975, sau cuộc họp với Bộ Chính trị, nắng chiều đang vàng rực trên rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu, Tướng Giáp một mình thả những bước chân đi trên phố phường Hà Nội hòa cùng niềm vui của dân tộc, bất giác trên khóe mắt của một vị tướng dạn dày trận mạc ấy đã trào ra những giọt nước mắt hạnh phúc. Trong thâm tâm, ông tự nhủ “Giá như còn có Bác...”. Chúng ta có thể hiểu, bao giờ trong sâu thẳm tâm hồn, ông cũng nhớ đến người thầy, người lãnh tụ mà ông luôn kính yêu.

Dù thời điểm nào, Tướng Giáp cũng luôn nhắc đến bài học từ Bác Hồ mà ông đã tiếp thu và vận dụng. Dòng chữ cuối cùng kết thúc hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, ông nhớ đến Bác Hồ: “Độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”, “lòng yêu dân, yêu nhân loại không bao giờ thay đổi”, “mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân”, “có dân là có tất cả”, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, đó là những điều nằm trong di sản Người để lại cho dân tộc: Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Kết thúc hồi ký Trong tổng hành dinh mùa xuân đại thắng, ông lại nhấn mạnh: “Lịch sử ghi nhận công đầu thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà chiến lược thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”.

Sự thành công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là do ông đã vận dụng các bài học của Bác Hồ một cách nhuần nhuyễn từ tư duy đến hành động. Đã có nhiều ghi nhận, đánh giá về tài năng, đức độ của ông, nhưng có lẽ niềm tự hào nhất, lớnnhất của Tướng Giáp chính là ông đã sống, cống hiến theo đúng phẩm chất “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ”.

LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI