Màu mè nữa làm chi

20/01/2016 - 06:52

PNO - Vợ chồng em cưới nhau được hơn một năm, nhưng đã phát sinh nhiều lục đục, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng có thể gây khó chịu.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em cưới nhau được hơn một năm, nhưng đã phát sinh nhiều lục đục, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng có thể gây khó chịu. Ví dụ thời chưa cưới bọn em hay gọi nhau là “ông”, “bà”, xưng “tui”, thấy rất ngộ, vui; nhưng giờ cũng “ông”, “bà”, “tui” mà sao nghe… chát chúa quá.

Lúc trước em nghe anh ấy gọi là “bà” thì không sao, giờ tự nhiên nghe vậy lại thấy mình… già đắng! Em đề nghị gọi nhau là “anh”, “em”, anh ấy giãy nảy bảo không quen, kỳ lắm. Riết rồi em chẳng còn hứng thú nói chuyện với chồng nữa, có việc gì thì nói… trỏng.

Anh đi làm về là ôm lấy cái điện thoại hoặc máy tính, nói chuyện suốt với bạn bè. Em thấy anh cũng gọi người đang nói chuyện với mình là “em” mà nghe có kỳ gì đâu! Em cự nự, anh buông ngay một câu: “Nói chuyện với người ta thấy vui vẻ, còn bà sao nói gì tui cũng nghe không lọt lỗ tai”.

Chẳng lẽ em lại cãi nhau vì người ta không chịu nói chuyện vui vẻ với mình sao? Mà nếu không làm gì để cải thiện tình hình này thì em thấy khoảng cách vợ chồng càng lúc càng xa, càng không hiểu nhau. Em rất muốn đổi cách xưng hô cho tình cảm hơn, nhưng anh cho là em bày đặt rắc rối, đã cưới nhau rồi đâu cần phải màu mè nữa làm chi…

Anh Ngọc (TP.HCM)

Mau me nua lam chi
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Em Anh Ngọc mến,

Nói chuyện là cả một nghệ thuật. Đúng như em nghĩ, nếu không nói chuyện với nhau thì khoảng cách vợ chồng sẽ ngày càng xa; nhưng nói chuyện mà sinh ra gây gổ suốt ngày thì thà im lặng còn hơn. Đã biết nguyên nhân của vấn đề, mình có thể từ từ điều chỉnh, sao cho chuyện của mình lọt tai người nghe, sao cho người ta cũng thích nói chuyện với mình.

Đầu tiên, nếu chồng đã không chịu sửa “ông, bà và tui” thành “anh và em”, thì em cũng không nhất thiết phải buộc anh ấy sửa. Nội dung nói chỉ là một phần thông điệp, phần quan trọng của thông điệp đó là cách nói và giọng nói.

Hãy lưu ý xem có phải mình đã “ông, bà và tui” một cách chát chằng, vô cảm, hoặc kèm cả những bực dọc vào đó hay không? Nếu đúng vậy thì phải sửa, thêm vui vẻ, thêm nũng nịu, thêm yêu thương vào cho “ông, bà và tui” trở nên nhẹ nhàng, dịu dàng hơn.

Không cần đề nghị và được chấp nhận mới dùng, thỉnh thoảng, em cứ gọi chồng bằng “anh”, xưng “em” một cách yêu thương, chẳng có người đàn ông nào từ chối điều đó cả. Mai kia, khi có con, thử gọi nhau bằng “ba” và “mẹ”, cũng vui và thú vị lắm. Trong việc xưng hô, từ ngữ có thể khác nhưng thông điệp từ đó vẫn phải luôn là thông điệp của yêu thương, em ạ.

Mặt khác, chuyện trò trong gia đình phải là một kênh để hiểu nhau, chứ không phải chỉ để tranh cãi, quy kết đúng sai này nọ. Vì thế, dù cả những lúc mệt mỏi, bực dọc mình cũng phải chịu khó nghe và tạo cho đối phương cảm giác họ được lắng nghe.

Phải nghe chồng trước, rồi sẽ đến lúc chồng chịu nghe chuyện của mình, mới có trò chuyện thật sự trong nhà. Muốn ai đó nghe chuyện của mình thì câu chuyện đó phải thú vị, có liên quan đến người đó. Thỉnh thoảng, cũng có thể “ngoại giao” bằng cách nịnh chồng vài câu, chẳng tốn kém gì mà chắc chắn là “lọt lỗ tai” liền!

Em thử để ý những câu chuyện điện thoại của chồng, rồi thỉnh thoảng mình có thể gọi điện, nhắn tin cho chồng, đó cũng là trò chuyện, chứ không phải chỉ là nghe nói trực tiếp. Chúc em tìm được những câu chuyện chung giữa hai vợ chồng vẫn đang còn son.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI