Con dốc dài hơn hình dung của Trân. Nó gần như dựng đứng. Ban đầu cô còn đi bộ thong dong, chỉ lát sau đã thở hồng hộc, tim đập nhanh, có lẽ phải đến 150 nhịp mỗi phút. Trân gọi bác tài dừng lại giữa một điểm đồi chơi vơi lúc bốn giờ chiều. Ông ngạc nhiên hỏi: “Ủa, chớ cô đi đâu?”. “Cháu cũng không chắc nữa”, Trân nở nụ cười hơi chua chát. Cũng như khi kéo va ly ra bến xe, mua tấm vé một chiều: “Đến đâu cũng được”, Trân nhận về ánh mắt dò xét, nửa ngờ vực, nửa tò mò từ anh nhân viên.
Ngót nghét gần 30 năm sống, Trân chưa làm gì kiểu vô định thế này. Ngày còn trẻ, mỗi chuyến đi xa đều được Trân lên kế hoạch tỉ mỉ cả tháng trời. Mua cái đồng hồ, làm lại mái tóc, thậm chí sắm một bộ váy, Trân cũng gạch đầu dòng về khoản chi cần bỏ ra, địa chỉ mình nên ghé. Không phải Trân thiếu tiền. Gia đình cô thuộc dạng khá giả. Trân ra trường đi làm với khoản lương tương đối. An toàn như một thói quen. Dù ở với ba má hay đã lập gia đình, Trân luôn trong vùng an toàn tuyệt đối.
Anh lơ xe góp chuyện: “Thấy cái mỏm cao cao kia không, đó là đỉnh Mù. Tui không biết sao người ta gọi tên kỳ vậy”. Trân nhìn theo hướng chỉ của anh, chỏm núi sừng sững, đơn độc. Trong nháy mắt, Trân quả quyết: “Tôi qua đó coi sao”. Vài vị khách trên xe kêu trời: “Biết có ai không mà đi”. Họ còn xì xào thêm nhiều câu nữa song Trân không nghe thấy. Cô dấn bước, con đường hun hút, chỉ một mình.
Thành phố đã khuất sau lưng. Trân không mang theo món đồ điện tử nào. Cô muốn mình cách ly với thế giới. Trân ngồi đó, đỉnh Mù chập choạng. Gió táp vào mặt, luồn qua mái tóc ngắn cũn cô vừa tự cắt, nham nhở. Từ đây nhìn xuống là con đường đèo quanh co, những ngôi nhà ken kín. Mọi thứ bên dưới đều bé như hạt đậu, chúng kết thành bàn tay nhỏ, thuộc về một thế giới nào đó rất xa, Trân không biết. Bàn tay ma mị vồ vập trí não Trân, nhào nặn nó, bóp vụn nó. Cô nhắm mắt, mưu cầu bóng đêm xoa dịu. Cơn đau vẫn ở yên trong lồng ngực. Không gian tĩnh lặng đến độ Trân nghe tiếng gió mơ hồ như lời thở than. Nếu là trước đây, Trân sẽ không bao giờ dám đặt chân lên một nơi cô tịch thế này, nhất là vào lúc chập choạng.
“Cô ấy là vợ tôi”, giọng nói từ cõi nào lại ập vào tim Trân, bóp vụn, nhói buốt.
***
Trân làm vợ Lập năm 22 tuổi, vừa rời trường kinh tế. Tình yêu đến nhẹ nhàng, không rào cản. Trân nhỏ hơn Lập năm tuổi. Khi ấy, anh đã là trưởng phòng marketing một công ty truyền thông có tiếng. Cô không phủ nhận, bên Lập như lựa chọn an toàn, bởi anh đủ đầy vật chất, lại chiều chuộng Trân hết mức. Giữa hai người không có gì phải che giấu, Trân tin vậy. Mấy năm đầu, hôn nhân quá đỗi hoàn hảo. Hai người đèo nhau đi làm, dạo công viên, cuối tuần vào bar uống một ly vang. Căn hộ chung cư trên tầng 17 luôn ngập tiếng cười. Lập chủ động phụ giúp Trân việc nhà, anh có thể nấu nướng, giặt giũ, không kêu ca. Chẳng cần tới lễ lạt hay ngày kỷ niệm lớn, hôm nào Lập cũng chăm chút bó thạch thảo trên bàn làm việc của Trân.
Cô thường nhận quà vào mỗi cuối tháng, có khi là đôi giày kitten heel màu vàng hổ phách, mũ biker da nâu hoặc thỏi Rouge Dior 999 màu đỏ cổ điển. Mỗi ngày trôi qua là một ngày rực rỡ. Thế nên, buổi sớm hôm ấy, ngày Lập ra đi cùng túi đồ con con, cô nghĩ chỉ là cơn ác mộng không có thật. Lập nấn ná trước cửa, xót xa nhìn Trân. Cô buột miệng: “Có cô ấy rồi, anh cưới em làm gì?”. Ánh mắt Lập van lơn, tội lỗi: “Anh vẫn luôn yêu em. Anh sẽ dành cả đời mình chuộc lỗi với em”. Trân trống rỗng. Lập trong mắt cô thật xa lạ, như thể Trân không biết người này, như thể Lập từ một hành tinh khác vừa bước vào nhà qua cánh cửa hẹp, rồi vụt bay đi. Thế mà, sự thật là hai người đã bên nhau bảy năm.
Sau ba lần thụ tinh ống nghiệm thất bại, rất nhiều đêm, Lập ngồi đốt thuốc lá đến sáng. Trân lặng lẽ nhìn anh từ phía sau, dự cảm đổ vỡ. Vùng an toàn của Trân rạn dần. Nó bắt đầu từ bao giờ? Là hôm lòng Trân bời bời, nghe câu “đã thất bại” lần đầu tiên, kèm theo ánh mắt cảm thông của nữ bác sĩ khoa sản. Là lần thứ hai “thất bại”. Hay ngay từ buổi đầu, cuộc hôn nhân này đã ở bên bờ vực? Căn hộ chung cư trên tầng 17 trở nên quá rộng cho hai người. Rời công sở, Trân không về nhà chăm chút bữa cơm tối mà lang thang trên đường. Im lặng, lẻ loi. Trân hay vào bệnh viện, ngồi trên dãy ghế ngoài hành lang, chẳng để làm gì. Mỗi khi có bóng ai đó ôm bụng bầu lặc lè ngang qua, tim Trân lại nhói lên từng chập một. Bất lực. Không cãi vã, không nước mắt, giữa Trân và Lập chỉ có lặng thinh bủa vây.
“Có lẽ sắp rồi”, Trân thường nghĩ thế vào những đêm không cách nào chợp mắt. Sắp rồi, ngày Trân và Lập xa nhau. Trong tâm tưởng cô, “ly hôn” là một khái niệm khủng khiếp, chuyện của ai đó, không phải Trân. Ngày lại qua ngày, im lặng, xa cách, chơi vơi, ba chất độc ngấm dần vào Trân, ý nghĩ “ly hôn” bật dậy như con rắn độc đã chán chê giấc ngủ dài. Cô tự hỏi sẽ ra sao nếu phải đường ai nấy bước. Hôn nhân im lặng như một vòng dây siết chặt cổ, thít dần, thít dần đến ngạt thở. Trân sợ. Cô vùng vẫy đấu tranh với con rắn độc, tự ủi an mình, rằng họ cần thời gian, rằng sẽ ổn thôi. Trân thậm chí không đủ dũng khí thừa nhận mình quá ít can đảm để bước ra, kết thúc cuộc im lặng mê mải này.
Ba giờ sáng.
Trân bật dậy sau tiếng chuông điện thoại, hơi bất ngờ vì không thấy Lập nằm cạnh bên. “Một ca cấp cứu, em giúp được không?”, Khôi, anh chàng phụ trách ngân hàng máu sống của thành phố nói qua điện thoại, hơi thở gấp gáp. Thuộc nhóm máu hiếm A Rh-, Trân tham gia đội hiến máu của thành phố từ dạo còn là sinh viên. “Em sẽ có mặt sau 20 phút nữa”, Trân nói. Cô chạy quanh nhà tìm Lập nhưng không thấy. Bấm điện thoại, anh không nghe máy. “Đi đã rồi tính”, cô tặc lưỡi.
Phòng cấp cứu đông kín người. Khôi đứng ngoài cửa, đang nói chuyện với bác sĩ và một người nữa, có vẻ là thân nhân người bệnh. “Cô ấy là vợ tôi”, người đó nói, giọng nghe quen. Trân tiến thêm vài bước. Lúc tối, Lập mặc chiếc thun kẻ sọc đen, trắng. Người này cũng vậy. Thêm một bước nữa. Trên cánh tay phải người ấy, chiếc đồng hồ thể thao màu gỗ hóa thạch Trân tặng Lập nhân sinh nhật 30 của anh, y chang. Người ấy bỗng quay đầu lại. Là Lập. Thảng thốt, Trân bước giật lùi. Hai người đối diện nhau, xấp giấy trong tay Lập rơi ra, bay lên không khí, rối rắm tựa ngàn dấu hỏi. Trân đảo mắt vào phòng cấp cứu. Một phụ nữ đang nằm đó, quanh người đầy dây nhợ.
Khôi ào về phía Trân: “Cô ấy bị tai nạn trên đường. Mất máu quá nhiều, nếu không truyền kịp... Trân à”. Nói rồi, anh nhìn vị bác sĩ: “Trân thuộc đội chúng tôi”. Ông khẽ gật đầu: “Mời cô theo tôi kiểm tra”. Trân không nhúc nhích. “Em sao thế?, Khôi lo lắng. “Trân à” - Khôi gọi đến lần thứ ba, cô giật mình thoát khỏi trạng thái gần như vô thức: “Được rồi”, Trân nói. Cô bước qua Lập, cánh tay buông thõng khẽ chạm tay Lập, muốn hỏi: “Cô ấy là vợ tôi” nghĩa là sao? Người phụ nữ đó là ai? Vì sao anh lại ở đây, lúc hơn ba giờ sáng?
Trân rất khỏe, mỗi lần kiểm tra, tình trạng của cô đều ổn định. Lập cũng không có vấn đề gì. Chỉ là Trân không sinh được. Vậy thôi.
“Cô ấy mắc hội chứng Hemophilia A, máu khó đông, rất nguy hiểm, không thể làm phẫu thuật cấy ghép tạng”, vị bác sĩ nói khi Trân hỏi về Ly, người phụ nữ cô vừa cứu sống bằng những giọt máu của mình. Con trai Ly bảy tuổi. Thằng bé bị suy thận giai đoạn cuối, đang chờ cấy ghép. “Cha thằng bé thì sao?”, cô hỏi. “Người đàn ông khi nãy không hiến được, thằng bé theo nhóm máu của mẹ, A Rh”.
Trân lảo đảo bước xuống cầu thang bộ, 12 tầng. Thang máy không xuất hiện trong tâm trí cô. Đúng ra là không gì cả, trừ câu nói đó, “cô ấy là vợ tôi” và thằng bé bảy tuổi, vừa khớp cuộc hôn nhân của Trân. Lập đuổi kịp Trân ở tầng bảy bệnh viện, đưa tay đỡ nhưng cô gạt ra. Sự săn đón, lòng nhiệt thành, tình yêu và bao dung. Tất cả đều dối trá, phải vậy không?
Lập làm động tác vuốt mặt đến vài bận. Hai tay anh run lên, chìa ra như muốn ôm Trân vào lòng chở che mỗi khi cô yếu đuối. Hai người cách nhau nửa mét, mà khoảng không trước mặt lại như bức tường thành. “Anh đưa em về, rồi chúng ta nói chuyện”, Lập đề nghị. “Nói gì đây?”, Trân đột ngột ngước nhìn Lập. “Bọn anh cùng đội tập sự tại công ty. Đó là một tai nạn. Rồi anh gặp em, yêu em, nên...”, Lập bối rối. Trân bảo cô không cần giải thích. Vài giây trước, trái tim dại dột của Trân còn thầm mong chuyện này chỉ là nhầm lẫn. Là một cơn mê sảng. Lập sẽ nói với cô những cảnh vừa qua xảy đến trong mộng mị do chứng căng thẳng gây ra. Trân ngủ lại đi, rồi sẽ ổn thôi.
***
Trân ngồi một mình trên đỉnh Mù. Tận cùng đơn độc. Thời gian sống của thằng bé - con Lập chỉ đếm từng ngày. Bác sĩ nói vậy. Thằng bé không còn nhiều hy vọng nữa, với nhóm máu hiếm và người mẹ mắc hội chứng Hemophilia A, nó sẽ phải chờ, chờ mãi mãi. Người hiến tạng phù hợp có khi chẳng bao giờ xuất hiện. Cái chết đến từ từ với người chờ cấy ghép trong vô vọng, hẳn phải đáng sợ lắm. Trân đã gặp nó. Thằng bé như khuôn đúc của Lập. Ánh mắt trong trẻo. Trân chạy ra cửa, bật khóc. Thằng bé nhỏm dậy, nhích từng bước, vòng tay nhỏ khẽ khàng ôm lấy Trân từ đằng sau: “Cô là bạn má con, phải không? Bác sĩ nói cô đã cứu má. Con hát cho cô nghe nhé, cô đừng buồn”. Trân muốn đẩy thằng bé ra nhưng vòng tay nó chặt quá, như vòng kim cô trói buộc tim Trân. Trân đã khao khát một đứa con, trai hay gái cũng được. Cô sẽ chăm bẵm, sẽ gạch từng cột nhỏ đo chiều cao của con. Sẽ cùng Lập, ba người, dạo chơi công viên. Rồi sẽ... Có vạn điều cô mường tượng trong đầu nếu có con, mà không gì thành sự thật.
Lập quỳ sụp xuống, lần đầu tiên cô thấy nước mắt lăn trên gương mặt góc cạnh của anh. “Anh biết mình tệ lắm. Xin em, Trân à. Thằng bé sẽ chết mất. Cả Ly nữa, cô ấy sẽ chết mất nếu không có thằng bé”. “Còn em thì sao?”, Trân muốn hỏi vậy nhưng tảng đá đè ngang ngực, thêm một tảng nữa chặn giữa lưỡi.
Trân tổn thương. Cô không cắt nghĩa được vì sao ý nghĩ đã chen chân vào hạnh phúc đó, khiến Ly bị bỏ rơi dẫu đang mang thai gần tới ngày sinh giày vò mình. Từng đêm trôi qua, tiếng thở dài bầu bạn cùng Trân. Có hôm, cô chạy một mạch đến bệnh viện, dự tính sẽ hét vào mặt Ly: “Tại sao cô để yên cho đám cưới của chúng tôi? Tại sao cô không làm gì?”. Ý chí Trân hừng hực. Cô tức giận. Cô có nhu cầu được biết. Vậy rồi, khi chạm ánh mắt trong ngần của thằng bé, Trân lại buông xuôi. Ngọn lửa trong tim lịm dần. Cô lủi thủi ra về. Trân ngơ ngác nhìn mình trong gương, phía đối diện là một con người tiều tụy, quầng thâm quanh mắt, váy áo xộc xệch.
Mấy năm nay, Lập vắng nhà nhiều hơn. Anh thường dáo dác đêm muộn, vùng chạy ra cửa, bỏ lại câu: “Anh đi có việc, sẽ về nhanh”. Trân ừ hữ. Cô quá bận rộn với nỗi đau bị nữ thần Eileithyia chối bỏ, chẳng để ý gì. Về sau này, Lập cuống cuồng chạy đi, Trân cũng không để ý. Có lẽ tình yêu của Lập dành cho Trân là thật. Ân cần của anh là thật. Khao khát có con cùng Trân là thật. Nhưng một sự dối trá đã che mờ vạn điều thật ấy.
Trên đỉnh Mù, gương mặt thằng bé, giọng nói trẻ con yếu ớt vì mệt của nó cứ xoáy tim Trân. Cô không xót xa giọt nước mắt của Ly: “Anh ấy yêu Trân”. Không hình dung nổi trong đầu gương mặt Lập, người cô thương, tưởng như có thể sống chết một đời cùng nhau. Trân nhớ thằng bé. Vòng ôm siết chặt của nó. Bàn tay nhỏ vuốt mái tóc Trân: “Sẽ ổn thôi, cô”. Đôi môi bệch bạc nở nụ cười với Trân: “Mai này lớn lên con sẽ làm bác sĩ chữa bệnh cho má. Cả cô nữa. Cho má máu nên cô đau phải không?”. Trân đứng phắt dậy, gồng người hét thật to. Núi rừng âm u đáp lại Trân tiếng gió gào lạnh buốt. Ông trời thật biết trêu đùa cô. Đã có bao nhiêu người trước Trân đứng ở đây, thét gào ở đây, khóc ở đây, muốn thả trôi ký ức ở đây? Rồi ra, có ai làm được không? Giấc mơ của Trân, khao khát của Trân, mong đợi vò võ của Trân. Thằng bé đang ở phía phố. Cũng như bao đứa trẻ khác được sinh ra, nó có
quyền sống.
Sáng sớm hôm sau, Trân bước xuống từ đỉnh Mù, vẫy xe trở lại thành phố. Cô đặt lên bàn tờ đơn ly hôn trước khi bước thẳng đến bệnh viện, hít một hơi thật sâu, chuẩn bị cho ca phẫu thuật cấy ghép thận.